Việt Nam lên án và chống lại mọi hình thức khủng bố

Việt Nam kiên quyết lên án và chống lại hành động khủng bố dưới mọi hình thức và ủng hộ các biện pháp chống khủng bố của các nước, các tổ chức quốc tế phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và luật pháp quốc tế.

Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt tại Hội nghị cấp cao những người đứng đầu lực lượng chống khủng bố các nước

Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt tại Hội nghị cấp cao những người đứng đầu lực lượng chống khủng bố các nước

Bốn nguy cơ khủng bố từ bên ngoài với Việt Nam

Mới đây, phát biểu tại Hội nghị cấp cao những người đứng đầu lực lượng chống khủng bố các nước do LHQ tổ chức tại New York (Mỹ), thay mặt Bộ Công an Việt Nam, Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh nội địa (Bộ Công an) đã phát biểu cho biết, tại Việt Nam chưa xảy ra khủng bố do cá nhân, tổ chức khủng bố quốc tế tiến hành, chưa phát hiện chân rết của chúng hoạt động. Tuy nhiên, Việt Nam xác định 4 nguy cơ khủng bố từ bên ngoài gây hại cho an ninh quốc gia Việt Nam.

Thứ nhất, tại Việt Nam có các mục tiêu bị khủng bố quan tâm, như trụ sở ngoại giao nước ngoài. Hai là, nguy cơ từ dòng phiến quân của Nhà nước Hồi giáo (IS) dịch chuyển về Đông Nam Á từ Trung Đông. Ba là, các nhóm khủng bố, bạo lực cực đoan triệt để lợi dụng sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội truyền bá chủ nghĩa cực đoan trên toàn thế giới. Việt Nam nằm trong nhóm các nước có lượng người dùng Internet lớn, nên khả năng bị ảnh hưởng cao. Bốn là, các tổ chức phản động lưu vong người Việt, các phần tử theo chủ nghĩa cực đoan lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo trú chân tại một số quốc gia thiết lập cơ sở, chân rết, tổ chức huấn luyện cho số đối tượng trong nước và cử người xâm nhập Việt Nam chỉ đạo thực hiện hành động khủng bố ở Việt Nam. Các tổ chức này lợi dụng các địa bàn các nước Đông Nam Á lập văn phòng trá hình, lôi kéo, tuyển mộ, huấn luyện thành viên; lợi dụng Internet và mạng xã hội tuyên truyền, xúi giục, hướng dẫn phần tử xấu trong nước thực hiện các vụ tấn công khủng bố lực lượng thực thi pháp luật và người dân vô tội.

Cụ thể, ngày 11-6-2023 đã xảy ra một vụ khủng bố tại tỉnh Đắk Lắk. 2 nhóm đối tượng trang bị súng và vũ khí tự chế tấn công trụ sở chính quyền và người dân trên đường đi, làm 9 người chết, 2 người bị thương, bắt giữ 3 con tin. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã bắt giữ 84 nghi phạm, trong đó có đối tượng là thành viên của một tổ chức có trụ sở tại Mỹ, nhận lệnh chỉ đạo từ tổ chức này xâm nhập về Việt Nam và dàn dựng vụ tấn công. Đây là hoạt động khủng bố có tổ chức, được trang bị các loại vũ khí; hành vi rất manh động, liều lĩnh, man rợ, mất nhân tính. Việt Nam mạnh mẽ lên án các cá nhân, tổ chức đã dung túng, hậu thuẫn, chỉ đạo cũng như số đối tượng đã trực tiếp gây ra vụ việc này; đồng thời, kêu gọi các quốc gia, tổ chức quốc tế có liên quan hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong điều tra vụ việc cũng như đấu tranh đối với các hoạt động tương tự.

Trên nền tảng truyền thống đối ngoại hòa hiếu, tinh thần yêu chuộng hòa bình, đường lối đối ngoại nhân đạo được vun đắp qua nghìn năm lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, Đảng và Nhà nước Việt Nam lên án, phản đối mạnh mẽ mọi hình thức hoạt động khủng bố. Việt Nam cho rằng, cuộc chiến chống khủng bố đòi hỏi nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế. Chỉ thông qua đoàn kết, hợp tác và cùng chia sẻ trách nhiệm, chúng ta mới có thể giải quyết hiệu quả mối đe dọa toàn cầu này, thúc đẩy hòa bình và an ninh của mỗi quốc gia và thế giới.

