Việt Nam nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ thông qua hệ thống pháp luật

Trong 30 năm kể từ Tuyên bố Hành động Bắc Kinh, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc xây dựng và thực thi chính sách pháp luật về bình đẳng giới. Chia sẻ với Báo Pháp luật Việt Nam, bà Phan Thị Hồng Hà, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp), cho biết Bộ Tư pháp đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và nâng cao vị thế cán bộ nữ, đặc biệt trong ngành tư pháp.

Bà Phan Thị Hồng Hà, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp).

Bà Phan Thị Hồng Hà, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp).

Thưa bà Phan Thị Hồng Hà, trong 30 năm qua kể từ Tuyên bố Hành động Bắc Kinh, bà đánh giá thế nào về những thành tựu và hạn chế của Bộ Tư pháp trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thông qua pháp luật?

- Trong 30 năm qua, Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc kinh đã được triển khai thực hiện tại Việt Nam với sự quyết tâm và cộng đồng trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và đạt được nhiều thành tựu nổi bật, trong đó có thành tựu thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng cho phụ nữ Việt Nam thông qua hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Trong những nỗ lực và thành tựu đó, với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật và các lĩnh vực tư pháp, Bộ Tư pháp, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp và nỗ lực thực thi nhiệm vụ của từng công chức, viên chức, đã có đóng góp tích cực trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật để thúc đẩy bình đẳng giới, mang lại nhiều lợi ích hợp pháp cho phụ nữ Việt Nam, trong đó nổi bật là:

Sau khi Luật Bình đẳng giới được ban hành vào năm 2006, Bộ Tư pháp đã được giao chủ trì soạn thảo ba Nghị định quan trọng: Nghị định số 70/2008/NĐ-CP, Nghị định số 48/2009/NĐ-CP, Nghị định số 55/2009/NĐ-CP. Đây là những đóng góp trực tiếp vào việc hoàn thiện thể chế về bình đẳng giới và góp phần quan trọng để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Bình đẳng giới.

Chúng tôi cũng chủ trì ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó tích hợp quy trình lồng ghép giới vào các khâu của quá trình xây dựng pháp luật. Điển hình là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi vào năm 2020, và Thông tư số 17/2014/TT-BTP quy định về lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định, thẩm tra phải tuân thủ thực hiện nghiêm túc, nhờ đó, chất lượng lồng ghép vấn đề bình đẳng giới ngày càng được nâng cao.

Nhiều văn bản hết sức quan trọng của hệ thống pháp luật Việt Nam liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ như: Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật lao động, Luật Đất đai, Luật Quốc tịch, Luật Hôn nhân và gia đình… đã được lồng ghép các yếu tố giới, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em, phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là Tuyên bố Hành động Bắc Kinh.

Bộ Tư pháp cũng tham gia tích cực vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật về giới và bình đẳng giới theo nhiều hình thức, nhất là các các chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em gái.

Trong công tác trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp đã tham mưu ban hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và 2017, theo đó có nhiều nhóm đối tượng được Nhà nước trợ giúp pháp lý miễn phí và đều bao phủ nhóm phụ nữ và trẻ em. Trong tổng số vụ việc trợ giúp pháp lý đã giải quyết, hằng năm có khoảng 40% các vụ việc trợ giúp pháp lý là liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Bộ Tư pháp cũng ban hành Thông tư số 11/2014/TT-BTP quy định về các biện pháp đảm bảo bình đẳng giới trong hoạt động trợ giúp pháp lý để thúc đẩy lồng ghép giới trong công tác này.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng tích cực hợp tác quốc tế, chủ trì, tham gia quá trình nội luật hóa các quy định của Công ước CEDAW về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; xây dựng các Báo cáo định kỳ quốc gia về tình hình thực hiện Công ước CEDAW, Báo cáo so sánh, đánh giá tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam với Công ước CEDAW và các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập... từ đó đề xuất phương hướng phát triển, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và các thiết chế pháp lý - xã hội để tạo lập, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ.

Những chính sách pháp luật của Việt Nam đã góp phần như thế nào vào việc bảo vệ và nâng cao quyền của phụ nữ tại Bộ Tư pháp, thưa bà?

- Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới, thể hiện trong các văn kiện đại hội đảng qua các thời kỳ và nhiều văn bản, nghị quyết của Đảng, hệ thống pháp luật của Nhà nước.

