Việt Nam nỗ lực đảm bảo an toàn giao thông

Tiếp nối tinh thần hợp tác Việt Nam – EU, ngày 8 – 9/4, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đồng chủ trì hội thảo Tọa đàm Việt Nam – Châu Âu về An toàn giao thông.

Tọa đàm Việt Nam - Châu Âu về An toàn giao thông được tổ chức với mục đích chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm, thông tin tin cậy về chính sách, công nghệ, và các biện pháp quản lý và thực hành chính sách an toàn giao thông đường bộ.

Ngành giao thông vận tải (GTVT) là động lực quan trọng của quá trình phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc của Việt Nam trong 30 năm qua, góp phần quan trọng trong việc kiến tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động kinh tế một cách hiệu quả. Tuy nhiên, do số lượng phương tiện ngày càng gia tăng ở mức báo động, vấn đề an toàn giao thông đường bộ ngày càng phải được chú trọng để đảm bảo ngành GTVT phát triển một cách bền vững và góp phần quan trọng vào chất lượng cuộc sống của người dân. Chính phủ Việt Nam đã và đang dành nhiều nỗ lực để cải thiện tình hình an toàn giao thông (ATGT) và châu Âu là một đối tác thân thiết trong nỗ lực này.

Trong buổi tọa đàm Việt Nam – châu Âu về An toàn giao thông, ông Trần Hữu Ninh, đại diện Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết, tính đến tháng 10, Việt Nam có tổng cộng 4,6 triệu xe ô tô và 72 triệu xe máy đã đăng ký. Mật độ phương tiện giao thông rơi vào khoảng 0,3 km/km2 và 1,12km/1000 người. Với tốc độ gia tăng nhanh chóng về số lượng các phương tiện tham gia giao thông, tỷ lệ tai nạn giao thông ở Việt Nam luôn ở mức cao, gây nhiều thiệt hại về kinh tế. Theo tính toán, năm 2016, tổng thiệt hại do tai nạn giao thông đường bộ gây là là 88,94 tỷ đồng.

Nhằm giảm thiểu số tai nạn giao thông, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nghị quyết 88/NQ-CP năm 2011 với các quy định để kiểm soát lái xe say rượu, buộc người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm, giáo dục an toàn giao thông tại trường học,… Năm 2020 đánh dấu nhiều chính sách mới thể hiện nỗ lực của chính phủ trong kiểm soát an toàn giao thông mới và đã phát huy hiệu quả.

Ông Guru Mallikarjuna – Tổng giám đốc của Bosch Việt Nam – kiến nghị: “Việt Nam cần phải phát triển công nghệ để đảm bảo an toàn giao thông.” Ông cho biết, hệ thống chống bó phanh ABS đã góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông từ 26 – 28% và giảm thiểu mức độ thương vong từ 12 – 15%. Hệ thống ABS là hệ thống giúp tăng độ ổn định của phương tiện và đảm bảo an toàn khi lái xe, giúp lái xe giảm nguy cơ bị ngã văng khỏi xe.

Ông Trần Hữu Ninh cho biết, trong Kế hoạch An toàn giao thông quốc gia tầm nhìn 2030, Chính phủ hướng đến 4 mục tiêu: đường an toàn, tốc độ an toàn, phương tiện an toàn và con người an toàn. Để thực hiện được mục tiêu này, Việt Nam sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp: giáo dục tuyên truyền, đổi mới, cải thiến các tiêu chuẩn, hợp tác, đẩy mảnh phân tích số liệu nghiên cứu và đánh giá, quy tắc giao thông và cưỡng chế, cấp giấy phép lái xe và đăng ký phương tiện,…

Thu Thủy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-no-luc-dam-bao-an-toan-giao-thong-155004.html