Việt Nam - những điều khác biệt
Hơn 25 năm ở và 20 năm làm rể Việt Nam, tôi chỉ mới học được mỗi năm một chuyện. Ai biết nhiều hơn xin viết ra cho tôi và thiên hạ cùng học hỏi.
1/ Wifi miễn phí và phổ cập khắp hang cùng ngõ hẻm. Từ khách sạn, nhà hàng cao cấp đến quán bình dân, lẫn xe nước mía. Có cả những thành phố wifi miễn phí. Nhiều chủ nhân mở cửa 24/24, khỏi cần khóa. Có những từ khóa ngộ nghĩnh như “Hỏi làm gì?”, “Ngu gì nói?”, “Đừng hỏi”, “Không có”, “Lắm chuyện”…
2/ Thượng đế là mỹ từ dành cho khách hàng dù nhiều khi bị trấn lột, chặt chém, cướp cạn… “Thượng đế” rất bao dung, bị các “tín đồ” lừa bịp trắng trợn, thường chỉ chửi đổng cho sướng miệng. Ít ai dám khiếu kiện đòi công bằng, vì thực tế đã chứng minh là có kiện cáo cũng rất khó thắng, chỉ mất thời gian và bực mình hơn?
3/ “Door to door”, tạm dịch là “Đưa đón tận cửa”, rất tiện lợi khi đi từ Sài Gòn về các tỉnh (không phải tất cả). Chỉ cần nhấc điện thoại là xe ôm đến tận cửa đón ra bến. Tới nơi, lại có xe chở về tận nhà hay khách sạn, dù đêm khuya hay mưa nắng. Trên xe còn có wifi, nước sưối, khăn lạnh… miễn phí và cho mượn dép đi lại ở trạm dừng.
4/ Mặt tiền là “tài sản” đáng giá nhất, chỉ có lên và không bao giờ xuống. Từ nhà cửa, hội sở, cơ quan, cho đến hàng quán, cửa hàng… Tất cả giành nhau ra mặt tiền đường, chen chúc để kinh doanh, buôn bán. Vỉa hè là sở hữu riêng của từng nhà. Vô ý đứng xớ rớ phía trước là bị xua đuổi, cố ý thì coi chừng ăn đòn. Họ là đối thù đáng gờm của mọi hệ thống siêu thị bán lẻ hoặc online hiện đại.
3/ “Tam gia đại phủ” là 3 nhà hoành tráng và ấn tượng nhất ở Việt Nam. Thường thấy nhất là nhà chùa, nhà nước (công sở), nhà thờ. Thời trước thì nhà thờ vô địch. Hiện nay, nhà thờ có vẻ an phận, nhường ngôi vô địch cho nhà chùa và nhà nước, thi đua quyết liệt giành ngôi đầu. Gần đây có thêm biệt phủ của các đại gia và quan chức thời vụ (vì không biết bị sờ gáy lúc nào).
4/ Giao thông náo nhiệt, xe bóp còi inh ỏi, chen lấn, giành đường, leo lên vỉa hè, chạy ngược chiều, chạy vào đường cấm, chở cồng kềnh, quá tải, làm xiếc, ăn nhậu, bán hàng rong trên đường…; kể cả đường cao tốc. Việt Nam là nước giao thông tự do nhất và tạo nhiều cảm giác mạnh cho du khách. Rất nhiều lái xe, không cần học hoặc học giả nhưng lại có bằng thật.
5/ Nghề vất vả nhất chính là làm Cảnh sát giao thông. Lúc nào cũng phải “đứng đường” và mai phục. Bất kể giờ giấc, thời tiết. Những dịp cuối tuần và lễ tết càng vất vả. Không chỉ bị mắng chửi, trù dập ngoài đời mà còn bị “ném đá'' trên mạng với vô số ảnh chế. Không ít người còn bị hành hung, phải đu bám cửa, bị kéo lết, hất lên capo, thậm chí bị cán chết… nhưng ai cũng muốn được hy sinh (xin vào ngành).
