Việt Nam- một trụ cột trong chính sách 'Hành động hướng Đông' của Ấn Độ

Việt Nam đang nổi lên như một trụ cột trong chính sách 'Hành động hướng Đông' của Ấn Độ cũng như sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Với nền chính trị ổn định, dân số trẻ và năng động cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) ở mức 6,5- 7%, cao nhât trong khu vực các quốc gia Đông Nam Á, những yếu tố thuận lợi này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - Ấn Độ lên tầm cao mới.

Mục tiêu 15 tỷ USD thương mại hai chiều Việt Nam - Ấn Độ

Tại sự kiện trực tuyến “Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ - Việt Nam” vào ngày 20/10- ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: năm 2019 kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam- Ấn Độ đạt 11,2 tỷ USD, tăng 4,8% so với năm 2018. Trong 7 tháng/2020 con số này đạt trên 5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt gần 2,6 tỷ USD và xuất khẩu từ Ấn Độ sang Việt Nam đạt trên 2,4 tỷ USD.

 Bà Riva Ganguly Das - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ phát biểu tại sự kiện trực tuyến “Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ - Việt Nam”

Bà Riva Ganguly Das - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ phát biểu tại sự kiện trực tuyến “Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ - Việt Nam”

Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ trong ASEAN. Với sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng sau dịch Covid -19, hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ có thể đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tính đến nay, các mặt hàng chủ yếu xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ bao gồm máy vi tính, điện thoại và linh kiện. Các mặt hàng chủ yếu xuất khẩu từ Ấn Độ sang Việt Nam là sắt thép, máy móc, thiết bị, phụ tùng, dược phẩm. Mặc dù dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp nhưng hai quốc gia vẫn đặt mục tiêu sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15 tỷ USD trong thời gian tới.

Các lĩnh vực thương mại khác của Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển thương mại với Ấn Độ như giao thông vận tải và dịch vụ kho vận, vải cotton (bao gồm chỉ may, sợi và vải), dịch vụ hành chính văn phòng và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác, các mặt hàng vải dệt kim...

Thúc đẩy tăng đầu tư

Bên cạnh đó, Việt Nam đang nổi lên như một trụ cột trong chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ cũng như sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với nền chính trị ổn định, dân số trẻ và năng động cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) ở mức 6,5- 7%, cao nhât trong khu vực các quốc gia Đông Nam Á. Các nhà đầu tư Ấn Độ xem Việt Nam là điểm đến tiềm năng và nổi bật, đặc biệt trong các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh và lợi thế cạnh tranh như thăm dò khoáng sản, năng lượng tái tạo, y tế, dược phẩm, công nghiệp ô tô, máy nông nghiệp, công nghệ thông tin, chế biến lương thực - thực phẩm.

Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ sẽ được tăng cường hơn nữa nhất là khi các DN Ấn Độ đang đầu tư gần 2 tỷ USD vào hơn 200 dự án tại Việt Nam.

Ngoài ra, Ấn Độ có tiềm năng lớn trong phát triển thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Việt Nam có thế mạnh và khả năng để tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào Ấn Độ, dựa trên sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Điều này sẽ tạo ra những cơ hội to lớn, những nhu cầu mới, động lực mới và tất cả những điều này đều mang đến những cơ hội lớn cho các DN Việt Nam đầu tư vào Ấn Độ.

Bà Riva Ganguly Das - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ - cho biết: với hàng loạt các chính sách mà chính phủ Ấn Độ đang thực hiện trong việc tự do hóa và mở cửa các lĩnh vực đối với đầu tư 100% vốn nước ngoài, cải cách lĩnh vực ngân hàng, vốn và công bố các dự án trị giá hàng tỷ USD trong lĩnh vực nhà ở, nguồn nước, năng lượng tái tạo, đường sắt, đường bộ, cơ sở hạ tầng và cảng biển..., Ấn Độ vẫn tiếp tục thu hút các khoản đầu tư lớn từ nước ngoài trong các lĩnh vực khác nhau, ngay cả trong thời điểm dịch Covid-19. Vì thế các DN Việt Nam hãy nhanh chóng tìm hiểu về cơ hội đầu tư tại Ấn Độ trong các lĩnh vực thế mạnh như chế biến thực phẩm, da thuộc, cơ sở hạ tầng và nhiều lĩnh vực khác.

Ngọc Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-mot-tru-cot-trong-chinh-sach-hanh-dong-huong-dong-cua-an-do-145927.html