Việt Nam-Liên bang Nga: Tình hữu nghị mãi trường tồn

Tình hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga có bề dày lịch sử hơn bảy thập kỷ được nhân dân hai nước dày công vun đắp. Tài sản chung vô giá đó được gìn giữ trong quá khứ, bồi đắp trong hiện tại và trở thành nền tảng dựng xây tương lai cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 26/3, tại trụ sở Trung ương Đảng. (Nguồn: TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 26/3, tại trụ sở Trung ương Đảng. (Nguồn: TTXVN)

“Việt Nam không bao giờ quên”, “Việt Nam trân trọng” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh mỗi lần nhắc tới sự giúp đỡ to lớn của Liên bang Nga đối với đất nước.

Về phần mình, trong tiếp xúc cấp cao, Tổng thống Vladimir Putin đều nhấn mạnh Việt Nam luôn là bạn, là đối tác tin cậy của Liên bang Nga. Lòng biết ơn, lòng tin và sự chân thành là những căn cốt để tình hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga trường tồn và Đối tác chiến lược toàn diện vượt mọi khó khăn đơm hoa thơm, kết trái ngọt.

“Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc

Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lenin

Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp

Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin”.

(Người đi tìm hình của nước, Chế Lan Viên)

Chân lý mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm ra trên đất nước của V. I. Lenin là ánh sáng soi con đường cách mạng Việt Nam. Việc phát triển quan hệ với Liên Xô cũng luôn là trọng tâm hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ những ngày đầu thành lập. Trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và dựng xây đất nước, Việt Nam đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Liên Xô.

Sau này, bất luận những đổi thay trong không gian “hậu Xô viết”, Việt Nam nhất quán cho rằng việc duy trì quan hệ với Nga và các nước khác từng là thành viên của Liên Xô là cần thiết, là đáp ứng lợi ích nhiều mặt của Việt Nam.

Những dấu mốc không quên

Sự kiện được coi là dấu mốc đầu tiên của sự phát triển quan hệ song phương là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Putin (tháng 3/2001) với Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Liên bang Nga. Nga là nước đầu tiên mà Việt Nam ký tuyên bố xác lập quan hệ Đối tác chiến lược.

Hơn một thập kỷ sau đó, quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga phát triển toàn diện và sâu sắc hơn, là nền tảng để hai nước quyết định nâng tầm quan hệ bằng việc xác lập khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 7/2012 trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Khuôn khổ hợp tác này đã tạo động lực mới cho quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga ngày càng phát triển trên mọi lĩnh vực cho đến nay. Tiếp đến, Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030 được hai nước tuyên bố vào 30/11/2021 có ý nghĩa quan trọng, tạo ra xung lực mới cho các hợp tác thêm mạnh mẽ.

Những năm qua, từ chính trị, quốc phòng, an ninh, thương mại và đầu tư, năng lượng đến khoa học và công nghệ, giáo dục và y tế, các lĩnh vực hợp tác đều đang đứng trước những triển vọng hết sức tốt đẹp. Hai bên gần gũi quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế cũng như khu vực.

Gần đây nhất, gặp Lãnh đạo Việt Nam bên lề Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” (BRF) tháng 10/2023, Tổng thống Putin một lần nữa khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của Liên bang Nga tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tháng Ba vừa qua, điện đàm với Tổng thống Putin, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Việt Nam xác định quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình.

Biểu tượng quen thuộc và quyết tâm đồng hành

Nhiều năm qua, lĩnh vực năng lượng và dầu khí được coi là biểu tượng trong hợp tác kinh tế Việt Nam-Liên bang Nga với những cái tên đã trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam như Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (công trình do Liên Xô giúp Việt Nam xây dựng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm an ninh năng lượng cho Việt Nam trong quá trình phát triển). Bên cạnh đó là các liên doanh Việt Nam-Liên bang Nga trong lĩnh vực dầu khí như Liên doanh Vietsovpetro, Rusvietpetro, Gazpromviet, Vietgazprom...

Có thể khẳng định dư địa hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực này rất triển vọng. Việt Nam đang trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu đầu tư, xây dựng và phát triển hạ tầng, năng lượng, điện là rất lớn. Mới đây, trong tiếp xúc bên lề Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint-Petersburg lần thứ 27 tại Nga, đại diện hai nước đã tiếp tục nhấn mạnh tính “trụ cột” trong hợp tác dầu khí - năng lượng với những hướng đi chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển bền vững.