Đối với công chức của Bộ, ngành tư pháp, xuất phát từ đặc thù công chức hành chính thì có thể nói các chính sách của Đảng về công tác cán bộ nữ và pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức có tác động trực tiếp và góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và nâng cao quyền của công chức nữ Bộ, ngành Tư pháp trong công tác quản lý nhà nước.

Trong đó, văn bản của Đảng phải kể đến là Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong công tác cán bộ nữ, yêu cầu các cơ quan, tổ chức phải phấn đấu, tổ chức thực hiện để xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ. Văn bản pháp luật thì trực tiếp là hệ thống pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức như Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010, Luật sửa đổi năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các văn bản này đã lồng ghép yếu tố vấn đề bình đẳng giới, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức nữ, đồng thời tạo điều kiện cho họ phát triển và đóng góp vào công tác quản lý nhà nước và các công việc của đất nước.

Trong các quy định của Đảng, pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức hiện nay chúng ta thấy quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm không có sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ. Trong công tác quy hoạch cán bộ, có quy định cụ thể về chỉ tiêu quy hoạch đối với cán bộ nữ như Quy định số 50-QĐ/TW của Bộ Chính trị yêu cầu phấn đấu đạt tỷ lệ 25% cán bộ nữ trong quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Cán bộ, công chức, viên chức nữ khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng được hưởng các chính sách, chế độ theo quy định của pháp luật về bình đẳng giới, được hỗ trợ tiền, tạo điều kiện về nơi ở, nơi gửi trẻ, trường mầm non…

Đối với Bộ Tư pháp, công tác bình đẳng giới được Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ quan tâm lãnh đạo thực hiện thông qua việc thành lập các Ban VSTBPN của ngành Tư pháp và tại các cơ quan, đơn vị trong Ngành; hoàn thiện các quy định nội bộ để xây dựng, phát triển đội ngũ công chức, viên chức nữ theo chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Hiện nay, về vị trí lãnh đạo, Bộ Tư pháp luôn có một Thứ trưởng là nữ và hơn 40% công chức, viên chức nữ giữ các vị trí lãnh đạo cấp vụ, hơn 50% lãnh đạo cấp phòng, và trong các tổ chức đoàn thể tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo còn cao hơn. Tỷ lệ công chức, viên chức nữ trong Bộ Tư pháp hiện nay chiếm tỷ lệ tương đối cao với khoảng 67% và trong hệ thống thi hành án dân sự là 49,95%.

Mặc dù công việc ngành tư pháp rất nặng nề và áp lực, nhưng chị em phụ nữ vẫn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời đảm đương trách nhiệm gia đình. Ban lãnh đạo Bộ Tư pháp luôn quan tâm tạo điều kiện cho chị em phụ nữ, giúp họ ngày càng khẳng định vị trí và năng lực của mình. Điều này đã đóng góp quan trọng vào sự thành công và thắng lợi trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ Tư pháp.

Phụ nữ là cán bộ trong ngành tư pháp, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa, đang gặp phải những khó khăn gì trong việc tiếp cận và thực thi quyền bình đẳng giới?

- Chủ trương, chính sách của Đảng về bình đẳng giới đã rất rõ ràng, đầy đủ; hệ thống pháp luật liên quan đến bình đẳng giới cũng tương đối đầy đủ. Bộ Tư pháp cũng ban hành các quy định để tạo cơ hội tối đa cho cán bộ, công chức, viên chức nữ, kể cả ở các vùng sâu, vùng xa tiếp cận, hiểu rõ quyền của mình, từ đó tham gia và phát huy năng lực của mình trong các vị trí công tác.

Tuy nhiên, phụ nữ vùng sâu, vùng xa sẽ thiệt thòi hơn do những khó khăn về địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội và tư duy lạc hậu ở một số vùng, miền nên số lượng, tỷ lệ nữ tham gia công việc của ngành Tư pháp, các chức vụ lãnh đạo, quản lý không cao. Hiện nay, khó khăn lớn nhất mà phụ nữ phải đối mặt vẫn là định kiến xã hội về giới; bên cạnh đó, một bộ phận chị em phụ nữ cũng còn tự ti, an phận, ngại xông pha vào những công việc có nhiều thách thức dù là số lượng này ngày càng giảm. Trách nhiệm với gia đình, con cái cũng là rào cản trong việc thực hiện các quyền của phụ nữ như tham gia các khóa đào tạo dài hạn hoặc học tập ở nước ngoài, đi công tác địa phương…

Ngoài ra, khối lượng công việc hiện nay ngày càng tăng, áp lực công việc lớn, trong khi phụ nữ vẫn phải đảm nhiệm trách nhiệm gia đình nhiều hơn nam giới, đặc biệt là trong việc chăm sóc con cái, điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ chị em để vừa hoàn thành nhiệm vụ công tác, vừa lo cho gia đình, và đôi khi đó là một thách thức không nhỏ.

