Việt Nam nỗ lực tham gia thúc đẩy văn hóa hòa bình vì công lý, bình đẳng
Chúng ta đang sống trong một thời đại tương đối hòa bình so với lịch sử đầy biến động, nhưng điều đó không có nghĩa là không có xung đột. Phấn đấu vì một thế giới hòa bình vẫn là thách thức, đòi hỏi nỗ lực của tất cả các nước, trong đó có Việt Nam.
Chiến tranh và xung đột vẫn còn hiện hữu
Mới đây, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Diễn đàn cấp cao về chủ đề “Văn hóa hòa bình: tầm quan trọng của công lý, bình đẳng và sự bao trùm đối với thúc đẩy xây dựng hòa bình”. Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Abdullah Shahid cho rằng, đại dịch Covid-19, xung đột kéo dài tại nhiều khu vực trên thế giới đã làm trầm trọng thêm tình trạng phân biệt đối xử và không khoan dung, khiến tình trạng bất ổn và nghèo đói diễn biến phức tạp hơn.
Bản đồ sử dụng dữ liệu của Hội đồng quan hệ đối ngoại, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên về chính sách đối ngoại và các vấn đề quốc tế của Mỹ, cho thấy có ít nhất 27 mối xung đột đang hiện hữu trong thế giới đương đại. Hầu hết các cuộc xung đột này tập trung ở châu Á, châu Phi. Còn theo LHQ, những nguyên nhân phổ biến nhất của xung đột hiện nay là: căng thẳng khu vực; sự phá vỡ pháp quyền; tình trạng vô chính phủ; thu lợi bất chính về kinh tế; sự khan hiếm tài nguyên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.
Đi vào cụ thể, đó là các cuộc nội chiến ở Nam Sudan, Yemen, Lybia, Syria, Afghanistan, Iraq; bạo lực hình sự ở Mexico; đối đầu giữa Mỹ và Iran, Ấn Độ và Pakistan, Mỹ và Triều Tiên; bất ổn chính trị tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Ai Cập, Lebanon, Venezuela, Ethiopia; trang chấp lãnh thổ ở Nagorno-Karabakh, Ukraine, Palestine và Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và nhóm người Kurd có vũ trang, Biển Đông, Biển Hoa Đông; các xung đột liên quan đến khủng bố…
Mặc dù số người chết vì bạo lực và chiến tranh đã giảm dần theo thời gian nhưng theo Dự án dữ liệu sự kiện và vị trí xung đột vũ trang, chỉ riêng trong quý II-2021, trên toàn thế giới, bạo lực đối với dân thường đã cướp đi sinh mạng của hơn 5.000 người; số người chết liên quan đến các cuộc chiến lên tới hơn 18.000 người; chất nổ/bạo lực từ xa làm hơn 4.000 người chết; các cuộc bạo loạn khiến hơn 600 người thiệt mạng. Trong khi đó, nhiều quốc gia tiếp tục xây dựng quân đội và chi những khoản tiền khổng lồ cho quân sự và quốc phòng.
Điều đó cho thấy chiến tranh và xung đột trong thế kỷ 21 vẫn còn hiện hữu và ảnh hưởng đến hàng triệu người. Chính vì thế, ngày 13-9-1999, Đại hội đồng LHQ đã thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết 53/243 do Bangladesh chủ trì soạn thảo về Tuyên bố và Chương trình hành động về Văn hóa hòa bình, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy văn hóa hòa bình, phi bạo lực và quyết định năm 2000 là “Năm quốc tế về Văn hóa hòa bình”. Đại hội đồng LHQ cũng thiết lập đề mục về Văn hóa hòa bình và thảo luận thường niên về các chủ đề khác nhau liên quan đến xây dựng và duy trì hòa bình.
Trong bối cảnh đó, Diễn đàn cấp cao về chủ đề “Văn hóa hòa bình: tầm quan trọng của công lý, bình đẳng và sự bao trùm đối với thúc đẩy xây dựng hòa bình”. Tại diễn đàn, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Abdullah Shahid và các diễn giả đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực thúc đẩy xây dựng và duy trì hòa bình bền vững, giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột cũng như thúc đẩy xây dựng các xã hội hài hòa và bao trùm, trong đó không ai bị bỏ lại phía sau. Nhiều phát biểu cũng ghi nhận vai trò và đóng góp của Ủy ban Xây dựng hòa bình LHQ, kêu gọi tăng cường bảo đảm nguồn lực cho các nỗ lực xây dựng và duy trì hòa bình.
Việt Nam tích cực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ
Tham gia diễn đàn, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, đã chia sẻ tầm quan trọng của việc thúc đẩy văn hóa hòa bình và phi bạo lực trên thế giới. Đại sứ nhấn mạnh là một nước trải qua chiến tranh để bảo vệ độc lập, chủ quyền, Việt Nam đặc biệt trân trọng giá trị của hòa bình, ổn định.
Văn hóa hòa bình của Việt Nam được thể hiện rõ nét trong tư tưởng Hồ Chí Minh khi Người nhấn mạnh: “Tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau. Ấy là dân nào cũng ưa sự lành và ghét sự dữ”. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, Người luôn kiên định theo đuổi tư tưởng này.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa hòa bình phải là hòa bình chân chính trong độc lập, tự do. Hòa bình không có nghĩa là đầu hàng, nhân nhượng trong những vấn đề thuộc về nguyên tắc. Hòa bình trước hết phải đi liền với độc lập dân tộc, là chân lý, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, các thế hệ người Việt Nam đã nỗ lực xây dựng nền tảng cho hòa bình, thông qua việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị, sự hòa hợp và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia. Việt Nam cũng luôn thúc đẩy giải quyết các xung đột và tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ và thực hiện luật pháp quốc tế.
Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, lực lượng quân đội và công an nhân dân Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, đạt được nhiều kết quả tích cực, được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nước ủng hộ và cộng đồng quốc tế, LHQ đánh giá cao.
Từ năm 1993, Việt Nam bắt đầu tham gia đóng góp kinh phí cho hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Từ năm 2005, Việt Nam đã tiến hành cử các đoàn công tác liên ngành đi tham quan, nghiên cứu và cử cán bộ tham gia các khóa tập huấn quốc tế về gìn giữ hòa bình để chuẩn bị triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ.
Ngày 27-5-2014, 2 sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên đã lên đường đi làm nhiệm vụ sĩ quan liên lạc tại Phái bộ LHQ tại Nam Sudan, đánh dấu sự tham gia chính thức của Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ. Tháng 8-2022, 4 sĩ quan Công an đầu tiên đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ tại Bộ phận cảnh sát, Cục Hoạt động hòa bình, Ban Thư ký LHQ tại New York và trực tiếp công tác tại phái bộ Nam Sudan.
Tới nay, Việt Nam đã cử trên 250 cán bộ, y, bác sĩ của các Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, số 2, số 3 và số 4 đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan. Không những được đánh giá cao về chuyên môn cũng như hiệu quả của các chương trình quân - dân kết hợp triển khai tại địa bàn phái bộ, các đội hình này đều có tỷ lệ nữ quân nhân đáp ứng yêu cầu của Liên hợp quốc.
Đặc biệt, sau nhiều năm chuẩn bị kỹ lưỡng, ngày 17-11-2021, Việt Nam chính thức ra mắt Đội Công binh số 1. Đây là lần đầu tiên Việt Nam cử Đội Công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, cũng là lần triển khai đội hình đơn vị tham gia gìn giữ hòa bình LHQ với quân số lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam, gồm 184 quân nhân (trong đó có 21 nữ).