Bất chấp những khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới, thời gian qua, hợp tác thương mại - đầu tư giữa hai nước tiếp tục được củng cố. Khóa họp lần thứ 24 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Liên bang Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật vừa diễn ra vào tháng Tư tại Hà Nội với nhiều định hướng, giải pháp tháo gỡ khó khăn và nắm bắt cơ hội trong hợp tác kinh tế song phương. Với quyết tâm và nỗ lực của hai nước, kim ngạch thương mại năm 2023 đạt 3,63 tỷ USD, tăng 2,3% so với năm 2022, hướng tới phục hồi như trước Covid-19.

Đặc biệt, hòa mình vào xu hướng phát triển chung hiện nay của thế giới, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo, kinh tế số là những lĩnh vực được cả hai nước rất quan tâm và có nhu cầu lớn.

Việt Nam và Liên bang Nga đều chú trọng phát triển kinh tế số, đặt mục tiêu đưa kinh tế số trở thành một trong những động lực tăng trưởng chính, mở ra những cơ hội hợp tác to lớn cho hai nước nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Vừa qua, tại Hội thảo “Triển vọng hợp tác kinh tế số Việt-Nga” được tổ chức tại Moscow, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga Dương Hoàng Minh chia sẻ: “Trong những năm gần đây, kinh tế số ở Việt Nam và Liên bang Nga phát triển rất mạnh mẽ. Tiềm năng hợp tác giữa hai nước cũng rất nhiều. Ngay ở Đại sứ quán Nga tại Việt Nam đã có một chức danh mới, đó là tùy viên số. Hai nước có nền tảng pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế số trong thời gian tới”.

Rõ ràng, trong mỗi nhịp cầu phát triển, hai nước luôn đồng hành hóa giải khó khăn, thách thức, tận dụng mọi cơ hội và nỗ lực, quyết tâm đưa hợp tác kinh tế theo mạch tiến về phía trước.

Điện đàm với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin ngày 26/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Việt Nam xác định quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình. Đáp lại, Tổng thống Putin khẳng định Việt Nam luôn là bạn, là đối tác tin cậy của Liên bang Nga.

“Thép đã tôi thế đấy”

“Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép trở nên không hề biết sợ” - câu nói nổi tiếng trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Liên Xô (cũ) Nikolai A. Ostrovsky đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần trích dẫn để truyền thông điệp về ý chí quyết tâm tới cán bộ Việt Nam. Cũng với câu nói sâu sắc ấy, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi gắm tới thế hệ tương lai của ngành Ngoại giao khi được hỏi về điều mà ông tâm đắc nhất tại một cuộc đối thoại với thanh niên.

“Nước Nga, đất nước của lịch sử huy hoàng, nền văn hóa rực rỡ với những công trình kiến trúc, những tác phẩm văn học, nghệ thuật bất hủ của những thiên tài. Đất nước của những con người chân thành, mến khách…” là lời mở đầu trong bài phát biểu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Lễ kỷ niệm Quốc khánh Nga, ngày 7/6 vừa qua tại Hà Nội.

Hẳn là như vậy, với nhiều thế hệ người Việt Nam, “chất” Nga, văn học Nga đã thấm đẫm trong tâm hồn họ, có một vị trí rất quan trọng trong trái tim họ. Điều đó không chỉ xuất phát từ sự ủng hộ, hợp tác chính trị và kinh tế Liên bang Nga đã dành cho Việt Nam, mà còn từ sự đồng điệu trong tâm hồn, tình cảm giữa nhân dân, kết nối văn hóa trong nhiều thập kỷ. Nhiều lớp nhà khoa học, nhà văn hóa, chuyên gia khoa học kỹ thuật Việt Nam… được chắp cánh từ “vườn ươm” là nước Nga tình nghĩa.

Đến nay, tình hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga vẫn luôn bền chặt, là sức mạnh để hai nước vượt qua những thử thách của thời gian, biến cố của thời đại và củng cố từng ngày. Đó là tài sản chung vô giá của hai đất nước, hai dân tộc Việt Nam-Liên bang Nga, không ngừng được nuôi dưỡng, tiếp nối và trao truyền trong các thế hệ mai sau. Thời gian qua, giao lưu văn hóa và ngoại giao nhân dân được cả hai nước chú trọng thúc đẩy với điểm nhấn là Năm chéo hữu nghị (2019-2020) nhân dịp kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao. Sáng kiến về Năm chéo về khoa học và công nghệ đang được hai nước nỗ lực hiện thực hóa.

Để kết lại, xin trích dẫn lời của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: “Tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng, tầm nhìn và quyết tâm của Lãnh đạo và nhân dân sẽ là ánh sáng dẫn đường để hai nước song hành tiến bước trên con đường phát triển”. Một “mối tình” Việt Nam-Liên bang Nga trường tồn, một con đường hợp tác Việt – Nga nỗ lực đi lên!

Hà Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-lien-bang-nga-tinh-huu-nghi-mai-truong-ton-274824.html