Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân
Thời gian qua, Việt Nam luôn nỗ lực và đã đạt được những thành tựu quan trọng trong bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Điều này không chỉ được thể hiện trên phương diện các quy định của Hiến pháp, pháp luật hiện hành mà còn được minh chứng sống động trong thực tế đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi người dân.
Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, với những nguồn thông tin phiến diện, sai lệch, thiếu khách quan về tình hình tôn giáo Việt Nam vừa qua, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế (USCIRF), một tổ chức do Chính phủ Mỹ lập nên, đã công bố cái gọi là “Báo cáo tự do tôn giáo năm 2024”, tiếp tục thể hiện rõ ý đồ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam khi kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ định Việt Nam là quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo - CPC.
Nhận rõ các tổ chức đội lốt tôn giáo ở Việt Nam
Những tổ chức, hội, nhóm đội lốt tôn giáo, hoạt động trái pháp luật như: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất”, “Hội đồng Liên tôn Việt Nam”, “Cao Đài Chơn quyền”, “Phật giáo Hòa Hảo độc lập”, “Đạo Dương Văn Mình”, “Pháp Luân công”, “Đạo Hà Mòn”, “Hội thánh Đức Chúa trời”… được USCIRF dẫn chứng trong “Báo cáo tự do tôn giáo năm 2024” để cho rằng việc chính quyền Việt Nam “tăng cường kiểm soát và đán áp tôn giáo một cách nghiêm trọng”, đủ để nhận rõ sự “cố tình” không hiểu của tổ chức này. Đây là những tổ chức không được Nhà nước Việt Nam công nhận và không được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo, trong đó có những tổ chức được xem là tà đạo, tổ chức bất hợp pháp lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi hoặc tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc như “Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”.
“Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”, không phải là tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp mà do đối tượng Dương Văn Mình (SN 1961, chết năm 2021) thành lập từ năm 1989. Sau khi thành lập, Dương Văn Mình lợi dụng trình độ lạc hậu, thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân tộc Mông để tuyên truyền luận điệu mê tín, dị đoan, lừa phỉnh, ép buộc người dân tộc Mông tham gia tổ chức trái với phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, gây dư luận xấu và phức tạp về an ninh, trật tự ở các địa phương.
Đáng chú ý, Dương Văn Mình thường xuyên kích động, lôi kéo người dân tộc Mông không thực hiện nghĩa vụ công dân và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… dẫn đến số đồng bào dân tộc Mông khi theo tổ chức này lún sâu vào nghèo đói; gây mâu thuẫn, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Các ban, ngành đoàn thể của chính quyền các địa phương tuyên truyền, giải thích nên số người đồng bào dân tộc Mông đã giác ngộ, nhận thức rõ tác hại, nên đến năm 2023, toàn bộ số người dân tộc Mông theo “tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình” đã tự nguyện ký cam kết từ bỏ không tin theo tổ chức, quay trở về với phong tục, tập quán của người Mông và các tổ chức tôn giáo hợp pháp.
Thông tin mà USCIRF hay Bộ Ngoại giao Mỹ nhiều lần đề cập cho rằng “Công an thường xuyên giám sát, đe dọa, hành hung người hoạt động nhân quyền” trong đó có nêu sự việc chính quyền địa phương các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên đột nhập vào nhà của những người theo đạo Dương Văn Mình đập phá bàn thờ, đồ đạc” là sai sự thật, không đúng với thực tế.
Trong báo cáo của USCIRF còn cho rằng, chính quyền Việt Nam sử dụng luật an ninh quốc gia để bắt giữ những người dân tộc thiểu số theo đạo, trong đó có đưa ra các trường hợp về Y Krếc Byă ở Tây Nguyên và Thạch Cương, Tô Hoàng Chương, Danh Minh Quang trong vùng đồng bào Khơ-me ở các tỉnh Tây Nam Bộ làm những ví dụ điển hình. Vậy nhưng trên thực tế những trường hợp mà USCIRF đưa ra đều là những người bị bắt do vi phạm pháp luật Việt Nam, không có việc phân biệt hay ngăn cấm đồng bào DTTS theo đạo.
Quá trình bắt, điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan chức năng thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam và nhận được sự đồng tình ủng hộ của dư luận quần chúng nhân dân. Quan điểm của Nhà nước Việt Nam việc xử lý người vi phạm pháp luật theo Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 là không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Vậy nên việc USCIRF cho rằng, chính quyền Việt Nam sử dụng luật an ninh quốc gia để bắt giữ những người dân tộc thiểu số theo đạo và dẫn chứng những trường hợp vi phạm pháp luật ở trên làm ví dụ minh chứng là hoạt động can thiệp vào nội bộ của Việt Nam dưới vỏ bọc tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Bên cạnh đó, trong báo cáo của USCIRF cho rằng các nhóm tôn giáo nhỏ hơn như đạo Cao Đài bị đàn áp. Tuy nhiên trên thực tế, bất cứ ai, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế của Mỹ và các nước phương Tây đều có thể đến thăm và tự do hành đọa ở các thánh thất Cao Đài và Tòa thánh Cao Đài tại Tây Ninh.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam
Trong các giai đoạn lịch sử của cách mạng, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, xem đây là vấn đề mang tính chiến lược, quan trọng trong tiến trình xây dựng, bảo vệ đất nước. Điểm đáng chú ý là Đảng, Nhà nước đã có những bước đột phá mới trong tư duy, nhận thức về tôn giáo khi nhìn nhận tôn giáo là một nguồn lực trong xây dựng và phát triển đất nước.
Điều 24 Hiến pháp năm 2013 đã quy định cụ thể: 1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo mọt tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và căn cứ vào đời sống thực tiễn về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (2016), Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Xuất bản, Luật Đất đai sửa đổi (trong đó có nội dung đất đai liên quan đến tôn giáo).
Hiện nay, theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, Việt Nam có hơn 27 triệu tín đồ (trong đó có khoảng 2,8 triệu người DTTS theo tôn giáo), chiếm khoảng 27% dân số cả nước; hơn 54.000 chức sắc; trên 144.00 chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự. Việt Nam cũng là quốc gia có hệ thống tín ngưỡng vô cùng phong phú với 50.703 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có khoảng 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có một số di tích đã được UNESCO ghi đanh là di sản thế giới.
Trong năm 2023, Bộ Nội vụ đã ban hành quyết định công nhận tổ chức tôn giáo cho 2 tổ chức, gồm: Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn, Hội thánh phúc âm toàn vẹn Việt Nam; quyết định chấp thuận đề nghị thành lập Viện Thần học Báp tít Việt Nam. Như vậy, tính đến tháng 12-2023, Nhà nước đã công nhận 38 tổ chức tôn giáo, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho 2 tổ chức và 1 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo; có gần 4.000 điểm nhóm được chính quyền địa phương cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, trong đó có 67 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.
Riêng đạo Tin lành, từ năm 2021-2023 ở các tỉnh phía Bắc đã chấp thuận thêm 170 điểm nhóm, 6 tổ chức tôn giáo trực thuộc; 5 tỉnh Tây Nguyên chấp thuận 11 tổ chức tôn giáo trực thuộc từ các điểm nhóm đã được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung trước đó. Đến nay, ở Việt Nam có hơn 1,2 triệu người theo đạo Tin Lành, trong đó có khoảng 873.700 tín đồ là người dân tộc thiểu số.
Các chức sắc, tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam đều được đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tự do thực hành các lễ nghi tôn giáo, biểu hiện đức tin. Trong năm 2023, Nhà xuất bản Tôn giáo đã xuất bản 2.400.000 bản kinh sách, tài liệu liên quan bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và các tiếng dân tộc thiểu số. Nhà nước cũng đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới cơ sở tôn giáo.
Tính đến nay, số lượng cơ sở tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên phạm vi toàn quốc đạt hơn 70%, nhiều cơ sở thờ tự được xây dựng, tôn tạo khang trang, quy mô để tín đồ các tôn giáo an tâm sinh hoạt tinh thần. Điển hình như Thành phố Hồ Chí Minh đã giao 7.500 m2 cho Tổng liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam), xây dựng Viện Thánh kinh thần học; tỉnh Đắk Lắk đã giao hơn 11.000 m2 đất cho Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột; tỉnh Quảng Trị giao thêm 15 ha đất cho giáo xứ La Vang...
Đối với các ngày lễ trọng, lễ hội truyền thống của các tôn giáo như: Lễ hội Phật Đản của Phật giáo, Lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh của Công giáo, Tin lành và các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo lớn diễn ra như lễ hội chùa Hương, lễ hội Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khơ-me... đều được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm, tổ chức, thăm hỏi, tặng quà, động viên và thu hút đông đảo sự tham gia của tín đồ và quần chúng nhân dân.
Năm 2023, Ban Tôn giáo Chính phủ tạo điều kiện cho hơn 300 lượt chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo tham gia hội nghị, hội thảo, các khóa đào tạo về tôn giáo ở nước ngoài; tạo điều kiện cho 400 lượt người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo.
Việt Nam cũng đã hỗ trợ cấp phép cho các tổ chức tôn giáo tổ chức đăng cai các sự kiện tôn giáo lớn như: Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc Vesak, Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á Châu của Giáo hội Công giáo Việt Nam; Hội nghị Ban Thư ký Diễn đàn Phật giáo châu Á vì hòa bình của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Lễ hội “Xuân yêu thương” của các Hội thánh Tin lành Việt Nam... Nổi bật là quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican, khi Giáo hoàng Francis đã bổ nhiệm Tổng Giám mục Marek Zalewski làm Đại diện Tòa thánh Vatican thường trú tại Việt Nam và ngay trong tháng 1-2024, Tổng Giám mục Marek Zalewski đã đến Việt Nam đảm nhiệm chức vụ này. Từ ngày 9 và 14-4-2024, Tổng Giám mục, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican Paul Richard Gallagher đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam và rất ấn tượng về những thành tựu phát triển kinh tế, đối ngoại của Việt Nam và tin tưởng vào mối quan hệ Việt Nam - Tòa thánh Vatican sẽ đạt được những thành tựu phát triển mới. Các nước tham gia phiên đối thoại về báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của HĐNQ LHQ trong tháng 5 vừa qua cũng đã ghi nhận nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi người dân nhưng phải trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đã nêu rõ quyền tự do của cá nhân thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng của mình phải chịu các giới hạn, chẳng hạn như các giới hạn được luật pháp quy định và các giới hạn cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự, sức khỏe xã hội, hay tinh thần hoặc các quyền cơ quan và quyền tự do của người khác. Vậy nên, việc các cá nhân, tổ chức lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam để tuyên truyền, phát triển các tà đạo, tổ chức hoạt động trái pháp luật như: “Hội thánh của Đức Chúa trời mẹ”, “Tân Thiên Địa”, “tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”, “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ”, “Tin lành Đáng Christ”... là điều dĩ nhiên nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc.