Việt Nam-Nhật Bản: Mối quan hệ có tiềm năng vô hạn

Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản được cho là đang ở giai đoạn phát triển tốt nhất. Trả lời phỏng vấn TG&VN, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio chia sẻ về ý nghĩa chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản và cơ hội hợp tác song phương thời gian tới.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đón Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 24/11. (Nguồn: TTXVN)

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đón Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 24/11. (Nguồn: TTXVN)

Thưa Đại sứ, ý nghĩa và những nội dung trọng tâm trong chuyến thăm của Thủ tướng Kishida Fumio là gì?

Cho tới nay, Thủ tướng Kishida Fumio đã thường xuyên sang thăm Việt Nam trên cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và với tư cách là thành viên Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Kishida kể từ khi đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Nhật Bản.

Đặc biệt, Thủ tướng Kishida sẽ gặp lại Thủ tướng Phạm Minh Chính, một người bạn lâu năm của mình, sau chưa đầy sáu tháng kể từ chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 11 năm ngoái.

Sở dĩ có chuyến thăm qua lại trong thời gian ngắn như vậy là do cả hai nhà lãnh đạo đều là thành viên chủ chốt của Liên minh Nghị sĩ hữu nghị và đã xây dựng mối quan hệ tin cậy lẫn nhau sâu sắc.

Hai nước đã đạt được những thành quả vững chắc trên nhiều lĩnh vực trong vòng chưa đầy nửa năm kể từ chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngay cả khi chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong chuyến thăm lần này, tôi hy vọng Thủ tướng Kishida sẽ có những cuộc trao đổi ý kiến với các nhà lãnh đạo của Việt Nam, đặc biệt là Thủ tướng Phạm Minh Chính, qua đó quan hệ hai nước sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Đại sứ đánh giá như thế nào về tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương?

Trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào năm ngoái, hai Thủ tướng đã khẳng định mối quan hệ Nhật Bản-Việt Nam có tiềm năng vô hạn, không chỉ là mối quan hệ song phương mà còn là mối quan hệ chiến lược ở khu vực và thế giới.

Tuyên bố chung mang tên “Hướng tới mở ra giai đoạn mới của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh của châu Á” và danh mục liệt kê các dự án hợp tác cụ thể của hai nước đã được công bố.

Kể từ chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính, phạm vi hợp tác đã được mở rộng từ quan hệ kinh tế song phương sang cả hợp tác về chính trị và an ninh cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế. Hai nước đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể trong từng lĩnh vực.

Tôi cho rằng quan hệ Nhật Bản-Việt Nam đã có những bước tiến vững chắc hướng tới việc “mở ra giai đoạn mới” và sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio. (Nguồn: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio. (Nguồn: VGP)

Rõ ràng, dịch Covid-19 không thể ngăn cản doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam là một điểm đến đầu tư. Việt Nam vẫn được coi là “bến đỗ” đầu tư tốt nhất đối với họ?

Trong bối cảnh hoạt động đầu tư trên toàn thế giới bị hạn chế bởi dịch Covid-19, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn rất quan tâm và mong muốn đầu tư vào Việt Nam.

“Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam-Nhật Bản” được tổ chức trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 11 năm ngoái đã thu hút sự tham gia của 1.000 người cả trực tiếp và trực tuyến.

Tại đây, 45 biên bản ghi nhớ (MOU) với tổng trị giá lên tới 12 tỷ USD đã được trao đổi. Tôi cho rằng ngay cả giữa tình hình dịch Covid-19, sức nóng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam, quốc gia đang thu hút sự quan tâm nhờ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, đã một lần nữa được khẳng định.

Lý do có thể kể tới là tiềm năng tăng trưởng, sự ổn định chính trị, nguồn nhân lực ưu tú và sự gắn bó về mặt văn hóa giữa hai nước.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio.

Việt Nam đã và đang hướng tới nền kinh tế xanh, phát triển xanh. Đại sứ đánh giá về chiến lược này ra sao và Nhật Bản có thể hỗ trợ Việt Nam như thế nào?

Tôi đánh giá cao xu hướng mạnh mẽ của Việt Nam đối với tăng trưởng xanh và khử carbon. Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có tuyên bố về trung hòa carbon vào năm 2050, vì vậy Việt Nam cũng phải tiếp tục phác thảo những ý tưởng để hiện thực hóa xã hội không carbon.

Trước xu thế đó, trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Yamaguchi Tsuyoshi và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà đã ký kết “Kế hoạch Hành động chung về Biến đổi khí hậu hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050”.

Nhật Bản sẽ thúc đẩy hợp tác toàn diện bao gồm chính sách, công nghệ, tài chính. Một ví dụ tiêu biểu của hợp tác này là dự án phát điện bằng năng lượng thu hồi từ việc đốt rác do công ty T&J Green Energy thực hiện tại tỉnh Bắc Ninh.

Lễ khởi động và ký kết đầu tư của dự án này đã được tổ chức vào tháng 12 năm ngoái. Theo cơ chế tín chỉ chung (JCM) giữa hai nước, Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ kinh phí trong việc đầu tư trang thiết bị áp dụng công nghệ, tiếp tục đóng góp cho kinh tế tuần hoàn, không carbon tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, đến nay đã có 40 dự án JCM đã được phê duyệt và trong thời gian tới Nhật Bản sẽ tiếp tục thúc đẩy những hợp tác theo hình thức này.

(thực hiện)

Phương Hằng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-nhat-ban-moi-quan-he-co-tiem-nang-vo-han-181878.html