Việt Nam - New Zealand tái ký kết Kế hoạch Hợp tác Chiến lược về Giáo dục
Chiều 21/7, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cùng Cơ quan Giáo dục New Zealand đã tiến hành tái ký kết bản Kế hoạch Hợp tác Chiến lược về Giáo dục giai đoạn 2020-2023.
Bản Kế hoạch sẽ triển khai các sáng kiến ở nhiều lĩnh vực giáo dục giữa New Zealand và Việt Nam, bao gồm chương trình liên kết ở bậc đại học, mô hình giáo dục cấp tiến về đào tạo trực tuyến và đào tạo kết hợp, tăng cường hợp tác giữa các trường trong lĩnh vực đào tạo tiếng Anh cũng như các chương trình kết nối cựu du học sinh. Trong đó, các mô hình giáo dục cấp tiến về đào tạo trực tuyến và đào tạo kết hợp là đặc biệt cần thiết đối với việc tăng cường hợp tác giáo dục giữa hai nước.
New Zealand tiếp tục cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu giáo dục của thế kỷ 21, hướng tới đào tạo một thế hệ sinh viên tốt nghiệp được trang bị tốt về kiến thức, kiện toàn các kỹ năng cần thiết để sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu mới của thị trường toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.
Nếu Kế hoạch Hợp tác Chiến lược năm 2015 đặt nền móng cho quan hệ đối tác chiến lược về giáo dục giữa Việt Nam và New Zealand thì bản Kế hoạch Hợp tác mới sẽ tiếp tục tăng cường những sáng kiến giáo dục hiện có, đồng thời, xác định những cơ hội mới mà cả hai bên có thể cùng hợp tác phát triển và thực hiện, mang lại lợi ích chung cho cả hai quốc gia.
Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc chia sẻ: Năm 2020 là năm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - New Zealand. Ngày mai (22/7), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc Hội đàm cấp cao trực tuyến với Thủ tướng New Zealand, Jacinda Ardern. Do đó, việc ký kết lần này là hoạt động ý nghĩa, là nền tảng đưa quan hệ hợp tác giáo dục của hai nước tiến xa hơn.
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, coi đây là một trong ba khâu đột phá phát triển đất nước. Những năm qua, Việt Nam cũng rất quan tâm đến việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo với nước ngoài. Việt Nam hiện có khoảng gần 200.000 du học sinh đang học tập ở các nước, trong đó tập trung ở nhiều nước có nền giáo dục phát triển hàng đầu như Mỹ, Anh, Australia, New Zealand... Hiện cũng có khoảng 21.000 học sinh nước ngoài đang học tập tại Việt Nam ở nhiều bậc học khác nhau.
Thứ trưởng mong muốn New Zealand tiếp tục giúp đỡ Việt Nam trong phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường khả năng tiếng Anh cho học sinh, sinh viên, cán bộ, giảng viên; tăng cường liên kết đào tạo và trao đổi học thuật, vì sự phát triển chung của nền giáo dục hai nước.
Ông Grant McPherson, Tổng Giám đốc điều hành Cơ quan Giáo dục New Zealand, đánh giá cao sự năng động và đa dạng mà học sinh, sinh viên Việt Nam mang đến cho các trường New Zealand. Đồng thời khẳng định, New Zealand rất vui mừng chào đón ngày càng nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam đến học tập trong những năm gần đây. Với uy tín không ngừng tăng cao trên trường quốc tế của nền giáo dục New Zealand, chúng tôi cam kết tăng cường các cơ hội mang nền giáo dục của New Zealand đến gần hơn với học sinh, sinh viên Việt Nam, đồng thời, tiếp tục thiết lập quan hệ đối tác gần gũi cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
Ông Grant McPherson cũng chia sẻ: Trong bối cảnh phức tạp do đại dịch COVID-19 chúng tôi vẫn hy vọng chào đón học sinh, sinh viên đến New Zealand khi việc đi lại giữa các nước được nối lại một cách an toàn, đặc biệt là thông qua những sáng kiến giáo dục như Học bổng Chính phủ New Zealand bậc trung học hay Học bổng Chính phủ New Zealand bậc sau đại học. Chúng tôi cam kết tìm kiếm các phương thức sáng tạo để vun đắp cho quan hệ giáo dục giữa hai nước, trong đó, bao gồm những mô hình giáo dục cấp tiến như đào tạo trực tuyến và đào tạo kết hợp.
Tính đến năm 2018 có trên 2.700 học sinh, sinh viên Việt Nam đang theo học tại New Zealand, trong đó, có 600 học sinh trung học. New Zealand cũng có Học bổng của Thủ tướng dành cho sinh viên trao đổi ở khu vực châu Á (Prime Minister’s Scholarships for Asia) được khởi động từ năm 2013. Tính đến nay, đã có 143 sinh viên New Zealand chọn Việt Nam làm điểm đến để thực tập và nghiên cứu.