Việt Nam nêu quan điểm về Biển Đông tại Hội nghị 'Các đại dương và Luật biển'
Tại Hội nghị thường niên lần thứ 33 của các nước tham gia Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển được tổ chức tại New York, Hoa Kỳ. Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhắc lại quan điểm của Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế.
Việt Nam thực hiện nhiều nỗ lực để tuân thủ Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển
Hội nghị thảo luận về Báo cáo của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc diễn ra từ ngày 12 đến 16/6/2023, với tựa đề "Các đại dương và Luật biển", trong đó chỉ ra rằng đại dương đang phải chịu nhiều tác động xấu từ sự a-xít hóa, ô nhiễm dưỡng chất và rác thải nhựa. Những yếu tố này đang làm hại cho hệ sinh thái biển và ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng tỉ người trên thế giới.
Báo cáo kêu gọi các nước và tổ chức quốc tế phải có những hành động khẩn cấp để giúp các nước đang phát triển vượt qua những thách thức liên quan tới các đại dương. Báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi toàn diện và hiệu quả Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển và các Hiệp định liên quan trong dịp kỷ niệm 40 năm Công ước được thông qua...
Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp Quốc và Trưởng đoàn Việt Nam, có phát biểu tại Hội nghị về Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển. Ông nhấn mạnh rằng Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển là "Hiến pháp của đại dương" và là khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển.
Trưởng Phái đoàn Việt Nam cũng nói về các Hiệp định thực thi Công ước và vai trò của chúng trong việc thúc đẩy hợp tác và hành động của quốc gia, khu vực và toàn cầu trên biển. Ông Đặng Hoàng Giang cho biết, Việt Nam thực hiện nhiều nỗ lực để tuân thủ Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển, bao gồm việc ban hành Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu đến năm 2050 theo Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đại sứ Đặng Hoàng Giang cũng khẳng định sự cam kết của Việt Nam với Công ước và Nhóm bạn bè Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển, mà Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập.
Diễn biến gần đây trên Biển Đông có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và phát triển
Về tình hình Biển Đông, Đại sứ Đặng Hoàng Giang trình bày quan điểm của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển. Ông bày tỏ quan ngại về các diễn biến gần đây trên Biển Đông có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình, an ninh và phát triển.
Ông Đặng Hoàng Giang khẳng định rằng việc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển trên vùng biển do Công ước thiết lập là điều kiện tiên quyết cho việc duy trì và bảo đảm hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực Biển Đông. Ông kêu gọi các quốc gia liên quan kiềm chế và không thực hiện các hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng tình hình.
Tại phiên thảo luận về báo cáo của Tòa án quốc tế về Luật biển, đoàn Việt Nam nhấn mạnh rằng Tòa án quốc tế về Luật biển hoàn thành tốt vai trò của mình như là cơ quan xét xử được thành lập theo Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển. Đồng thời, đoàn Việt Nam cũng ghi nhận những chương trình đào tạo và nâng cao năng lực của Tòa cho các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, trong bối cảnh có nhiều thách thức và vấn đề mới nổi trên biển, vai trò của Tòa án quốc tế về Luật biển ngày càng quan trọng hơn với tư cách người bảo vệ sự toàn vẹn và toàn diện của Công ước. Do đó, Việt Nam mong muốn Tòa sẽ xem xét nghiêm túc đề nghị của Ủy ban các quốc đảo Thái Bình Dương xin ý kiến tư vấn về vấn đề biến đổi khí hậu và luật pháp quốc tế.
Mục tiêu là làm sáng tỏ nghĩa vụ của các quốc gia về bảo vệ môi trường biển, trên cơ sở cân nhắc quyền và lợi ích chính đáng của các nước đang phát triển. Đoàn Việt Nam cũng thông báo với Hội nghị ý định đệ trình quan điểm quốc gia lên Tòa án quốc tế về Luật biển về vấn đề này.
Liên quan đến báo cáo của Ủy ban Ranh giới ngoài thềm lục địa (CLCS), đoàn Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết cải thiện quá trình xem xét các đệ trình về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý. Mục tiêu là thực thi đầy đủ và hiệu quả Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển, đặc biệt trong bối cảnh cần thiết xác định "vùng ngoài quyền tài phán của quốc gia" để tiến tới thực hiện Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học vùng ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ) sau khi Hiệp định được thông qua và có hiệu lực trong thời gian tới.
Trong dịp này, các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển bầu 7 vị trí thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật biển nhiệm kỳ 2023-2032. Các ứng viên trúng cử gồm có: Frida María Armas Pfirter (Argentina); Konrad Jan Marciniak (Ba Lan); Tomas Heidar (Icealand); Zha Hyoung Rhee (Hàn Quốc); Thembile Elphus Joyini (Nam Phi); Horinouchi Hidehisa (Nhật Bản); và Osman Keh Kamara (Sierra Leone).