Việt Nam, Nhật Bản tăng cường hợp tác ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ngày 24-11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã có các buổi làm việc song phương với nhiều cơ quan, tổ chức của nước bạn nhằm thúc đẩy hợp tác nông, lâm ngư nghiệp, ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (thứ hai từ trái sang) tặng quà là các sản phẩm OCOP cho cựu Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide (ngoài cùng bên trái), cựu Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do (LDP,), Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ Hữu nghị Nhật - Việt Nikai Toshihiro (thứ ba từ trái sang). Ảnh: Bộ Ngoại giao cung cấp

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (thứ hai từ trái sang) tặng quà là các sản phẩm OCOP cho cựu Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide (ngoài cùng bên trái), cựu Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do (LDP,), Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ Hữu nghị Nhật - Việt Nikai Toshihiro (thứ ba từ trái sang). Ảnh: Bộ Ngoại giao cung cấp

Ngày 24-11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan hội kiến với ông Saito Tetsuo, Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản. Lãnh đạo ngành nông nghiệp Việt Nam cho biết, trong tầm nhìn trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp giữa hai nước giai đoạn 2020-2024, hợp tác phòng chống thiên tai, xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thủy lợi và quản lý nguồn nước là những nội dung lớn, được ưu tiên.

Hai Bộ đã có Thỏa thuận hợp tác ký năm 2012, sau đó là 2020. Nhiều hoạt động thực tiễn đã được hai bên triển khai như: Phía Nhật Bản đã cử 3 chuyên gia sang làm việc, hỗ trợ kỹ thuật tại Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT); phối hợp tổ chức 8 hội nghị; các đoàn công tác hai nước thường xuyên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau...

Đặc biệt, sau cơn bão lịch sử Hagibis năm 2019, Nhật Bản đã hỗ trợ, giới thiệu và trao đổi kinh nghiệm với đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Việt Nam về các hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả tại hiện trường của Nhật Bản.

Đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, Bộ NN&PTNT đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ 5 vấn đề. Đó là: Thảo luận tiến tới ký kết Bản Ghi nhớ giai đoạn 2023-2026 trong lĩnh vực phòng chống thiên tai; Đẩy mạnh trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác về các chủ đề: Lũ quét; sạt lở đất; sạt lở bờ sông, bờ biển; phòng, chống lũ trong sông; lũ đặc biệt lớn; ngập lụt đô thị; ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương như ADRC, APEC, ASEAN, các hoạt động thực hiện Khung Sendai;

Ủng hộ các hoạt động song phương như: Thực hiện các dự án của JICA tại Việt nam; chia sẻ kinh nghiệm, về Trung tâm Điều hành; hợp tác trong tình huống khẩn cấp; ứng dụng công nghệ mới; xây dựng và hình thành các dự án hợp tác mới; Tiếp tục hỗ trợ thực hiện các Dự án “Tăng cường năng lực ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc” và “Hợp tác kỹ thuật để quy hoạch phát triển về phục hồi sau lũ lụt và xây dựng quy hoạch tổng thể về phòng, chống thiên tai ở miền Trung Việt Nam”.

Trước đó, tại buổi thăm và làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản, ông Kaneko Genjiro, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ về mối quan hệ tốt đẹp giữa hai Bộ và truyền thống hữu nghị mà lãnh đạo Chính phủ hai nước xây dựng gần 50 năm qua (từ 21-9-1973). Từ khi trở thành đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á vào năm 2014, Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản nói chung, cũng như ngành nông nghiệp hai nước nói riêng đã có nhiều cam kết hỗ trợ lẫn nhau.

Trong tầm nhìn trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp, hai Bộ đã thống nhất xây dựng và triển khai qua 2 giai đoạn: 2015-2019 và 2020-2024, cùng với 4 Bản Ghi nhớ (MOU) đã ký, bao gồm: MOU hợp tác phổ biến quy chuẩn và chứng nhận liên quan tới chất lượng nông sản, thực phẩm; MOU về phát triển chuỗi giá trị gạo; MOU về trao đổi công nghệ, kỹ thuật trong thủy lợi; MOU về hợp tác thủy sản. Đây là khuôn khổ pháp lý để Bộ NN&PTNT Việt Nam và Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản triển khai nhiều hoạt động hợp tác thời gian qua, góp phần thúc đẩy thương mại giữa hai nước.

Hai Bộ trưởng đều thống nhất cùng nỗ lực để thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản giữa 2 nước. Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông báo việc mở cửa thị trường cho Quýt Uysu của Nhật Bản vào Việt Nam từ tháng 10-2021. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Bộ trưởng Kanedo chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phía Nhật Bản nhanh chóng hoàn thành thủ tục để mở của cho quả nhãn tươi của Việt Nam vào Nhật Bản trong vụ thu hoạch năm 2022, áp dụng kiểm tra trực tuyến hoặc tạo điều kiện thúc đẩy nhanh thủ tục cho các doanh nghiệp xuất khẩu gia cầm đã qua xử lý nhiệt sang Nhật Bản. Hai Bộ trưởng cũng thống nhất sẽ thúc đẩy việc mở của thị trường cho bưởi của Việt Nam và nho của Nhật Bản trong thời gian sớm nhất.

Nhân dịp này, hai Bộ trưởng đều thống nhất thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác giữa hai Bộ trong thời gian tới, bao gồm: Triển khai hiệu quả trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp giai đoạn 2020-2024; Tiếp tục thúc đẩy triển khai các nội dung trong các thỏa thuận MOU đã ký kết; Hợp tác trao đổi học thuật; khoa học công nghệ giữa các viện, trường; Ủng hộ và thúc đẩy các hợp tác nông lâm ngư nghiệp giữa các địa phương; Tạo điều kiện và thúc đẩy kết nối doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư trong nông nghiệp giữa hai nước.

Trong giai đoạn hợp tác đầu tiên từ 2015-2019, ngành Nông nghiệp Việt Nam đã tiếp nhận và thụ hưởng 10 dự án ODA của Nhật Bản, bao gồm 5 dự án vốn vay và 5 dự án hỗ trợ kỹ thuật, triển khai ở nhiều tiểu lĩnh vực/phân ngành, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành. Bộ trưởng thống nhất với phía JICA về việc rà soát nghiêm túc để thúc đẩy tiến độ các dự án đang triển khai, và xác định ưu tiên kỹ lưỡng đối với các dự án chuẩn bị đề xuất JICA hỗ trợ trong thời gian tới.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/viet-nam-nhat-ban-tang-cuong-hop-tac-ung-pho-giam-nhe-rui-ro-thien-tai-post445764.html