Việt Nam phấn đấu trở thành điểm trung chuyển hàng hóa ASEAN và Trung Quốc
Với ưu thế gần gũi về địa lý, Việt Nam có nhiều điều kiện trở thành điểm trung chuyển hàng hóa, mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng giữa ASEAN và Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh quan hệ kinh tế ASEAN - Trung Quốc phát triển mạnh mẽ.
Thương mại ASEAN - Trung Quốc phấn đấu vượt mức 1.000 tỷ USD
Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) lần thứ 20 tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng cần tăng cường kết nối hạ tầng giao thông, phối hợp các hình thức giao thông vận tải nhất là đường sắt và đường bộ; lan tỏa và kết nối rộng hơn giữa Trung Quốc với các nước ASEAN, cũng như thông qua Trung Quốc để đưa hàng hóa của ASEAN đến với châu Âu, Trung Á…
20 năm qua là giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đầy ấn tượng của kinh tế Trung Quốc. Với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới liên tục trong nhiều năm, kinh tế Trung Quốc đã chiếm trên 19% GDP toàn cầu; xuất khẩu hàng hóa chiếm trên 15% tổng sản lượng toàn cầu; đóng góp tới 38,6% cho tăng trưởng toàn cầu, trở thành động lực ổn định và dẫn dắt kinh tế thế giới, nơi khởi tạo của nhiều sáng kiến liên kết khu vực và toàn cầu quan trọng.
Với ASEAN, đây cũng là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của khối. Không chỉ gắn kết, liên kết về nội khối, ASEAN còn tích cực mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài, trở thành một đối tác quan trọng của các nước lớn trong và ngoài khu vực. Trên cơ sở quan hệ đối ngoại rộng mở bao gồm 10 đối tác đối thoại, trong đó có tất cả các nước lớn, tiếng nói ASEAN được lắng nghe và vai trò trung tâm của ASEAN ngày càng được củng cố.
Về hợp tác kinh tế ASEAN - Trung Quốc, 20 năm qua chứng kiến những bước tiến vượt bậc. Thương mại song phương từ mức chỉ 78,2 tỷ USD năm 2003 đến nay tăng 13 lần đạt 975,6 tỷ USD vào năm 2022. Riêng trong bảy tháng đầu năm 2023, Trung Quốc và ASEAN tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của nhau, với trao đổi thương mại đạt 3.590 tỷ nhân dân tệ, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn 2,4 điểm phần trăm so với mức tăng tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với thế giới (0,4%).
Hiện trao đổi thương mại với ASEAN chiếm 15,3% trong tổng giá trị ngoại thương của Trung Quốc. Thương mại giữa hai bên có vai trò trụ cột trong cơ cấu ngoại thương của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong khoảng ba năm qua, ASEAN liên tục vượt Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, giữ vững vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, khoảng cách về quy mô trao đổi thương mại cũng ngày càng lớn so với EU và Mỹ. Trong các quốc gia ASEAN, Việt Nam, Malaysia và Indonesia lần lượt là ba đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 26 diễn ra đầu tháng 9 tại Jakarta, Indonesia, hai bên đã nhất trí làm sâu sắc hơn Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Trung Quốc, đồng thời nỗ lực vì sự phát triển bền vững thịnh vượng chung của khu vực thông qua hợp tác cùng có lợi nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và vì lợi ích sinh kế của người dân. Trong lĩnh vực kinh tế, hai bên nhất trí thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, thực hiện Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về hợp tác hỗ trợ Khung phục hồi toàn diện ASEAN và Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về tăng cường phát triển chung và bền vững, hỗ trợ phục hồi khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực phục hồi chậm, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa ASEAN và Trung Quốc có vai trò quan trọng trong việc phục hồi nền kinh tế toàn cầu. Hiện hợp tác kinh tế Trung Quốc - ASEAN đang chuyển từ triển khai theo chiều rộng sang nâng cấp về chất lượng và hiệu quả. Hai bên đang nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ thương mại song phương phát triển cân bằng, bền vững, phấn đấu đưa ASEAN trở thành đối tác thương mại đầu tiên của Trung Quốc vượt mức 1.000 tỷ USD.
Mắt xích trong chuỗi cung ứng giữa ASEAN và Trung Quốc.
Với Việt Nam, sự gần gũi về địa lý với Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc định hình mối quan hệ của đôi bên và tạo điều kiện cho các tương tác, trao đổi và hợp tác thường xuyên diễn ra ở nhiều cấp độ khác nhau, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 175,56 tỷ USD. Trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 105,5 tỷ USD; đầu tư của Trung Quốc đạt gần 1,3 tỷ USD với 399 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 2 tại Việt Nam. Lũy kế đến 20-8-2023, Trung Quốc duy trì vị trí thứ 6/143 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 3.949 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt hơn 25,8 tỷ USD.
Không những thế, vị trí này của Việt Nam còn tạo điều kiện và cho phép người dân, hàng hóa và các sáng kiến có thể di chuyển và trao đổi dễ dàng giữa các thành viên ASEAN và Trung Quốc. Biên giới chung trên bộ, các tuyến hàng hải đã và đang tạo ra một môi trường thuận lợi cho hợp tác bền vững. Trong khi đó, tỉnh Quảng Tây sát với Việt Nam lại được Chính phủ Trung Quốc đã xác lập là “cửa ngõ hướng ra ASEAN của Trung Quốc”. Ưu thế này giúp cho Việt Nam có thể trở thành điểm trung chuyển hàng hóa, mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng giữa ASEAN và Trung Quốc.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, các địa phương sát biên giới với Trung Quốc đang nỗ lực triển khai các biện pháp cụ thể. Là điểm khởi đầu của vành đai kinh tế ven biển Bắc bộ gắn với khu hợp tác kinh tế Vịnh Bắc bộ mở rộng của Trung Quốc, Quảng Ninh nổi bật với vai trò trạm trung chuyển quốc tế cùng nhiều cơ hội phát triển thương mại, du lịch và lưu thông hàng hóa quốc tế. Đặc biệt, Móng Cái được Chính phủ xác định là một trung tâm phát triển kinh tế của vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc bộ gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, giao thông quốc tế và thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng.
Quảng Ninh đã đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng Khu hợp tác kinh tế biên giới Móng Cái trở thành điểm sáng trong hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế, thương mại biên giới phát triển. Đây chắc chắn là động lực để Móng Cái trở thành một trong những trung tâm đầu mối trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa ASEAN - Trung Quốc, một cơ hội rất thuận lợi cho Quảng Ninh đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Quảng Tây và với các tỉnh khác của Trung Quốc.
Với Lào Cai, tỉnh đang hoàn thiện đề án “Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc” để trình Chính phủ trong năm nay. Mục tiêu là đến năm 2030, hình thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc về thương mại, dịch vụ, du lịch, đồng thời tạo điều kiện cho công nghiệp của vùng trung du và miền núi phía Bắc có khả năng gắn kết được với các địa phương trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Điều này sẽ góp phần giúp Lào Cai duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khoảng 10,5%/năm trong giai đoạn 2021-2030; đến năm 2025, tổng giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đạt trên 10 tỷ USD, đến năm 2030, đạt trên 15 tỷ USD.