Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trên Biển Đông

Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam, được xác định theo Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Hôm 27/4, hải cảnh Trung Quốc tuyên bố sẽ "theo dõi" để "đảm bảo thực thi" lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè bắt đầu từ 1/5.

Theo Tân Hoa xã, lệnh cấm đánh bắt cá này bắt đầu có hiệu lực từ 1/5 và "hành động thực thi" sẽ kéo dài đến 16/9, áp dụng tại khu vực biển Bột Hải, biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông và vùng biển phía Bắc vĩ độ 12 trên Biển Đông. Phạm vi này bao gồm một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Tại cuộc họp báo chiều 29/4, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam, được xác định theo UNCLOS 1982.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt tại cuộc họp báo chiều 29/4.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt tại cuộc họp báo chiều 29/4.

Việt Nam cho rằng việc tiến hành các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật cần được tiến hành phù hợp với các quy định liên quan của UNCLOS 1982, và không được làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển của các quốc gia liên quan khác.

"Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Quy chế này đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, đi ngược lại với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc", ông Việt nói.

Mới đây tờ South China Morning Post đã dẫn trích lại bài viết được đăng tải trên tạp chí Naval and Merchant Ships số mới nhất, nói rằng “lực lượng dân quân biển của Việt Nam hoạt động ở vùng biển gần đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đã đe dọa lực lượng thực thi pháp luật hàng hải và an ninh quốc phòng của Trung Quốc”.

Bình luận liên quan đến vấn đề này, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt lên tiếng bác bỏ những thông tin không đúng về lực lượng dân quân biển của Việt Nam.

“Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ và toàn dân. Theo Luật Dân quân tự vệ năm 2019, dân quân tự vệ biển là một thành phần của lực lượng dân quân tự vệ Việt Nam, có chức năng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn trên biển đảo.

Dân quân tự vệ biển và các lực lượng chức năng khác hoạt động trên biển tuyệt đối tuân thủ luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982”, ông Việt nhấn mạnh.

Trong một diễn biến liên quan, trước thông tin tàu sân bay Sơn Đông và tàu đổ bộ tấn công Hải Nam của Trung Quốc hôm qua (28/4) đã rời cảng ở căn cứ Tam Á trên đảo Hải Nam để tiến vào Biển Đông, Phó phát ngôn Đoàn Khắc Việt một lần nữa khẳng định lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Mọi hoạt động trên biển cần được tiến hành trên cơ sở UNCLOS 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển tại các vùng biển được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982.

“Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp để thực hiện mục tiêu và nguyện vọng chung của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế về việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, thượng tôn pháp luật tại Biển Đông”, Phó phát ngôn cho biết.

Cao Trung

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/viet-nam-phan-doi-lenh-cam-danh-bat-ca-cua-trung-quoc-tren-bien-dong-639242/