Việt Nam phấn đấu để người dân được tiếp cận với vắc xin Covid-19 sớm nhất
Đó là khẳng định của đại diện Bộ Y tế tại hội thảo triển khai nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vắc xin Covid-19 tại Việt Nam do Bộ Y tế tổ chức ngày 22-7.
Toàn cảnh hội thảo.
Hiện trên toàn cầu có 24 loại vắc xin tiến tới thử nghiệm giai đoạn 3. Cả thế giới đều đang rất nỗ lực để sớm có được vắc xin Covid-19. Còn tại Việt Nam cũng đã có 4 nhà sản xuất, gồm: Vabiotech, Polyvac, Ivac và Nanogen đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển vắc xin Covid-19 và bước đầu cho kết quả khả quan, cố gắng cuối năm nay sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, tính đến thời điểm này, đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại, chưa có nước nào ngăn chặn thành công. Đây cũng là bài toán thách thức lớn với toàn nhân loại.
Chính vì vậy, việc sản xuất vắc xin Covid-19 hiện là ưu tiên của tất cả các quốc gia, viện nghiên cứu, nhà sản xuất.
Tại Việt Nam, tính đến sáng nay (22-7) đã ghi nhận 401 ca mắc Covid-19, chủ yếu những ca mắc gần đây là ca bệnh xâm nhập. Như vậy, nước ta đã qua 97 ngày không phát hiện trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.
"Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Việt Nam được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Thế nhưng, nếu không có vắc xin thì việc giao lưu đi lại, thương mại với các nước trên thế giới và cuộc sống không trở về bình thường. Do đó, Việt Nam cần sớm có vắc xin Covid-19", quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói.
Đồng chí Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin tập trung triển khai để sớm có vắc xin Covid-19. Về vấn đề cấp phép và thử nghiệm lâm sàng, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị rút ngắn tất cả các quy trình, vừa bảo đảm được chất lượng, vừa sớm có vắc xin để người dân Việt Nam được tiếp cận, sử dụng vắc xin sớm nhất, dù ở trong nước tự sản xuất hay tiếp cận từ nước ngoài.
Theo Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) Nguyễn Ngô Quang, Việt Nam đang xây dựng dự thảo đẩy nhanh quá trình thẩm định, cấp phép đăng ký sử dụng vắc xin Covid-19 để năm 2021 có thể có vắc xin. Bộ Y tế sẽ đề xuất rút ngắn thời gian các quy trình: Nghiên cứu sản xuất; kiểm định; thử nghiệm lâm sàng, cấp phép lưu hành; theo dõi sử dụng vắc xin.
"Dù rút ngắn thời gian nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng vắc xin, tăng miễn dịch đối với người sử dụng", đồng chí Nguyễn Ngô Quang nhấn mạnh.