Trên cơ sở đó, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện Chiến lược chống khủng bố toàn cầu của LHQ và các nghĩa vụ quốc tế trong chống khủng bố. Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế và các quốc gia trong phòng, chống khủng bố. Hiện Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định toàn cầu, nhiều thỏa thuận khu vực hoặc song phương về chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và đặc biệt coi trọng nghĩa vụ quốc gia theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về chống khủng bố. Việt Nam cũng coi trọng việc thể chế hóa, đưa các quy định về chống khủng bố vào nhiều văn bản luật có liên quan, đồng thời không ngừng nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật. Để tạo cơ sở pháp lý vững chắc, toàn diện đấu tranh phòng, chống khủng bố, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống khủng bố, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-10-2013. Tháng 2-2022, Việt Nam đã cho ra đời Trung tâm Huấn luyện chống khủng bố thuộc Bộ Công an.

Cần có cách tiếp cận toàn diện trong chống khủng bố

Để ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố trên toàn cầu, Việt Nam cho rằng, các nước cần có cách tiếp cận toàn diện trong chống khủng bố ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu, dưới vai trò điều phối trung tâm của LHQ, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Trước hết, cần phân tích, đánh giá một cách khách quan và toàn diện về nguyên nhân dẫn đến các hành động khủng bố để tìm ra những giải pháp cơ bản, hiệu quả nhất. Nguyên nhân của chủ nghĩa khủng bố và hành động khủng bố quốc tế có liên quan đến tình trạng bất bình đẳng trong quan hệ quốc tế. Những lợi ích và bất lợi do toàn cầu hóa tạo ra không được chia sẻ một cách công bằng giữa các quốc gia, nhất là giữa các nước phát triển ở phía Bắc với các nước chậm phát triển ở phía Nam. Sự phát triển không đồng đều về kinh tế, xã hội dẫn đến sự chênh lệch giàu nghèo và bất bình đẳng, gây ra những phản ứng tiêu cực trong một bộ phận xã hội. Họ bị bế tắc trong cuộc sống, nên một bộ phận đã tìm đến những biện pháp cực đoan, thái quá và nó sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu các thế lực đen tối đứng đằng sau xúi giục, kích động.

Để đấu tranh loại trừ chủ nghĩa khủng bố, cần có sự hợp tác trên cơ sở bình đẳng giữa các quốc gia, đảm bảo sự bình đẳng trong hưởng thụ những thành tựu trung của văn minh nhân loại ở cả quy mô khu vực và thế giới. Cộng đồng thế giới nói chung, trước hết là các nước công nghiệp phát triển, cần phải giúp đỡ các nước nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo đói, bệnh tật và chậm phát triển. Ở đâu công bằng xã hội kém được thực thi nhất, thì ở nơi đó nguy cơ khủng bố sẽ cao nhất. Khủng bố là tín hiệu phản hồi của một thực trạng tồi tệ do các chính sách xã hội sai lầm cùng các quan hệ quốc tế bất bình đẳng tạo ra. Để đấu tranh có hiệu quả với hoạt động khủng bố, cần phải giải quyết ổn thỏa, toàn diện về các vấn đề kinh tế - xã hội, dân tộc, tôn giáo, pháp luật. Trước mắt, trong điều kiện các nước đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19 và phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế-xã hội, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho các quốc gia đang gặp khó khăn là rất quan trọng và đây là điều mà thế giới cần quan tâm.

Mặt khác, Việt Nam phản đối việc lợi dụng vấn đề chống khủng bố để can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia. Đấu tranh chống khủng bố phải được tiến hành phù hợp với Hiến chương LHQ, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền quốc gia cũng như nguyện vọng hòa bình, ổn định và cùng phát triển của toàn thể nhân loại. Việt Nam phản đối việc lợi dụng danh nghĩa chống khủng bố để đe dọa tấn công, can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, lên án việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hủy diệt, vũ khí giết người hàng loạt, trước hết là vũ khí hạt nhân nhằm mục tiêu khủng bố hoặc dưới danh nghĩa chống khủng bố. Việt Nam kêu gọi các nước thực hiện nghĩa vụ theo luật quốc tế, ngăn chặn việc tổ chức, xúi giục hoặc tài trợ cho các hành động khủng bố chống lại các quốc gia khác từ bên trong hoặc bên ngoài lãnh thổ của mình.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-nam-len-an-va-chong-lai-moi-hinh-thuc-khung-bo-post543771.antd