Việt Nam luôn nghiêm túc tham gia vào các chu kỳ UPR
Theo Bộ Ngoại giao, Việt Nam nhận thấy với nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch nên Cơ chế UPR (Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát) được đánh giá là một trong những cơ chế uy tín và hiệu quả nhất của LHQ, có đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy các quyền của người dân trên thế giới. Vì vậy, xuyên suốt cả 3 chu kỳ UPR trong hơn 10 năm qua, Việt Nam luôn nghiêm túc tham gia vào các chu kỳ UPR và thực hiện đầy đủ các khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận.
Ngày 4/9 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo thông tin về Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III Việt Nam đã chấp thuận.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, đại diện một số địa phương ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, cơ quan nghiên cứu và tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, tổ chức nhân dân của Việt Nam và nhiều tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam rất coi trọng và tham gia đầy đủ, nghiêm túc vào cơ chế UPR ngay từ chu kỳ I (2009).
Việc thực hiện các khuyến nghị UPR cũng đã mang lại những tác động đến mọi mặt đời sống xã hội ở Việt Nam, như hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân.
Kinh nghiệm của Việt Nam trong việc tham gia hiệu quả trong cơ chế UPR cũng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhất là việc ban hành các Kế hoạch tổng thể để thực hiện các khuyến nghị qua các chu kỳ.
Việt Nam cho rằng Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) là một trong những cơ chế quan trọng nhất của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ) với nhiệm vụ rà soát tình hình nhân quyền tại tất cả các nước thành viên LHQ qua đó thúc đẩy các nước thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, cam kết về quyền con người.
Việt Nam nhận thấy với nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch nên Cơ chế UPR được đánh giá là một trong những cơ chế uy tín và hiệu quả nhất của LHQ, có đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy các quyền của người dân trên thế giới.
Vì vậy, xuyên suốt cả 3 chu kỳ UPR trong hơn 10 năm qua, Việt Nam luôn nghiêm túc tham gia vào các chu kỳ UPR và thực hiện đầy đủ các khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận.
Tham gia cơ chế UPR, Việt Nam không chỉ thể hiện vai trò, trách nhiệm của một nước thành viên LHQ, mà còn tận dụng cơ chế này thông tin cho cộng đồng quốc tế về chính sách, pháp luật, thành tựu của Việt Nam về quyền con người; khẳng định cam kết của Việt Nam và học hỏi kinh nghiệm của bạn bè quốc tế để thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, nâng cao mọi mặt đời sống cho người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương.
Qua quá trình tham gia UPR, Việt Nam cũng có những cách làm, sáng kiến hiệu quả; mà tiêu biểu là việc xây dựng các Kế hoạch Tổng thể nhằm triển khai các khuyến nghị mà Việt Nam được chấp thuận. Kế hoạch Tổng thể là một công cụ hữu ích không chỉ để bảo đảm thúc đẩy thực hiện những biện pháp về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người mà Việt Nam đã cam kết.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung cũng lưu ý về những thách thức mới đối với việc bảo đảm quyền con người và thực hiện các khuyến nghị UPR, trong đó có dịch COVID-19.
Đồng thời khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong vấn đề này, với sự đồng lòng, chung sức của chính quyền và người dân, cũng như sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác quốc tế.
Tại buổi hội nghị, đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong tham gia cơ chế UPR và cho biết, Liên hợp quốc xem quá trình UPR là một cơ hội ý nghĩa để Chính phủ Việt Nam có thể kết nối trực tiếp với tất cả các bên liên quan và nhận được các khuyến nghị từ các quốc gia thành viên Liên hợp quốc.
Đây cũng là một dịp quan trọng để rà soát lại chính sách và thực tiễn thực hiện, đồng thời xây dựng các biện pháp mới với mục tiêu tăng cường bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.
Với chủ đề của Hội thảo ngày hôm nay và tiến trình UPR quan trọng trong những năm tới đây, Liên hợp quốc tại Việt Nam muốn nhấn mạnh ba thông điệp chính sau:
Thứ nhất, quyền con người là căn bản và liên hệ mật thiết với phát triển bền vững. Thực hiện các cam kết về quyền con người cũng sẽ đóng góp vào việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững SDGs.
Thứ hai, tất cả các bên liên quan đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các khuyến nghị UPR ở Việt Nam. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy sự tham gia của người dân, trong đó có tham gia qua cộng đồng các đoàn thể xã hội, sẽ cung cấp cho Chính phủ những đối tác quan trọng trong việc giúp các nhóm dễ bị tổn thương cất tiếng nói, xác định nguy cơ hay thách thức, và tìm ra những giải pháp phù hợp nhất cho cộng đồng bị ảnh hưởng. Chúng ta cần phải hỗ trợ kết nối này và bảo đảm phát huy tốt nhất kết nối giữa Chính phủ và người dân.
Thứ ba, khuôn khổ quốc tế về quyền con người, bao gồm cả UPR là nhằm bảo vệ những người yếu thế, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Bà Caitlin Wiesen cho biết: "Với việc hỗ trợ Việt Nam trong suốt tiến trình UPR chu kỳ 3, Liên hợp quốc sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực, củng cố ưu tiên của chúng tôi về đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Qua đó, thúc đẩy Chương trình nghị sự 2020, chúng tôi sẽ sát cánh cùng Việt Nam để hỗ trợ, sự hợp tác của Việt Nam với Cơ chế toàn cầu phổ quát này nhằm giúp bảo vệ, thúc đẩy và thực hiện quyền của người dân Việt Nam".
Bảo Loan