Việt Nam mới chỉ có khoảng 10% cơ sở giết mổ động vật công nghiệp
Hiện nay Việt Nam chỉ có khoảng 10% cơ sở giết mổ động vật tập trung có quy mô công nghiệp, trong khi 90% còn lại thuộc về các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.
Sáng 4/1, tại Hội nghị phòng, chống dịch bệnh động vật cuối năm và kiểm soát giết mổ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, Cục Thú y cho biết, trong tổng số 440 cơ sở giết mổ động vật tập trung tại Việt Nam hiện nay có khoảng 90% (395 cơ sở) có đặc điểm chia ô cho hộ kinh doanh giết mổ nhỏ lẻ thuê. Phần lớn cơ sở này chưa có hệ thống giết mổ treo, có nơi còn lẫn lộn khu sạch và khu bẩn, giết mổ trên sàn nhà; người tham gia giết mổ chưa thực hành tốt các quy trình để bảo đảm vệ sinh an toàn thú y, an toàn thực phẩm và môi trường.
Chỉ có khoảng 10% cơ sở giết mổ công nghiệp sản xuất trên dây chuyển khép kín, có hệ thống kho lạnh bảo quản, nhưng phần lớn các cơ sở này hoạt động vẫn chưa hết công suất thiết kế.
Theo Cục Thú y, giá thành sản phẩm thịt ở các cơ sở này cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường (khoảng 20 - 30%), trong khi đó chi phí sản xuất cao, công suất thấp, thời gian thu hồi vốn lâu..., các yếu tố này đã hạn chế các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ động vật quy mô công nghiệp. Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai Lê Tân Phong cho rằng, vốn đầu tư cơ sở giết mổ rất lớn mà thu hồi vốn khó khăn nên khó thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn.
Mặt khác, vấn đề đất đai cũng là rào cản khi xây dựng cơ sở giết mổ tập trung tại tỉnh. Theo ông Lê Tân Phong, địa phương có quỹ đất nhưng phần lớn không phù hợp quy hoạch; khi có quỹ đất, có quy hoạch nhưng lại không đạt tiêu chuẩn của ngành. “Có địa phương giới thiệu 5 – 7 điểm nhưng đi khảo sát vẫn không thực hiện được. Không phải không có quỹ đất nhưng khi bố trí quỹ đất thì giải pháp quy hoạch, giải pháp chuyên môn lại chưa phù hợp” ông Lê Tân Phong chia sẻ tại hội nghị.
Theo Thông tư 13/2017/TT-BNNPTNT quy định, cơ sở giết mổ động vật tập trung phải cách tối thiểu 500 m với khu dân cư, trường học, bệnh viện, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường quốc lộ, sông suối, nguồn cung cấp nước sinh hoạt. Cơ sở này phải cách biệt tối thiểu một km với trại chăn nuôi, chợ buôn bán gia súc, gia cầm và các nguồn gây ô nhiễm như bãi rác, nghĩa trang, nhà máy thải bụi và hóa chất độc hại...
Đánh giá về tình hình giết mổ thời gian qua, Cục Thú y cho rằng, các hoạt động giết mổ tại Việt Nam diễn ra còn tự phát, chưa được quan tâm đúng mức; tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán dẫn đến giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư; cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phân bổ rộng trên địa bàn, trong khi giao thông đi lại khó khăn (các tỉnh miền núi).
Một số địa phương có hiện tượng vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật mắc bệnh, tiêu thụ sản phẩm động vật mắc bệnh… Trong công tác thực hiện kiểm soát giết mổ, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức; việc xử lý các cơ sở chăn nuôi, giết mổ động vật nhỏ lẻ, kinh doanh sản phẩm động vật không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn.
Một số địa phương vẫn còn tình trạng giết mổ không phép sau khi xây dựng và đưa vào hoạt động cơ sở giết mổ tập trung; số lượng động vật được giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung chỉ đạt khoảng 40 - 50% so với công suất thiết kế.
Trong kế hoạch năm 2025, theo Cục Thú y, các địa phương phải tổ chức rà soát, xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung; xây dựng chương trình giám sát an toàn thực phẩm trong chuỗi sản xuất thực phẩm có nguồn gốc động vật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất về thú y.
Đồng thời, các địa phương bàn hành chính sách đặc thù khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng dây chuyền giết mổ động vật treo, hiện đại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của con người; ban hành chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện chuyển đổi ngành nghề cho lực lượng lao động sau khi ngưng hoạt động cơ sở giết mổ nhỏ lẻ…