6/ Bia, rượu, thuốc lá rẻ và dễ mua nhất. Việt Nam cũng gần như vô địch về lượng sản xuất và tiêu thụ các “đặc sản” này, tính theo đầu người. Rượu, bia còn là những mặt hàng chủ lực trong các gói quà tặng, quà biếu. Là nguồn thu khổng lồ của nhà nước, nên vừa qua, quốc hội dù có truyền thống nhất trí 100% nhưng vẫn không thể thông qua dự luật “Cấm dùng rượu bia khi lái xe”.
7/ Trạm thu phí “thập diện mai phục” khắp nơi, có chỗ chỉ cách nhau mấy chục km. Cầu, đường hư thì thu để sửa. Sửa rồi thì thu để bảo trì. Hết bảo trì thì để dự trữ…Các trạm đều do doanh nghiệp đầu tư, được nhà nước và các lực lượng vũ trang bảo vệ nghiêm ngặt như công sở. Dù bị phản đối, cơ quan chủ quản vẫn đang tìm mọi cách biến các “trạm thu phí” thành “TRẠM THU GIÁ”.
8/ Cường quốc khẩu hiệu. Khẩu hiệu có mặt khắp nơi. Có những từ rất khó kiểm chứng như “đời đời”, “muôn năm” hoặc rất khó hiểu như “Nói không” với tiêu cực, tham nhũng. Không ai dám nói có, còn làm thì vô tư nên cứ “nói một đằng, làm một nẻo”. Nhiều khẩu hiệu phi lý như “Nhiệt liệt chào mừng ngày Thương binh Liệt sĩ”, “Nhiệt liệt chào mừng các đoàn đến viếng nghĩa trang liệt sĩ” (chả lẽ các liệt sĩ chào mừng), “Cấm không được xả rác” (nghĩa là phải xả rác)…
9/ Nhiệt tình nhất là đội ngũ ăn xin và bán hàng rong. Họ có mặt bất cứ chỗ nào có mua bán và khách du lịch; kiên trì đeo bám và sáng tạo nhiều hình thức hành nghề độc, lạ… Đội ngũ ăn xin là lực lương đa quốc gia, thi thoảng có cả khách du lịch nước ngoài. Số lượng cái bang ở Việt Nam chưa phải nhiều nhất nhưng nguy hiểm vì lắm khi ăn xin kèm móc túi, bán hàng rong kiêm dựt giọc, trấn lột.
10/ Nhiều hội đoàn nhất. Lứa tuổi nào, ngành nghề nào, cũng có hội đoàn riêng theo nhiệm vụ, chức năng, sở thích. Có người là thành viên của hàng chục hội đoàn. Vợ tôi là thành viên của các hội Thanh niên, Phụ nữ, Công đoàn, Cựu chiến binh, Chữ thập đỏ (nhà nước, được bao cấp) và các hội Phụ huynh, Chơi tem, Quần vợt, Ẩm thực, Du lịch, Xe cổ…(tự lập). Ai bảo Việt Nam không có quyền lập Hội?
11/ Hơn 8.000 lễ hội mỗi năm, chưa phải là nhiều nhất thế giới nhưng nội dung lễ hội thì vô địch. Cái gì cũng lễ hội được. Từ đâm trâu, chém lợn cho đến cồng chiêng, áo dài, thổ cẩm, trái cây, bánh dân gian… Thích là đặt tên theo ý mình. Có thứ chỉ là Lễ với nghi thức cúng tế riêng. Có loại chỉ là Hội với những trò vui. Lễ khác với Hội, Lễ hội càng khác. Mọi thứ cứ “tả pín lù” dù có quy chuẩn riêng.
12/ Giáo dục lạ lùng với mục đích đào tạo toàn diện. Sách giáo khoa mỗi năm mỗi thay dù không có gì mới. Trường công nhưng vẫn có học phí, dù rẻ mạt. Việt Nam cũng là dân tộc hiếu học nhất, đặc biệt là viên chức, vừa làm vừa học. Nhiều lãnh đạo mỗi năm lấy một bằng cử nhân. Các quan chức và Bộ trưởng Việt Nam cũng nhiều bằng nhất thế giới.
13/ Nhân dân được ưu ái nhất. Nhà nước là ''của dân, do dân và vì dân”. Mọi chuyện đều có “dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Quân đội thì “Vì nhân dân quên mình”. Công an thì “Vì nhân dân phục vụ”. Từ quân đội, công an, tòa án, viện kiểm soát, quốc hội, hội đồng, đài tiếng nói, đài truyền hình, báo, cho đến những danh hiệu cao quý nhất của nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ…đều của Nhân dân.
