Việt Nam – Nhật Bản còn nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác phát triển
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những đóng góp thiết thực trong thực hiện sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản 8 giai đoạn, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) đồng tổ chức sáng 7/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn Chính phủ Nhật Bản và toàn thể các tổ chức kinh tế, các nhà đầu tư Nhật Bản vì những đóng góp to lớn, có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong nhiều năm.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những đóng góp thiết thực, hiệu quả của KEIDANREN và Ủy ban kinh tế Việt Nam – Nhật Bản tại Việt Nam trong việc thực hiện sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản 8 giai đoạn trong 20 năm qua, đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam.
“Quan hệ hai nước còn nhiều dư địa để tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, xứng tầm quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện, tin cậy vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại, kế thừa và phát huy các quan hệ lâu đời trước đây, cách đây 50 năm, ngày 21/9/1973, Việt Nam và Nhật Bản đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó tới nay, trải qua nhiều thăng trầm, thay đổi của tình hình thế giới, khu vực và của mỗi nước, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ chính trị, ngoại giao; hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng ngày càng được tăng cường, củng cố, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Hoạt động văn hóa, giao lưu nhân dân đã trở thành một nền tảng quan trọng cho mối quan hệ ngày càng gắn bó và tin cậy giữa hai nước.
Đặc biệt, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư luôn được đặc biệt chú trọng, đẩy mạnh toàn diện. Hai bên đã xây dựng nhiều khuôn khổ pháp lý quan trọng cho quan hệ song phương; đồng thời cùng là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây chính là những hành lang quan trọng thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước trên tinh thần hai bên cùng có lợi, bổ trợ lẫn nhau.
Về Hợp tác phát triển (ODA), sau hơn 30 năm, Nhật Bản trở thành quốc gia viện trợ ODA hàng đầu của Việt Nam với trên 2.700 tỷ Yên vốn vay, gần 100 tỷ Yên viện trợ không hoàn lại và 180 tỷ Yên hỗ trợ cho hợp tác kỹ thuật; góp phần quan trọng trong việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững; hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam...
Về đầu tư, đến nay Nhật Bản có hơn 5 nghìn dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ USD, đứng thứ 3/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam có 104 dự án đầu tư sang Nhật Bản với vốn đầu tư đăng ký đạt 19,2 triệu USD, đứng thứ 36 trong tổng số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Về thương mại, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam; trong đó: Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt gần 25 tỷ USD, nhập khẩu đạt gần 24 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản, cơ chế hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ, qua 20 năm thực hiện với 8 giai đoạn, đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng.
Theo Thủ tướng Chính phủ, là một trong những cường quốc trong ngành công nghiệp, dịch vụ của thế giới, Nhật Bản đã đạt được những thành tựu to lớn với nền kinh tế phát triển ở trình độ cao, sở hữu công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới và là một trong những nước đi đầu về ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển kinh tế số, xã hội số.
Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, đang duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh, sở hữu nguồn nhân lực trẻ dồi dào và có nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất công nghiệp.
Từ một nước trải qua nhiều năm chiến tranh và cấm vận, sau gần 40 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 409 tỷ USD, GDP bình quân đầu người tăng 25 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng đạt trên 4.100 USD. Đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với trên 60 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.
Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; Việt Nam không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các nước. Với những vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân, cần cách tiếp cận đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, dựa trên luật lệ.
Việt Nam quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực (với 3 thành tố chính là con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử-văn hóa), là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.
Việt Nam đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện: nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa (tuân thủ quy luật thị trường, cạnh tranh, cung cầu nhưng có sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết); nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, là nguồn lực phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Năm 2022, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm (thu-chi, xuất nhập khẩu, bảo đảm lương thực thực phẩm, cân đối năng lượng, cung cầu lao động). Tăng trưởng GDP 2022 đạt trên 8%; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt trên 732 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 22,4 tỷ USD, cao nhất trong 05 năm qua. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh, được người dân và các nhà đầu tư.
Hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản, là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khởi đầu cho chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản và 20 năm thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.
Tại Hội thảo, hai bên sẽ tập trung trao đổi các nội dung: chuyển đổi xanh; chuyển đổi số; hợp tác về năng lượng; đánh giá về hợp tác phát triển; quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản và định hướng cho tương lai; đánh giá về Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn 8 và định hướng giai đoạn 9.
Nhân dịp này, 3 Đồng chủ tịch Sáng kiến chung Việt Nhật, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký Biên bản về Báo cáo đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8 để đánh dấu 20 năm triển khai cũng như các định hướng triển khai thời gian tới…/.