Việt Nam - Na uy chia sẻ kinh nghiệm phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp

Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển bền vững ngành nuôi biển quy mô công nghiệp, nhưng điều này đòi hỏi tư duy công nghệ và các giải pháp xanh.

Diễn đàn trực tuyến về Thúc đẩy phát triển ngành nuôi biển quy mô công nghiệp. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Diễn đàn trực tuyến về Thúc đẩy phát triển ngành nuôi biển quy mô công nghiệp. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Chiều 21/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đại sứ quán Hoàng gia Na Uy, Cơ quan Innovation Norway và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp tổ chức Diễn đàn trực tuyến về Thúc đẩy phát triển ngành nuôi biển quy mô công nghiệp.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, bên cạnh ý nghĩa về khía cạnh kinh tế, phát huy tiềm năng, lợi thế quốc gia ven biển, nuôi biển còn mang ý nghĩa quan trọng đối với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có định hướng: phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa, tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp ở các vùng biển mở.

Để hiện thực hóa định hướng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án phát triển nuôi biển đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025, diện tích nuôi đạt 280.000 ha, thể tích lồng nuôi 10 triệu m3. Sản lượng nuôi đạt 850.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt từ 0,8 - 1 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi đạt 300.000 ha, thể tích lồng nuôi 12 triệu m3. Sản lượng nuôi đạt 1.450.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1,8 - 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, ngành nuôi biển của Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức, hạn chế về hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư; cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia; khoa học công nghệ; thức ăn; dịch bệnh; lao động…

Bà Grete Lochen - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam rất tự hào về quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực thủy sản thời gian qua. Nói đến phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp, Na Uy có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ dựa trên những bài học với ngành công nghiệp cá hồi nổi tiếng.

Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển bền vững ngành nuôi biển quy mô công nghiệp, nhưng điều này đòi hỏi tư duy công nghệ và các giải pháp xanh. Các doanh nghiệp Na Uy sẵn sàng hợp tác và chia sẻ.

Theo ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Việt Nam có đối tượng nuôi biển phong phú, với nhóm cá biển: cá song, cá giò, cá hồng, cá vược...; nhóm nhuyễn thể là ngao, sò, hàu, vẹm xanh, tu hài, bào ngư, trai ngọc, ốc hương…; nhóm giáp xác: tôm hùm; cua, ghẹ...; nhóm rong tảo biển như rong sụn, rong câu, rong mứt…

Diện tích nuôi biển tăng trưởng bình quân đạt 23,3%/năm từ 38.800 ha của năm 2010 lên đạt 70.000 ha và 7,5 triệu m3 lồng nuôi vào năm 2020, với sản lượng khoảng 610 nghìn tấn.

Ông Trần Công Khôi cho biết, Việt Nam đã nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống một số loài cá biển như cá song, chim vây vàng, chẽm, hồng mỹ…; một số loài nhuyễn thể như ốc hương, tu hài, bào ngư, hàu Thái Bình Dương…

Hiện, các đơn vị đang tiếp tục nghiên cứu sản xuất giống một số loài: cá song vua, tôm mũ ni, rong biển…; hoàn thiện lồng nuôi bằng chất dẻo HDPE; sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi tôm hùm, cá chim vây vàng, cá song, cá vược, cá giò.

Để Việt Nam có nền công nghiệp nuôi biển tiên tiến, phát triển bền vững với công nghệ hiện đại và phương thức quản lý khoa học, theo ông Trần Công Khôi, cần phát triển nuôi biển gắn với đổi mới và tổ chức lại sản xuất, xây dựng các chuỗi giá trị xuyên suốt cho từng nhóm sản phẩm, trong đó doanh nghiệp nuôi biển công nghiệp là yếu tố then chốt.

Với ven bờ, đảo gần bờ, từng bước hình thành và phát triển các khu nuôi biển tập trung với cơ cấu và tổ chức sản xuất hợp lý; gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp sức tải môi trường; xây dựng và hoàn thiện các chuỗi giá trị cho từng nhóm sản phẩm, truy xuất được nguồn gốc.

Với nuôi biển xa bờ, xây dựng và áp dụng thí điểm các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp nuôi biển công nghiệp. Hình thành và phát triển các cộng đồng doanh nghiệp lớn tham gia nuôi biển tại các tỉnh trọng điểm như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Cà Mau, Kiên Giang và một số địa phương có lợi thế.

Tại diễn đàn các diễn giả đến từ đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp Na Uy đã trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của ngành công nghiệp nuôi biển. Trong số đó có quy hoạch và xây dựng chính sách bao gồm cả chính sách tín dụng, quản lý nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực và dạy nghề, các giải pháp công nghệ xanh và thông minh để giúp doanh nghiệp đầu tư và đóng góp vào sự phát triển của ngành theo hướng hiệu quả, bền vững và bảo vệ nguồn lợi biển.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng Quốc vụ khanh Bộ Công thương và Thủy sản Na Uy bà Trini Danialsen đã ký kết Ý định thư về Tăng cường và Phát triển Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên biển.

Trên cơ sở bản Ý định thư được ký kết, hai bên tạo điều kiện và hỗ trợ cho các cơ quan quản lý, các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực phục vụ cho phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển như: chia sẻ và hỗ trợ về thực thi pháp luật và đổi mới công nghệ; tăng cường năng lực và hợp tác nghiên cứu; thúc đẩy thương mại, hợp tác đầu tư của khu vực tư nhân; khuyến khích trao đổi các đoàn doanh nghiệp và tham gia các hội chợ/triển lãm về phát triển nuôi trồng thủy sản./.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/viet-nam-na-uy-chia-se-kinh-nghiem-phat-trien-nuoi-bien-quy-mo-cong-nghiep/196540.html