14/ Ẩm thực đa dạng và được xem là thế mạnh nhất của du lịch Việt Nam nhưng văn hóa ẩm thực thì kỳ cục. Đa phần các món ngon ở trong dân. Người Việt làm việc lề mề nhưng ăn uống rất nhanh. Các thói quen dùng đũa, muỗng riêng lấy thức ăn chung là nguồn gốc lây nhiễm bệnh tật. Đặc biệt thói quen “gắp đồ ăn cho khách” lậm vào trong quản lý lẫn kinh doanh rất tai hại.
15/ Hộ khẩu và chứng minh thư là những tài sàn đáng giá, là vật bất ly thân. Có thể cầm cố để vay mượn, thế chấp và cả mua bán. Vào khách sạn, người Việt phải nộp chứng minh thư (người nước ngoài thì hộ chiếu). Qua đêm nhà người quen, người thân cũng phải nộp chứng minh thư và trình báo tạm trú. Nửa đêm, thỉnh thoảng vẫn được kiểm tra hộ khẩu đột xuất.
16/ Cấm nghĩa là khuyến khích. Chỗ nào có bảng “cấm xả rác”, “cấm đái bậy”, “cấm buôn bán tụ tập”… y như rằng chỗ đó rác, nước tiểu và bán hàng rong nhiều nhất. Sách cấm bán càng chạy. Phim cấm càng nhiều người xem. Hình như người Việt thích dùng hàng cấm, kể cả quốc cấm như ma túy nhưng vẫn tràn lan? Dám đi vào đường cấm hoặc phạm luật thì oai hơn thiên hạ.
17/ Không có quốc phục và cách chào riêng dù tự hào có 4.000 năm lịch sử. Phụ nữ có áo dài dù chưa được công nhận, còn phụ nam chưa biết mặc gì. Chào thì mỗi người một phách. Người chào kiểu Mỹ (đưa tay lên cao). Người chào kiểu Nhật (cúi đầu). Người chào kiểu Ấn Độ (chấp tay trước ngực)… Cầu thủ chào sân thì giơ hai tay lên cứ như đầu hàng. Nghe đâu trước đây người Việt cũng có quốc phục và cách chào riêng.
18/ Phát ngôn thoải mái và thật lòng nhất là cán bộ lãnh đạo. Nghĩ sao thì nói vậy, không nhọc công suy nghĩ đắn đo hoặc dẫn chứng. Cũng không sợ ai bắt bẻ hay thắc mắc. Cứ nói năng theo trình độ và nhận thức của mình. Tin hay không là tùy người nghe. Chỉ tội các anh hùng bàn phím nhọc công suy diễn, cay cú châm chọc. Nghe đâu có cả luận án tiến sĩ về những phát ngôn độc, lạ của lãnh đạo.
19/ Ngôn ngữ khó nhất chính là tiếng Việt, không chỉ trúc trắc về ngữ pháp, chính tả mà còn là phương ngữ. Vùng nào nói vùng đó hiểu. Tiếng Việt không ngừng được làm giàu thêm từ nhưng nghèo thêm nghĩa bởi những thuật ngữ mới như phí = giá, đấm = hua tay, đá = giơ chân, trộm = cầm nhầm, quen = lạ (tàu lạ), đa số = một bộ phận không nhỏ, bị xô ngã = tự té…
20/ Dũng cảm nhất trong cuộc sống. Người Việt cực kỳ giỏi chịu đựng. Từ chuyện giao thông hỗn loạn, cướp giật đến ma túy lộng hành và môi trường bị ô nhiễm. Đặc biệt là vệ sinh thực phẩm nguy hiểm nhưng vẫn vô lo. Vợ tôi bảo “Có ai chết ngay đâu mà sợ. Chịu khó nhai kỹ hơn cho vi trùng chết bớt hoặc bị xây xẩm là được”. Theo tôi Việt Nam là dân tộc dũng cảm nhất vì dám ướp xác từ khi mình còn sống.
TANG LENG (SINGAPORE).