Việt Nam phải chủ động được nguồn nước ngọt cho 115 - 120 triệu dân

Mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam phải chủ động được nguồn nước ngọt đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước, đáp ứng nước sinh hoạt cho 115 - 120 triệu dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề, chúng ta "thuận thiên", sống chung với ngập lụt hay ngăn chặn bằng hệ thống đê, kè là vấn đề cần được trả lời

Tại Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập” sáng 17/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, nguy cơ mất an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập của Việt Nam là hiện hữu trong cả hiện tại và tương lai.

Hiện Việt Nam có 3.450 con sông, suối lớn nhỏ, với chiều dài từ 10km trở lên, tổng lượng nước mặt trung bình hàng năm hiện nay khoảng 830 tỷ m3 nhưng 63% nguồn nước mặt tạo ra bởi các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ.

Trong đó có 2 con sông lớn là sông Cửu Long thì 90% lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam, sông Hồng là trên 50%.

Do đó, chúng ta gặp khó khăn trong việc chủ động quản lý, khai thác nguồn nước như tổng lượng dòng chảy, chế độ dòng chảy, nguồn phù sa, nguồn lợi thủy sản tự nhiên… chưa kể đến việc ứng xử của một số quốc gia ở thượng nguồn làm ảnh hưởng đến nguồn nước chảy vào Việt Nam.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, một kịch bản xấu có thể xảy ra đến năm 2050 nước biển dâng cho toàn dải ven biển Việt Nam từ 21 - 25 cm và đến năm 2100 từ 44 - 73 cm (chưa kể nước dâng do bão, thủy triều ven bờ, do sụt lún đất vì khai thác nước ngầm quá mức), có thể làm cho 10% đồng bằng sông Hồng, 15% đồng bằng sông Cửu Long, 14% TP Hồ Chí Minh, 20-30% của diện tích tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hậu Giang, Cà Mau cuối thế kỷ này bị ngập nước, ảnh hưởng đến khoảng 20 triệu người dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu vấn đề, chúng ta "thuận thiên", sống chung với ngập lụt, nước biển dâng hay chúng ta ngăn chặn, giữ đất bằng hệ thống đê, kè như Hà Lan là một vấn đề cần được trả lời.

Một vấn đề rất đáng quan tâm, mặc dù thiếu nước nhưng hiệu quả sử dụng nước của chúng ta đem lại cho tăng trưởng GDP là rất thấp, mỗi m3 nước mới chỉ tạo ra 2,37 USD GDP, bằng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD GDP.

Do sự phát triển của nền kinh tế với tốc độ bình quân 7% trong gần 35 năm đổi mới và tốc độ đô thị hóa rất cao từ 38-40%, dân số tăng nhanh chóng đạt 96 triệu người đã làm gia tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước…

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định: Trước những phân tích trên, chúng ta cần phải đặt ra mục tiêu, phương châm chỉ đạo và các giải pháp để có thể giải quyết được các vấn đề đặt ra; đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, xử lý được các vấn đề lâu dài do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm ngập mặn và thiếu nước ngọt cho cả hiện tại và tương lai.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị phải đặt ra mục tiêu đến năm 2045 (tức là 5 kế hoạch 5 năm) khi chúng ta trở thành một nước công nghiệp có trình độ phát triển trung bình thì phải chủ động được nguồn nước ngọt đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước; đảm bảo chủ động tưới tiêu khoa học, hiện đại cho 100% diện tích canh tác; đủ nước cho công nghiệp và dịch vụ; đáp ứng nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn cho 115 - 120 triệu dân trong tương lai...

Với mục tiêu lớn đặt ra như vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ sớm xây dựng đề án phát triển và đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 trình Quốc hội xem xét sớm nhất.

Trên cơ sở đó có thể xây dựng một Chương trình mục tiêu quốc gia về đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập; bố trí nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để bước đầu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn đầu của chiến lược dài hạn.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viet-nam-phai-chu-dong-duoc-nguon-nuoc-ngot-cho-115--120-trieu-dan-post91895.html