Việt Nam - Nhật Bản: Mối lương duyên trời định

Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, sự tương đồng về văn hóa, lịch sử, con người và truyền thống giao lưu bền chặt giữa nhân dân Việt Nam - Nhật Bản hàng nghìn năm qua là 'lương duyên trời định'.

Tiếp tục chuyến thăm chính thức Nhật Bản, chiều 29-11, tại Tokyo, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có bài phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản. Đây là cơ quan lập pháp lâu đời nhất ở châu Á, nơi đề ra nhiều quyết sách lập pháp quan trọng cho tiến trình phát triển của Nhật Bản trong 135 năm qua.

 Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam dự phiên họp của Quốc hội Nhật Bản. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam dự phiên họp của Quốc hội Nhật Bản. Ảnh: TTXVN

Mối lương duyên có từ 1.000 năm trước

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch nước chia sẻ từ khi còn trẻ, ông đã có cơ hội đến Nhật Bản trong chương trình giao lưu, gặp gỡ thanh niên Việt Nam - Nhật Bản.

Những chuyến thăm ấy, được gặp gỡ các bạn trẻ Nhật Bản, được sống cùng gia đình Nhật Bản đã để lại trong ông những kỷ niệm, ấn tượng tốt đẹp về con người Nhật Bản mến khách và thân tình. Về một đất nước Nhật Bản đẹp như những bông hoa anh đào, tâm hồn Nhật Bản thanh bình, sâu lắng như những vần thơ Haiku, tinh thần Nhật Bản kiên cường, cao thượng như những chiến binh Samurai, ý chí Nhật Bản kiên định, vững vàng như núi Phú Sĩ.

Theo ông, Nhật Bản luôn là đối tác tin cậy, người bạn thân thiết, luôn ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trên con đường xây dựng và phát triển đất nước, cùng đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và thế giới.

Nói về mối lương duyên giữa hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản, Chủ tịch nước nhìn nhận hai nước, hai dân tộc có mối quan hệ lịch sử lâu đời từ hơn 1.000 năm trước. Chủ tịch nước dẫn chứng, Nhà chí sĩ Phan Bội Châu của Việt Nam đã nhận định Việt Nam - Nhật Bản là hai nước "đồng văn, đồng chủng, đồng châu". Tuy không gần nhau về địa lý nhưng hai nước có nhiều sự tương đồng, gắn kết về văn hóa, lịch sử, con người.

Sự tương đồng về văn hóa, lịch sử, con người và truyền thống giao lưu bền chặt giữa nhân dân hai nước hàng nghìn năm qua đã là chất keo gắn kết tình cảm hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. "Đó là lương duyên trời định" – Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Ông nói Việt Nam luôn xác định và nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại: Độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Việt Nam cũng xác định, quan hệ với các nước láng giềng là ưu tiên hàng đầu, quan hệ với các nước lớn và các đối tác chiến lược toàn diện có ý nghĩa chiến lược, quan hệ với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, một số đối tác khác có ý nghĩa rất quan trọng và coi trọng quan hệ với các đối tác truyền thống. Cùng đó, Việt Nam cũng thực hiện đường lối quốc phòng "bốn không".

Theo Chủ tịch nước, Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn diện với 30 nước; là thành viên của 70 tổ chức khu vực và toàn cầu. Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu đến 2030, Việt Nam là nước phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

 Các đại biểu và nghị sĩ Nhật Bản chào đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Ảnh: TTXVN

Các đại biểu và nghị sĩ Nhật Bản chào đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Ảnh: TTXVN

Chặng đường 50 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

Nhìn lại chặng đường 50 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, Chủ tịch nước cho hay Việt Nam-Nhật Bản đã cùng nhau tiến từng bước vững chắc trong xây dựng một quan hệ bền chặt giữa hai dân tộc.

Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 và lần lượt xác lập khuôn khổ quan hệ từ "Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài" (năm 2002) đến quan hệ "Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á" (năm 2009), nâng lên thành quan hệ "Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á" (năm 2014), đến hôm nay, hợp tác về chính trị, kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân dân giữa hai nước không ngừng được mở rộng, góp phần nâng tầm khuôn khổ, nội hàm quan hệ, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Nhật Bản là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, đối tác lớn thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về thương mại. Đồng thời, đã và đang sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Nhật Bản cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

“Chúng tôi không thể nào quên, trong thời điểm Việt Nam khó khăn nhất, Nhật Bản đã là một trong những nước phát triển đầu tiên bình thường hóa quan hệ và quyết định nối lại ODA cho Việt Nam. Và cho đến nay, ODA của Nhật Bản vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam” – Chủ tịch nước chia sẻ và khẳng định những thành tựu trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản 50 năm qua là nền tảng vững chắc để hai dân tộc tự tin cùng nhau đi tới tương lai.

 Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản. Ảnh: TTXVNC

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản. Ảnh: TTXVNC

6 tăng cường trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản

Nói về tương lai quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, Người đứng đầu Nhà nước Việt Nam thông tin hai ngày trước, ông và Thủ tướng Kishida Fumio đã cùng ra Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.

Đây là sự kiện quan trọng, mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển thực chất, toàn diện, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ, đáp ứng lợi ích của hai bên, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và thế giới.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch nước đã nêu ra sáu tăng cường trong mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản thời gian tới.