Vậy thưa bà, những kế hoạch và sáng kiến mới của Bộ Tư pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ trong thời gian tới là gì?

- Công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ của Bộ Tư pháp được tổ chức thực hiện nề nếp, hiệu quả trong suốt nhiều năm qua. Trong từng giai đoạn, Bộ Tư pháp đều ban hành Kế hoạch hành động để thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Từ năm 2011 đến nay, đã có 3 Kế hoạch được ban hành và gần đây nhất là Kế hoạch được ban hành năm 2021 để triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Kế hoạch này đặt ra các mục tiêu quan trọng như lồng ghép giới trong xây dựng và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến bình đẳng giới; thực hiện trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và các đối tượng yếu thế; nâng cao vị trí lãnh đạo quản lý của cán bộ công chức nữ, và đảm bảo quyền tiếp cận các chính sách về bảo vệ sức khỏe, đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức nữ, bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu quốc gia đã được xác định, đặc biệt các mục tiêu về tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 2282/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Để đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu bình đẳng giới, Bộ Tư pháp xác định một số giải pháp quan trọng cần thực hiện. Trước hết là phải tập trung vào việc nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ công chức, viên chức nữ và ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bình đẳng giới và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và người đứng đầu trong công tác này; thường xuyên tổ chức hội nghị, tập huấn để quán triệt các văn bản, nghị quyết về bình đẳng giới, giúp các đơn vị hiểu sâu và thực hiện đúng.

Tiếp theo là các cơ quan, đơn vị cần có chương trình, kế hoạch cụ thể, xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bài bản, đạt chất lượng, hiệu quả và chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, vừa hỗ trợ các đơn vị thực hiện vừa phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao chất lượng thực hiện. Bên cạnh đó, đào tạo và bồi dưỡng về công tác bình đẳng giới cũng được xác định là một giải pháp quan trọng để các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức hiểu rõ trách nhiệm, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện.

Đặc biệt, chúng tôi sẽ chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bình đẳng giới để lan tỏa và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này. Năm 2021, trong khuôn khổ dự án Tăng cường tư pháp và pháp luật tại Việt Nam (EU JULE) do Liên Minh Châu Âu tài trợ và sự hỗ trợ trực tiếp của UNICEF Việt Nam, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Tư pháp đã xây dựng được bộ Tài liệu điện tử hướng dẫn lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới với 10 bài giảng.

Đây là sáng kiến tích cực và nỗ lực bền bỉ của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Tư pháp để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả lồng ghép giới vào các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp. Tài liệu tập huấn này đã được đưa lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để công chức, viên chức ngành Tư pháp nói riêng và bất cứ ai có nhu cầu đều có thể tiếp cận, tham gia và được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành nội dung khóa học. Chương trình, tài liệu đã thu hút được hơn 2.200 lượt tham gia học tập trực tuyến và đều có phản hồi tích cực, giúp lan tỏa và nâng cao kiến thức, kỹ năng lồng ghép giới trong một số lĩnh vực công tác tư pháp.

Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự phối hợp chặt chẽ và tinh thần trách nhiệm của tất cả các cơ quan, đơn vị, những giải pháp này sẽ giúp thực hiện hiệu quả các mục tiêu về bình đẳng giới trong thời gian tới.

Trân trọng cảm ơn bà!

Bài viết được thực hiện dưới sự hợp tác giữa Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) với Báo Pháp luật Việt Nam nhằm thảo luận thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, một trong những văn kiện quan trọng nhất của thế giới về quyền của phụ nữ được thông qua tại Hội nghị phụ nữ thế giới lần thứ 4 năm 1995.

Thanh Hà

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/viet-nam-no-luc-thuc-day-binh-dang-gioi-va-su-tien-bo-cua-phu-nu-thong-qua-he-thong-phap-luat-post527818.html