Việt Nam 'mở cửa' chuỗi sản xuất hàng không vũ trụ toàn cầu

Các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực hàng không vũ trụ như Boeing, Airbus… có mong muốn nhập linh kiện từ Việt Nam. Nhu cầu hợp tác là thực tế nhưng làm thế nào để doanh nghiệp Việt chen chân vào chuỗi cung ứng vốn yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm lại là điều không dễ.

Theo dự báo thị trường mới nhất của Airbus, trong hai thập kỷ tới, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ cần 17.580 tàu bay mới (bao gồm tàu chở khách và tàu bay vận tải hàng hóa), chiếm 44,5% nhu cầu toàn cầu. Với sự gia tăng mạnh mẽ về lưu lượng hành khách và vận tải hàng hóa qua từng năm, Việt Nam đang trở thành một thị trường hàng không quan trọng, phát triển song song với xu hướng tăng trưởng trong khu vực.

Mong muốn tìm nhà cung ứng Việt

Được biết, Tập đoàn Airbus đang “bắt tay” với các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất linh kiện máy bay, như Artus (Meggitt) Việt Nam nhằm cung cấp thiết bị cơ điện cho dòng máy bay A320, A330 và A350, Nikkiso Việt Nam tại Hà Nội - một doanh nghiệp sản xuất cấu trúc composite cho máy bay A320 Sharklet và các linh kiện cho máy bay A330neo và A350. Tuy vậy, Airbus tiếp tục bày tỏ mong muốn tìm thêm nhà cung ứng tại Việt Nam.

Các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực hàng không vũ trụ toàn cầu có mong muốn nhập linh kiện từ Việt Nam.

Các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực hàng không vũ trụ toàn cầu có mong muốn nhập linh kiện từ Việt Nam.

Trong khi đó, ông Maixme Dourdan, Giám đốc Phát triển chuỗi cung ứng của Boeing khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc, cho biết: Mỗi năm, Boeing mua rất nhiều sản phẩm và dịch vụ. Vì vậy, nhà cung cấp - các doanh nghiệp cần hiểu rõ sản phẩm và dịch vụ của họ để có thể mang lại lợi ích trực tiếp cho Boeing và đáp ứng các giải pháp mà chúng tôi cung cấp cho khách hàng.

"Và quan trọng hơn, chúng tôi cần những nhà cung cấp cùng chúng tôi hướng tới tương lai, áp dụng những gì đã học được để đầu tư phát triển vào các công nghệ, từ đó đáp ứng được yêu cầu và mong muốn của khách hàng", vị này nói.

Theo ông Ishida Takayuki, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản, dự kiến trong 20 năm tới, thị trường hàng không Việt Nam sẽ có khoảng 42.000 chiếc máy bay mới được sản xuất. Trong số hơn 40.000 chiếc máy bay, thì khu vực châu Á chiếm khoảng 21%. Ngành hàng không Việt Nam tăng trưởng thứ 5 trên thế giới, đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

Ông Ishida Takayuki nhấn mạnh, hiện tại ở Việt Nam chỉ có khoảng 5 công ty có thể sản xuất cho Boeing nhưng đều là các DN FDI. Thật đáng tiếc là hiện giờ không có một DN Việt Nam đủ điều kiện sản xuất cho Boeing.

Trước nhu cầu của thị trường toàn cầu, hiện hãng Boeing đang nâng công suất lắp ráp máy bay lên 30 chiếc/ngày. Vì vậy, nhu cầu về linh kiện lắp ráp máy bay trong giai đoạn hiện nay đang tăng rất cao, Boeing đang có nhu cầu linh kiện từ các quốc gia trên thế giới.

Biến ‘giấc mơ’ thành thật

Theo vị đại diện công ty trên, muốn vào được chuỗi cung ứng của Boeing, doanh nghiệp Việt phải đáp ứng được các chứng chỉ thiết yếu dành cho ngành hàng không vũ trụ cũng như yêu cầu của tập đoàn Boeing. Đơn cử như chứng chỉ AS9100, đây là một trong những chứng chỉ thiết yếu dành cho các doanh nghiệp phụ trợ trong và ngoài nước khi có ý định tham gia vào chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ toàn cầu nói chung và của “ông lớn” như Boeing nói riêng.

“Với chứng chỉ AS9100, các DN trong và ngoài nước hoàn toàn có thể tham gia vào chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ toàn cầu của các Tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực này nói chung (Boeing, Airbus, Lockheed Martin…).