Một là, tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực bao gồm trên các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, giao lưu giữa các nghị sĩ và đại biểu Quốc hội hai nước.

Hai là, tăng cường liên kết giữa hai nền kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, xác định hợp tác kinh tế là trụ cột trọng tâm. Chúng tôi kỳ vọng Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Chúng tôi cam kết Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp Nhật Bản, góp phần đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho sự phát triển của Nhật Bản.

Ba là, tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh trên cơ sở Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản hướng tới thập kỷ tiếp theo. Trong đó, chú trọng hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển, chia sẻ thông tin, gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; mở rộng hợp tác nhằm ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.

Bốn là, tăng cường hơn nữa hợp tác địa phương, giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch, lao động và giao lưu nhân dân. Tạo điều kiện để công dân hai nước hòa nhập sâu hơn vào đời sống xã hội của nhau. Đây chính là những yếu tố hết sức quan trọng để thúc đẩy hiểu biết, tin cậy giữa nhân dân hai nước.

Năm là, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mới. Chúng tôi kỳ vọng Nhật Bản sẽ trở thành nhà đầu tư và đối tác chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, tái tạo, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mong Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam các dự án hợp tác cụ thể theo Sáng kiến chuyển đổi năng lượng châu Á (AETI), Sáng kiến Cộng đồng Phát thải bằng 0 châu Á (AZEC).

Sáu là, tăng cường hợp tác, phối hợp trên các diễn đàn đa phương và khu vực. Tương lai của Việt Nam và Nhật Bản gắn liền với hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và toàn cầu. Trong bối cảnh khu vực và thế giới xảy ra nhiều xung đột, chiến tranh cục bộ, chúng ta càng thấy giá trị thiêng liêng của hòa bình. Hai nước chúng ta đều có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy đối thoại, ngăn ngừa xung đột, ngăn ngừa chiến tranh, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ Nhật Bản đóng vai trò quan trọng và tích cực hơn nữa trong duy trì môi trường hòa bình, ổn định trên thế giới nói chung, tại châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nói riêng. Đồng thời bày tỏ tin tưởng hai nước sẽ cùng nhau góp phần xây dựng cấu trúc khu vực bền vững, bao trùm với ASEAN đóng vai trò trung tâm, phát huy hiệu quả các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, củng cố chủ nghĩa đa phương, đề cao Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế.

“Chúng ta cùng nhau quyết tâm xây dựng quan hệ hai nước thực sự là bạn bè chân thành, đối tác tin cậy, hợp tác chiến lược, tương lai bền vững” – Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước gặp gỡ các gia đình tham gia Chương trình giao lưu thanh niên Việt Nam – Nhật Bản

Cũng trong ngày 29-11, tại thủ đô Tokyo, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân đã có cuộc gặp gỡ thân mật, cùng ăn sáng với các gia đình Nhật Bản đã có thời gian đón tiếp thanh niên Việt Nam qua các chương trình giao lưu thanh niên Việt Nam – Nhật Bản.

Buổi gặp mặt có sự tham dự của các gia đình từ nhiều địa phương tại Nhật Bản, trong đó có gia đình ông Sato Shigemitsu và bà Sato Ikuko (tỉnh Akita); gia đình ông Nagai Atsuo và bà Nagai Yuko (tỉnh Myazaki), nhiều năm trước đã đón một số thanh niên Việt Nam, trong đó có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến lưu trú, giao lưu trong các hoạt động hợp tác thanh niên hai nước.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân gặp gỡ, cùng ăn sáng với đại diện gia đình homestay Nhật. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng xúc động nhắc lại nhiều kỷ niệm, ấn tượng, hình ảnh các thành viên gia đình Nhật Bản nhiệt tình giới thiệu và hướng dẫn thanh niên Việt Nam về văn hóa truyền thống, văn hóa dân gian và cuộc sống đời thường của các gia đình nông thôn Nhật Bản qua những công việc thường ngày như nấu ăn, làm vườn, làm nông nghiệp, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, sinh hoạt cộng đồng

Thăm hỏi từng thành viên trong các gia đình, Chủ tịch nước vui mừng khi nhiều người vẫn lưu giữ những kỷ niệm tốt đẹp với thanh niên Việt Nam và tích cực ủng hộ chương trình giao lưu thanh niên hai nước.

Chủ tịch nước cho rằng, những hoạt động giao lưu hữu nghị thiết thực, giàu ý nghĩa này đã để lại nhiều ấn tượng khó phai, giúp mỗi thanh niên Việt Nam tăng thêm hiểu biết, thêm yêu mến đất nước Nhật Bản xinh đẹp, đậm đà văn hóa truyền thống; người dân Nhật Bản thân thiện, tình cảm, chân thành, chu đáo và mến khách.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng cảm ơn các tổ chức: JICA, JICE, DAY... và những đơn vị đã tích cực phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động giao lưu ở hai nước; góp phần quan trọng vào việc duy trì, gìn giữ và phát huy tình hữu nghị truyền thống, trao đổi văn hóa giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Nhật Bản.

Ngoài ra, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dự chương trình giao lưu võ thuật Vovinam Việt Nam và Võ đạo Nhật Bản.

Theo VGP

Nguồn PLO: https://plo.vn/viet-nam-nhat-ban-moi-luong-duyen-troi-dinh-post764126.html