Việt Nam mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm khai thác IUU, không để EC rút 'thẻ đỏ'
Phó thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định việc gỡ 'thẻ vàng', không để EC rút 'thẻ đỏ' là rất cấp bách, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến đời sống của ngư dân, ngành xuất khẩu thủy sản cũng như uy tín quốc gia.
Các tỉnh xử lý vi phạm không đồng đều nên "tàu của tỉnh này chạy sang tỉnh kia"
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống khai thác hải sản trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU) ngày 20.9, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, hiện tổng số tàu cá toàn quốc là 91.716 chiếc. Tính đến nay, công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá đã có tiến bộ, đạt 95,27% - tăng hơn 5% so với trước.
“Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; đặc biệt là tại các khu vực vùng biển trọng điểm”, ông Trần Đình Luân nói. Từ quý 4/2021 đến nay đã kiểm tra, kiểm soát gần 80.000 lượt tàu cá.
Các địa phương như Quảng Ngãi, Tiền Giang, Khánh Hòa đã giảm đáng kể các vụ việc tàu cá vi phạm; đặc biệt là Phú Yên từ năm 2021 đến nay chưa phát hiện vụ việc vi phạm.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết thêm, khung pháp lý và cơ chế chính sách cơ bản đã đầy đủ, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số tồn tại, bất cập. Vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Về các chuyến kiểm tra cảng cá, việc quản lý đội tàu, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ông đã xem nhiều sổ nhật ký thì thấy việc ghi nhật ký sơ sài, có trường hợp gần như không ghi gì.
“Nếu không có nhật ký thì rất khó truy xuất nguồn gốc”, ông Tiến nói và cho hay tàu có lắp đặt VMS nhưng kết nối vào thì không liên tục và thường xuyên, “lúc thì đổ cho thiết bị, lúc thì đổ cho thời tiết”.
Ông Phùng Đức Tiến cũng đánh giá, việc xử lý vi phạm hành chính còn bất cập. “Các tỉnh thực thi pháp luật không đồng đều, có tỉnh lập biên bản, có tỉnh gọi đến nhắc nhở, có tỉnh thì phạt. Do đó, có tình trạng tàu của tỉnh này chạy sang tỉnh kia".
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nêu rõ, cần có chế tài mạnh, xử lý nghiêm hành vi tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
“Đi biển chỗ nào nhiều cá, chỗ nào vùng biển của ta, chỗ nào là vùng biển nước ngoài thì tài công (thuyền trưởng) biết rõ. Hiện việc xử phạt tài công chưa đủ mức răn đe. Ở một số nước, chủ yếu là xử phạt tài công, có nước phạt tù, còn ngư dân thì chỉ phạt tiền”, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình nêu và mong muốn các địa phương vào cuộc mạnh mẽ hơn.
Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, tỉnh đã ra yêu cầu các tàu cá lắp thiết bị hành trình và hỗ trợ thuê bao viễn thông trong 3 năm. Hiện 100% tàu cá đã lắp thiết bị; phân loại để rà soát, các tàu có nguy cơ vi phạm thì yêu cầu ký cam kết, cương quyết không cho tàu cá không bảo đảm lắp đặt thiết bị ra khơi; tuyên truyền động viên ngư dân.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành: Tuyệt đối không để EC rút "thẻ đỏ"
Phó thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định việc gỡ "thẻ vàng", tuyệt đối không để EC rút “thẻ đỏ” là rất cấp bách, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến đời sống của ngư dân, ngành xuất khẩu thủy sản cũng như uy tín, thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.
Theo Phó thủ tướng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này và đã có nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi với lãnh đạo cấp cao của Liên minh châu Âu về cam kết, nỗ lực, quyết tâm của Việt Nam trong chống khai thác IUU; đề nghị EC sớm gỡ thẻ vàng IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam.
Phó thủ tướng cho rằng, kết quả đạt được có tiến bộ so với trước. Tuy nhiên, những kết quả đạt được là chưa đáp ứng yêu cầu. Việc cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với đội tàu chưa đạt yêu cầu (đạt 96,7% đối với tàu dài từ 15m trở lên, đối với khối tàu dưới 15m mới đạt tỉ lệ 46,6%).
Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trong năm 2022 còn chậm (mới tăng được 5%). Đặc biệt, còn để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Việc truy xuất nguồn gốc thủy sản còn nhiều tồn tại.
Theo Phó thủ tướng, đây là vấn đề lớn, nếu không khắc phục được thì không những không gỡ được "thẻ vàng" mà còn có nguy cơ bị nâng lên cảnh báo “thẻ đỏ”. Các địa phương cần khẩn trương chỉ đạo các tổ chức, cơ sở, đội nhóm và từng ngư dân phải khắc phục bằng được những tồn tại trong thời gian sớm nhất.
Việt Nam bị EC cảnh báo "thẻ vàng" từ ngày 23.10.2017. Sau gần 5 năm, Chính phủ, Bộ NN&PTNT cùng các Bộ/ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực gỡ cảnh báo này.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sự nỗ lực của cả ngành khai thác thủy sản Việt Nam thời gian qua vẫn chưa đủ để EU xem xét tháo gỡ thẻ vàng. Kết quả kiểm tra của EC cuối tháng 10 năm nay chưa thể dự đoán kết quả theo chiều hướng nào.
Trong khi đó, Nhật Bản cũng vừa ra thông báo từ ngày 1.12.2022 sẽ áp dụng giấy chứng nhận, xác nhận theo quy định IUU với 4 loài thủy sản xuất khẩu vào thị trường này, gồm: mực ống và mực nang, cá thu đao, cá thu mackerel và cá trích. Quy định này gây thêm áp lực cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Tại cấp Trung ương, Quốc hội thông qua Luật Thủy sản năm 2017, Chính phủ ban hành 2 Nghị định, Bộ NN-PTNT ban hành 8 Thông tư. Thủ tướng ban hành 3 Chỉ thị, 3 Công điện, 2 Quyết định. Đồng thời, Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU được thành lập, hiện do Phó thủ tướng Lê Văn Thành làm Trưởng ban.
Về phía địa phương, 28 tỉnh, thành phố ven biển đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo IUU. Nhiều tỉnh, thành phố ban hành cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả thực hiện.
Qua 5 cuộc họp sơ kết, đánh giá kết quả của Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ, ban, ngành cần tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con ngư dân.
Vào ngày 14.9 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký phê duyệt Đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025” tại Quyết định số 1077/QĐ-TTg.