Điều quan trọng, ông Ishida Takayuki nhấn mạnh, Việt Nam có nhiều DN công nghệ cao, tuy nhiên vẫn chưa lấy được lòng tin của các DN lớn trên thế giới. Để việc hợp tác được thành công thì không thể thiếu được sự nỗ lực của tất cả các bên, cũng như sự giúp đỡ của Chính phủ. “Để đến được thành công sẽ có rất nhiều gian nan và các bạn tuyệt đối không được từ bỏ”, vị này nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội, Chủ tịch tập đoàn N&G, nhấn mạnh muốn vào được chuỗi sản xuất hàng không vũ trụ toàn cầu, doanh nghiệp Việt cần chứng chỉ sản xuất đủ điều kiện, cùng với đó cần xây dựng quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn hàng không, đào tạo kỹ sư kỹ thuật cao và công nhân kỹ thuật cao…

Thêm vào đó, muốn trở thành nhà cung ứng, ông Hoàng nhấn mạnh doanh nghiệp Việt cần xây dựng nhà máy theo tiêu chuẩn đủ điều kiện sản xuất sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngành hàng không. Đồng thời, chọn lựa sản phẩm để sản xuất, theo thị hiếu, nhu cầu của khách hàng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng mong muốn có thêm chính sách ưu đãi của Chính phủ trong việc hỗ trợ đầu tư, mở rộng sản xuất, từ đó nâng cao năng lực tham gia vào lĩnh vực hàng không vũ trụ, chen chân vào chuỗi các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Trong khi đó, ông Dương Nguyên Thành, Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH Công nghiệp HAAST Việt Nam, lưu ý doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng ngành không muộn hơn một số nước nhưng Việt Nam đang trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới. Đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt, nếu quyết tâm, tìm ra được cách thức thì doanh nghiệp có thể tham gia chuỗi cung ứng của các “ông lớn”.

Một trong những cách được đại diện công ty HAAST đưa ra là DN Việt có thể hướng tới thị trường ngách, phục vụ quá trình sửa chữa, bảo dưỡng các bộ phận, thiết bị trên máy bay.

Ông Đỗ Nhất Hoàng

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT)

Chúng tôi mong muốn các tập đoàn hàng không vũ trụ toàn cầu tăng cường hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam trong lĩnh vực sở hạ tầng, sản xuất và dịch vụ kỹ thuật ngành hàng không, như sản xuất linh kiện, bảo dưỡng tàu bay, công nghiệp sản xuất vệ tinh, công nghệ sóng viễn thông… Cùng với đó, các tập đoàn có thể nghiên cứu phát triển trung tâm đào tạo chuyên gia, kỹ sư trong lĩnh vực hàng không vũ trụ tại Việt Nam, cũng như thiết lập cơ sở sản xuất tàu bay tại Việt Nam.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương

Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam

Mảng linh, phụ kiện của ngành hàng không là rất tiềm năng, nếu làm được thì lợi nhuận, lợi ích thu về rất cao. Song đây cũng là ngành công nghiệp rất khắt khe. Chúng ta biết rằng độ an toàn, an ninh của một chiếc máy bay rất cao, điều đó cũng đòi hỏi các chi tiết, linh kiện muốn lắp đặt trên máy bay cũng phải vượt qua các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Cơ hội luôn có nhưng nắm bắt được hay không còn phụ thuộc lớn vào năng lực của doanh nghiệp, cũng như sự hỗ trợ kiến tạo chính sách của Nhà nước.

Bà Hoàng Tri Mai

Tổng giám đốc Tập đoàn Airbus tại Việt Nam

Sự phát triển đáng chú ý của Việt Nam là tín hiệu đầy hứa hẹn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với các công ty trong nước cho các đơn hàng mới liên quan đến sản xuất linh kiện phụ tùng máy bay, mở rộng hơn nữa chuỗi cung ứng đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng, an toàn và phát triển bền vững. Kỳ vọng của Airbus đối với các doanh nghiệp cung ứng Việt Nam, nhằm đảm bảo tốc độ gia tăng sản lượng máy bay cũng như các yêu cầu hậu mãi. Tuy vậy, các nhà cung ứng cũng được yêu cầu phải thể hiện cam kết bền vững trong các hoạt động sản xuất, tương thích với các giá trị của Airbus, trong đó có các biện pháp cụ thể để giảm thiểu tác động của hoạt động sản xuất đến môi trường.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/viet-nam-mo-cua-chuoi-san-xuat-hang-khong-vu-tru-toan-cau-1096482.html