Việt Nam quyết tâm 'tẩy chay' đồ nhựa dùng một lần
Trước những nguy cơ về môi trường, về sức khỏe, Việt Nam đang huy động sự tham gia của toàn xã hội vào phong trào chống rác thải nhựa, phấn đấu đến năm 2025 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Nỗ lực loại trừ đồ nhựa sử dụng một lần ra khỏi xã hội
Ngày 29/6 vừa qua, tham dự các phiên họp, hoạt động quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, bất ổn an ninh năng lượng đang thách thức sự tồn vong của nhân loại.
Thủ tướng nhấn mạnh rác thải nhựa biển làm suy thoái nghiêm trọng hệ sinh thái biển, là vấn đề cấp bách toàn cầu; đề nghị các nước chung tay xây dựng các thể chế, quy định về biển và đại dương nhằm kiểm soát, giảm thiểu và ngăn ngừa rác thải nhựa biển. Ông cũng khẳng định Việt Nam đã và đang huy động sự tham gia của cả xã hội vào phong trào chống rác thải nhựa, phấn đấu đến năm 2025 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Đây không phải lần đầu tiên Thủ tướng đề cập tới vấn đề về rác thải nhựa. Trước đó, tại Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nêu rõ, mục tiêu phấn đấu đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ ngành cũng vào cuộc. UBND TP. Hà Nội đã kêu gọi và chứng kiến việc ký bộ quy tắc ứng xử chống rác thải nhựa của 41 Đại sứ quán và các cơ quan ngoại giao đóng trên địa bàn Thành phố, đồng thời đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử giảm thiểu chất thải nhựa tại các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn. Đồng thời, vừa qua, Hà Nội cũng đã tập trung triển khai việc tổ chức ký cam kết chống rác thải có nguồn gốc từ nhựa trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng của thành phố và một số tỉnh, TP đến 100% các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối. Theo đó, mục tiêu đến ngày 31/12/2020, 100% các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn Thủ đô sẽ không còn dùng túi nilông.
Tiên phong phát động phong trào chống rác thải nhựa phải kể đến Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Các cơ quan, đơn vị của Bộ đã phát động mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và vận động người thân cùng thực hiện "Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần". Cùng với đó là phát động phong trào huy động sự tham gia của cộng đồng trong thu gom, phân loại các sản phẩm đã qua sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi nilon và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, sắp tới sẽ triển khai tiếp để 63 tỉnh thành cùng làm quyết liệt. Phong trào này không chỉ tổ chức cao trào xong lại chùng xuống mà phải làm bền bỉ, thường xuyên mới hiệu quả và phải làm đến khi đạt được mục tiêu như Thủ tướng nêu.
Về công tác quản lý đối với phế liệu nhập khẩu, trong đó có phế liệu nhựa, Bộ trưởng thông tin rằng nghị định 40 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1/7 đã khắc phục được những bất cập trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Đặc biệt, đối với nhựa phế liệu, nghị định 40 quy định chặt chẽ hơn, đó là chỉ được nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm, hàng hóa.
"Không tuyên truyền suông, không vận động chay"
Trên thế giới, đến nay hơn 80 quốc gia đã đưa ra các lệnh cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần, trong đó, một số quốc gia đã nối đuôi nhau cấm hoặc đánh thuế đối với các túi nhựa dùng một lần như Úc, Anh, Pháp, Hà Lan, New Zealand...
Thậm chí Kenya còn ban hành luật hà khắc như: những ai bán hoặc sử dụng túi nhựa có thể đối mặt án tù 4 năm hoặc mức phạt lên tới 39.000 USD. Mới nhất là New Zealand với lệnh cấm túi nhựa dùng một lần chính thức có hiệu lực từ đầu tháng này, những nhà bán lẻ nào vi phạm lệnh cấm có thể bị phạt lên tới 67.000 USD.
Xử lý rác thải không đơn giản, phải đề cập đến cả một quy trình, từ thu gom rác thải đến phân loại và điểm đến cuối là các dây chuyền tái chế. Trong đó, bước quan trọng là hệ thống thu gom truyền thống. Phải thừa nhận rằng, thời gian qua,"lực lượng" thu lượm ve chai đã làm rất tốt công việc của mình, đặc biệt là trong hoạt động phân loại rác thải nhựa.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý ở khâu phân loại rác thải sinh hoạt trong gia đình. Hiện đa số các gia đình vẫn chưa ý thức trong phân loại rác. Đây cũng là nguyên nhân khiến các dây chuyền xử lý rác thải còn lẫn nhựa sau thu gom không có sự đồng nhất, không đảm bảo hiệu quả vận hành cho một quy trình tái chế rác thải công nghiệp chuẩn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà từng khuyến cáo, cần phải có những chính sách thuế cao hơn với các sản phẩm nhựa không thân thiện với môi trường, cùng với đó là chính sách tài chính khuyến khích hỗ trợ các nhà sản xuất có công nghệ mới, sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, khuyến khích hỗ trợ người dân bằng những sản phẩm thân thiện với môi trường để từng người, từng nhà bỏ thói quen dùng túi nilon. Mặt khác còn đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất cũng như hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng.
Để đạt mục tiêu như Thủ tướng đã khẳng định không thể không kể đến vai trò của công tác tuyên truyền. Đặc biệt, không tuyên truyền suông, vận động chay. Thời gian tới, các cơ quan thông tấn, báo chí cần tập trung nêu cao nhận thức trong cơ quan và cộng đồng, thực hiện các chiến dịch truyền thông về nguy cơ ô nhiễm nhựa và nilon nhằm thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy.