Việt Nam mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Pháp
Chiều 10/7 (theo giờ địa phương), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã hội đàm với Phó Chủ tịch Quốc hội Pháp Nadège Abomangoli và làm việc với Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Pháp Bruno Fuchs.
Tại các cuộc gặp, Phó Chủ tịch Quốc hội và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Pháp đánh giá cao và cảm ơn Việt Nam đã cử đoàn cấp Lãnh đạo Quốc hội tham dự Đại hội đồng APF - 50, khẳng định mối quan hệ song phương tốt đẹp và sự ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức đa phương, trong đó có các diễn đàn liên nghị viện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh gặp và làm việc với Phó Chủ tịch Quốc hội Pháp Nadège Abomangoli (Ảnh: Anh Tuấn/VOV-Paris)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Pháp, bày tỏ với quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo cấp cao hai nước, cùng khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện hiện nay - mức độ hợp tác cao nhất, quan hệ Việt Nam và Pháp sẽ ngày càng phát triển, đóng góp vào hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước ngày càng được thúc đẩy và phát triển tích cực trên cơ sở các Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Thượng viện và Quốc hội Pháp đã được ký kết; hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động nghị viện, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện đa phương, góp phần tích cực vào củng cố quan hệ song phương và đưa quan hệ Việt Nam - Pháp lên tầm cao mới thời gian qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch Quốc hội Pháp Nadège Abomangoli (Ảnh: Anh Tuấn/VOV-Paris)
Chia sẻ thông tin và đồng tình với các đề xuất của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội Pháp Nadège Abomangoli cho rằng, các đề xuất tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Nghị viện, duy trì trao đổi đoàn giữa các Ủy ban chuyên môn và Nhóm Nghị sĩ hữu nghị, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội, Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ hai nước sẽ tăng cường trao đổi kinh nghiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nghị viện hai nước theo hướng thiết thực và cụ thể.
Trên cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách quan hệ đối ngoại và hoạt động của các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị, bà sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ Pháp - Việt Nam, đánh giá cao và ủng hộ mạnh mẽ các trao đổi giữa Nhóm Nghị sĩ hữu nghị hai bên.
Bà Nadège Abomangoli đánh giá cao cộng đồng người Việt Nam tại Pháp đã hòa nhập và đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Pháp và là cầu nối cho tình hữu nghị giữa hai nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Pháp Nadège Abomangoli đánh giá cao Cộng đồng Việt Nam tại Pháp đã hòa nhập và đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Pháp và là cầu nối cho tình hữu nghị giữa hai nước (Ảnh: Anh Tuấn/VOV-Paris)
Về phần mình, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Bruno Fuchs cho rằng, vị trí trong quan hệ đối tác thương mại, đầu tư của Pháp tại Việt Nam còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của hai bên, chưa tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước.
Trên cơ sở quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Pháp cần có những biện pháp thiết thực hơn nữa trong việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Vừa qua, chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Pháp là một dấu mốc quan trọng, đồng thời, trong năm nay, dự kiến sẽ tiếp tục có các lãnh đạo cấp cao Pháp thăm Việt Nam.
Ông đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế nhất là việc Việt Nam đã nhiều lần là khách mời của các Hội nghị Thượng đỉnh G7, G20. Trên cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, ông sẽ tích cực phối hợp để Nghị viện Pháp sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA), thúc đẩy Ủy ban châu Âu sớm gỡ bỏ "Thẻ vàng" IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tặng quà lưu niệm cho Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Bruno Fuchs (Ảnh: Anh Tuấn/VOV-Paris)
Hoan nghênh vai trò và đóng góp của Việt Nam tại Cộng đồng Pháp ngữ và APF, ông Bruno Fuchs, người đã từng giữ cương vị Trưởng đại diện APF và tham dự Hội nghị Ban Chấp hành APF tại Cần Thơ, ông cho biết Việt Nam tổ chức đặc biệt chu đáo, trọng thị, đạt hiệu quả tối đa về nội dung của Hội nghị Ban Chấp hành APF, Pháp là nước tổ chức sau Việt Nam, cần phải rất cố gắng để có thể đạt được các tiêu chuẩn tổ chức Hội nghị của Việt Nam.
Ấn tượng sâu sắc về Việt Nam
Cùng ngày 10/7, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã có buổi làm việc với Trưởng đại diện Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) Amélia Lakrafi và hội đàm với Chủ tịch Liên minh nghị viện Pháp ngữ, Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Cameroun Hilarion Etong.
Tại cuộc gặp Trưởng đại diện Liên minh nghị viện Pháp ngữ Amélia Lakrafi, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội đồng APF-50 cũng như những nội dung nghị sự của Đại hội đồng lần này; đồng thời cho biết đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia ở cấp Phó Chủ tịch Quốc hội tại một kỳ Đại hội đồng APF. Đây là thành quả làm việc tích cực của Ban lãnh đạo APF, Ban Tổng thư ký APF và Nghị viện Pháp.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh vai trò của APF trong việc thúc đẩy xây dựng nhà nước pháp quyền, lan tỏa việc sử dụng tiếng Pháp và trao đổi, hợp tác liên nghị viện đóng góp vào sự phát triển ngày càng mạnh mẽ các hoạt động ngoại giao nghị viện; nhấn mạnh những nội dung nghị sự mà APF đã và đang thảo luận, các chương trình chiến lược hoạt động cụ thể góp phần đưa APF cùng các thể chế đa phương khác thúc đẩy hợp tác, phối hợp hành động trong ứng phó với các thách thức biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, khủng bố…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh và Trưởng đại diện Liên minh nghị viện Pháp ngữ Amélia Lakrafi (Ảnh: Anh Tuấn/VOV-Paris)
Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam luôn tham gia và có những đóng góp hết sức tích cực đối với hoạt động chung của APF thông qua hoạt động của Phân ban Việt Nam trong APF luôn đảm bảo tính thường xuyên, liên tục, khẳng định những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam và đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Chia sẻ những nhận định của Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam về tình hình và vai trò của các tổ chức đa phương, Trưởng đại diện APF cho biết tại Đại hội đồng lần này APF sẽ kết nạp thêm 4 thành viên mới, nâng tổng số thành viên lên 99, là con số ấn tượng, thể hiện các tổ chức đa phương, trong đó có APF vẫn còn sức hấp dẫn cũng như vai trò trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Đánh giá cao những hoạt động của Phân ban Việt Nam, bà Trưởng đại diện cho biết vẫn lưu giữ những ấn tượng sâu sắc về Việt Nam khi tham dự Hội nghị Ban Chấp hành, không những công tác tổ chức chu đáo, trọng thị, mà các nội dung của Diễn đàn hợp tác pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu là những chủ đề rất thời sự, được nhiều nước quan tâm.
Việc các đại biểu được tận mắt chứng kiến những thành tựu nông nghiệp của Việt Nam thông qua các hoạt động thực địa đã gây ấn tượng sâu sắc với đại biểu quốc tế, nhất là thúc đẩy hợp tác nông nghiệp với các nước châu Phi và hợp tác Nam - Nam.

Quang cảnh buổi làm việc (Ảnh: Anh Tuấn/VOV-Paris)
Bà khẳng định APF luôn sẵn sàng phối hợp, làm cầu nối cùng các Phân ban thành viên thúc đẩy hợp tác song phương giữa các thành viên ; chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt trong hoạt động và công tác pháp luật của từng quốc gia để phát huy tốt nhất kinh nghiệm của từng thành viên.
Sự đa dạng của APF được bồi đắp bằng hoạt động của từng Phân ban thành viên, APF hướng tới nâng cao năng lực lập pháp của nghị sĩ, năng lực của công chức nghị viện, và tăng cường hợp tác giữa các nước trong cộng đồng Pháp ngữ. APF sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam để tăng cường trao đổi với nghị viện các nước, trao đổi cấp nghị sĩ.
Bà Amélia Lakrafi cũng cho biết mặc dù Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong Cộng đồng Pháp ngữ nhất là tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng khi nói đến Pháp ngữ, nhiều người chưa biết đến vai trò của Việt Nam, do đó, APF sẵn sàng cùng đồng hành với Việt Nam để nâng cao hơn nữa vị thế và vai trò trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, các nước thành viên APF có một tài sản chung quý giá là tiếng Pháp, đây là điểm chung để Cộng đồng Pháp ngữ không nghừng chia sẻ để cùng thực hiện nhiều hoạt động hợp tác và chia sẻ những giá trị chung nhất là duy trì nền dân chủ, nhà nước pháp quyền và thúc đẩy bình đẳng giới.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã có cuộc tiếp xúc ngắn với Chủ tịch APF, Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Cameroun ông Hilarion Etong.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh và Chủ tịch APF, Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Cameroun Hilarion Etong (Ảnh: Anh Tuấn/VOV-Paris)
Chủ tịch APF đánh giá cao việc Việt Nam cử Đoàn cấp cao tham dự Đại hội đồng APF lần thứ 50, một lần nữa cảm ơn VIệt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Ban Chấp hành APF tháng 1/2025 và Diễn đàn hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu đặc biệt là Tuyên bố Cần Thơ về vai trò của nghị sĩ trong lĩnh vực này, có sức lan tỏa với nhiều nội dung thực tiễn, đóng góp vào hoạt động chung của tổ chức.
Cũng trong ngày 10/7, các đại biểu của Phân ban Việt Nam trong APF đã tham dự Hội nghị Mạng lưới nữ nghị sĩ và Hội nghị Mạng lưới Nghị sĩ trẻ của APF diễn ra đồng thời tại Trụ sở Quốc hội Pháp.