Việt Nam-Mỹ: Cội nguồn và những tiếp xúc đầu tiên giữa hai dân tộc

Nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ (1995-2025), chúng ta cùng nhìn lại những tiếp xúc ban đầu vốn ít được biết đến nhưng có thể đã là cơ duyên cho mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ngày nay giữa hai nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng một số thành viên nhóm tình báo “Con Nai” của Mỹ tại Việt Bắc, năm 1945. (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng một số thành viên nhóm tình báo “Con Nai” của Mỹ tại Việt Bắc, năm 1945. (Ảnh tư liệu)

Trong khi chúng ta đều quen thuộc với cột mốc năm 1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam, thì cội nguồn của sự tương tác giữa hai quốc gia đã bắt đầu sớm hơn nhiều, với sự quan tâm đặc biệt từ một trong những vị Tổng thống lập quốc vĩ đại nhất của nước Mỹ: Thomas Jefferson với một nhân vật lịch sử ít được biết đến của Việt Nam: Hoàng tử Cảnh, con trai cả vua Gia Long tại Paris, Pháp cuối thế kỷ 18.

Giống lúa của "Một đất nước xa xôi"

Nhiều người đã biết đến câu chuyện về Thomas Jefferson (1801-1809) với tư cách Tổng thống thứ ba của Hợp chúng quốc đã cử thương thuyền Frame - con tàu đầu tiên của Mỹ cập cảng Đà Nẵng tháng 5/1803. Sự kiện này đã mở đầu cho hàng loạt chuyến đi kế tiếp của các thương thuyền khác đến Việt Nam, với mục tiêu tìm kiếm thị trường cho nông sản và hàng hóa Mỹ. Nhưng cội nguồn của mối quan tâm đó là gì hẳn là chưa được nhắn đến.

Vào cuối thế kỷ 18, khi nước Mỹ đang ở giai đoạn đầu lập quốc, Thomas Jefferson được bổ nhiệm làm Công sứ Đặc mệnh toàn quyền tại Pháp, và ông sống ở Paris từ tháng 8/1784 đến tháng 9/1789, tổng cộng 5 năm. Thomas Jefferson là một người có tầm nhìn xa trông rộng và đam mê tri thức, đã thể hiện sự quan tâm đến một vùng đất xa xôi ở châu Á: Cochinchina (xứ Đông Dương). Sự quan tâm này không phải là ngẫu nhiên mà bắt nguồn từ mong muốn tìm kiếm những giống cây trồng mới có thể mang lại lợi ích cho nền nông nghiệp non trẻ của Mỹ.

Mùa hè năm 1787, Thomas Jefferson đọc được cuốn “Voyages d’un Philosophe” của Poivre và bị thu hút bởi mô tả về giống lúa trồng ở xứ Cochinchine (xứ Đông Dương nhưng cụ thể là Việt Nam). Trong thư gửi William Drayton - Chủ tịch hội cải tiến nông nghiệp ở South Carolina, sau này còn là Chủ tịch Ngân hàng Mỹ - ngày 30/7/1787, Jefferson trích dẫn chi tiết từ ghi chép của Poivre: “Ông Poivre, nhận xét rằng ở Cochinchina người dân ở đó trồng tới 6 loại lúa khác nhau… ba loại cần nước và ba loại trên đất cao”. Chắc là Pierre Poivre nói đến giống lúa nước ở đồng bằng sông Cửu Long và giống lúa trên cạn nông dân Bắc Bộ hay trồng. Poivre (1719- 1786) là một nhà thực vật học, nhà nông học, nhà làm vườn, nhà thám hiểm người Pháp. Ông đã đến Đàng Trong (Việt Nam) trong các năm 1749-1750 với tư cách là đại diện của Công ty Ấn Độ thuộc Pháp để đàm phán các đặc quyền thương mại. Các ghi chép về chuyến đi của ông ở Đông Dương được tập hợp và xuất bản thành tác phẩm "Les voyages d'un philosophe" (Những chuyến du hành của một nhà hiền triết) và nhờ ghi chép này mà Thomas Jefferson biết kỹ thêm về An Nam và Đông Dương và các giống lúa…

Thomas Jefferson lưu ý ghi chép của Poivre viết về giống lúa ở Madagascar (cùng loại với lúa Carolina ở Mỹ) là loại lúa trắng, còn “lúa khô của Cochinchina nổi tiếng là hạt trắng nhất, ngon nhất và năng suất nhất”. Qua Poivre, Jefferson nhận ra giống lúa châu Á này có thể “kết hợp ưu điểm của các giống lúa hiện có” ở Mỹ và quan trọng hơn, có thể trồng trên vùng cao không cần ruộng ngập nước, từ đó tránh được “những đầm nước tù đọng gây hại chết người” ở các đồn điền lúa miền Nam Mỹ.

Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam ngày 11/7/1995 tại Nhà Trắng. (Nguồn: Thư viện Tổng thống Bill Clinton)

Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam ngày 11/7/1995 tại Nhà Trắng. (Nguồn: Thư viện Tổng thống Bill Clinton)

Cũng thật tình cờ khi giai đoạn đó, Hoàng tử Cảnh, con trưởng của Vua Gia Long cũng ở Pháp. Hoàng tử Cảnh sinh năm 1780 (và mất vào ngày 20/3/1801), được Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) đưa sang Paris trong giai đoạn từ năm 1784 đến năm 1789. Trong thời gian ở Pháp, Hoàng tử Cảnh đã được vua Louis XVI tiếp đãi theo nghi thức vương giả. Hoàng tử Cảnh cùng đoàn tùy tùng, với sự bảo trợ của Ba Đa Lộc đã có các hoạt động ở Paris.

Khi nghiên cứu về các văn bản, ghi chép của Thomas Jefferson (tài liệu lưu trữ ở thư viện Quốc hội Mỹ), tôi thấy rất tuyệt vời khi đọc 3 bức thư ông viết về cội nguồn ý tưởng nhập giống lúa Đông Dương sang Mỹ. Những bức thư ông gửi đi thể hiện sự nỗ lực không ngừng để tìm kiếm và đưa về Mỹ giống lúa tốt từ Cochinchina. Chính những tiếp xúc đầu tiên với Hoàng tử Cảnh ở Paris khiến ông có ý tưởng đưa một con thuyền sang Việt Nam sau đó.

Trong bức thư viết ngày 30/7/1787 từ Paris gửi William Drayton, Jefferson viết về lúa Cochinchina theo mô tả của Pierre Poivre: Gạo khô Cochinchina có tiếng là trắng nhất, ngon nhất và năng suất nhất. Dường như loại lúa này hội tụ những phẩm chất tốt của cả hai loại khác mà chúng ta biết. Nếu loại lúa này được trồng, đó sẽ là một niềm hạnh phúc lớn, vì nó sẽ giúp chúng ta loại bỏ những ao nước tù đọng gây chết người và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người".

Trong bức thư này, Jefferson đề cập đến những quan sát của Monsieur Poivre, về nông nghiệp ở châu Á và Đông Dương khi Poivre đã ghi nhận rằng ở Cochinchina (Nam Kỳ), người ta trồng sáu loại lúa khác nhau, trong đó có ba loại cần nước và ba loại có thể trồng trên đất cao. Jefferson đặc biệt nhấn mạnh rằng "lúa khô của Cochinchina nổi tiếng là trắng nhất, ngon nhất và năng suất cao nhất." Như vậy, vào giữa năm 1787, Thomas Jefferson đọc được cuốn sách của Poivre và biết đến giống lúa/gạo Đông Dương.

Và tiếp theo, trong thư gửi William Drayton ngày 13/1/1788, Thomas Jefferson tiếp tục bày tỏ hy vọng về việc nhận được giống lúa này: Tôi có nhiều hy vọng sẽ nhận được một ít gạo khô từ Cochinchina, vị Hoàng tử trẻ của đất nước đó, vừa mới rời khỏi đây, đã cam kết rằng nó sẽ đến tay tôi. Nhưng sẽ mất một thời gian nữa". Trong bức thư này, Thomas Jefferson nói rõ việc đã gặp, tiếp xúc với Hoàng tử Cảnh ở Paris. Có thể Hoàng tử Cảnh khi đó còn quá nhỏ, mới khoảng 8-9 tuổi nhưng đi cùng hẳn là một số vị quan phù tá của Nguyễn Ánh cử đi cùng và Thomas Jefferson chắc đã trò chuyện với nhóm này. Ông viết, ‘Hoàng tử Cảnh vừa mới rời đây’, có thể hiểu là vừa mới rời ngôi nhà/nơi gặp mặt Thomas Jefferson, và hẳn là hứa sẽ gửi giống lúa cho Thomas Jefferson.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp mặt báo chí sau hội đàm, tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm Việt Nam, tháng 9/2023. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp mặt báo chí sau hội đàm, tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm Việt Nam, tháng 9/2023. (Ảnh: TTXVN)

Tiếp nữa, trong thư gửi Malesherbes (11/3/1789), trong thư này, Jefferson nhấn mạnh tầm quan trọng của loại lúa "mọc trên đất cao, chỉ cần nước mưa" từ Cochinchina và một lần nữa dẫn chứng Pierre Poivre: “Tôi được biết có một loại lúa mọc ở Cochinchina trên đất cao, chỉ cần nước mưa thông thường. Nắng và đất ở Carolina đủ tốt để đảm bảo sự thành công của loại cây này, và Monsieur de Poivre cho tôi lý do để tin rằng nó kết hợp được những phẩm chất tốt của cả hai loại khác mà chúng ta biết, và rằng nó sẽ cứu sống hàng ngàn người, và sức khỏe của hàng chục ngàn người hàng năm ở Nam Carolina".

Malesherbes, tên đầy đủ là Chrétien Guillaume de Lamoignon de Malesherbes (1721-1794), là một nhân vật quan trọng trong lịch sử Pháp thế kỷ 18. Ông là Quốc vụ khanh Hoàng gia dưới thời vua Louis XVI (1775-1776) nhà cải cách, và nhà tư tưởng trong thời kỳ Khai sáng, nổi tiếng với sự liêm chính và tư tưởng tiến bộ có nhiều đóng góp khi là Giám đốc Thư viện Pháp. Như trong bức thư này, tôi đoán rằng, sau hơn một năm khi chia tay Hoàng tử Cảnh, Thomas Jefferson vẫn chưa nhận được giống lúa Đông Dương như đã hứa, nên có lẽ ông sốt ruột muốn nhờ đến Quốc vụ khanh của Pháp giúp đỡ ông có loại giống lúa này.

Những bức thư đó cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Jefferson đến nông nghiệp và cho chúng ta biết những tiếp xúc đầu tiên giữa Mỹ và Việt Nam, giữa ông và Hoàng tử Cảnh. Mặc dù sự quan tâm của Jefferson khi đó mới ở lĩnh vực nông nghiệp, nhưng nó phản ánh một tinh thần khám phá và mong muốn kết nối với thế giới của một quốc gia non trẻ. Sau này, vào những năm đầu thế kỷ 19, khi lên làm Tổng thống Mỹ, Thomas Jefferson nhớ lại những gì ông biết và nỗ lực tìm cách nhập khẩu giống lúa Việt Nam về Mỹ nên đã có những nỗ lực cụ thể hơn trong việc thiết lập giao thương bằng việc cử tàu Frame sang Việt Nam.

Sau này vào năm 1819, dưới thời Tổng thống James Monroe, có lẽ tiếp nối những gì Tổng thống Thomas Jefferson đã làm, chính phủ Mỹ đã cử tàu USS Franklin đến Cochinchina với mục đích tìm kiếm cơ hội giao thương. Tuy nhiên, chuyến đi này đã không thành công như mong đợi do những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và chính sách thương mại vào thời điểm đó.

Ý nghĩa lịch sử và tầm nhìn cho tương lai

Những tiếp xúc ban đầu đó, dù chưa mang lại kết quả ngay lập tức, đã gieo những hạt mầm đầu tiên cho mối quan hệ Việt - Mỹ. Những ghi chép và ý tưởng của Thomas Jefferson cho thấy sự tò mò, khám phá và mong muốn kết nối từ cả hai phía, dù là ở những hình thái sơ khai nhất. Từ những bức thư của Thomas Jefferson về giống lúa quý giá từ Cochinchina cho đến nỗ lực giao thương đầu thế kỷ 19, lịch sử đã ghi lại những bằng chứng về sự tương tác sớm giữa hai quốc gia.

Nhân dấu mốc 3 thập kỷ bình thường hóa quan hệ hai nước, việc nhìn lại những cội nguồn sâu xa này không chỉ làm phong phú thêm câu chuyện lịch sử giữa Việt Nam và Mỹ mà còn khẳng định rằng mối quan hệ này được xây dựng trên một nền tảng dài lâu, vượt ra ngoài những cột mốc chính thức. Nó là minh chứng cho tinh thần kết nối và hợp tác giữa hai dân tộc, định hình nên mối quan hệ đối tác toàn diện mạnh mẽ và bền vững như ngày nay. Những "bằng chứng" từ di sản của Thomas Jefferson là một đóng góp quý giá, thêm vào bức tranh toàn cảnh về mối quan hệ Việt - Mỹ, một mối quan hệ với lịch sử phong phú và tiềm năng rộng lớn trong tương lai.

1. Bức thư Thomas Jefferson gửi William Drayton từ Paris ngày 30/7/1787: https://founders.archives.gov/documents/Jefferson/01-11-02-0568

2. Thư của Thomas Jefferson gửi William Drayton, ngày 13/1/1788; https://founders.archives.gov/documents/Jefferson/01-12-02-0531

3. Thư của Thomas Jefferson gửi Malesherbes, 11/3/1789:https://founders.archives.gov/documents/Jefferson/01-14-02-0386

Nguyễn Cảnh Bình

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-my-coi-nguon-va-nhung-tiep-xuc-dau-tien-giua-hai-dan-toc-322498.html