Việt Nam sắp có Apple Store vật lý?
Theo Bloomberg, Apple đang lên kế hoạch mở rộng và 'hồi sinh' chuỗi bán lẻ Apple Store của mình với mục tiêu thâm nhập sâu hơn vào Trung Quốc và châu Á.
Nguồn tin của Bloomberg tiết lộ, từ nay đến năm 2027, Apple muốn mở thêm 15 cửa hàng Apple Store mới tại châu Á – Thái Bình Dương, 5 tại châu Âu và Trung Đông, 4 tại Mỹ và Canada. Nhà sản xuất iPhone cũng dự định tu sửa hoặc chuyển địa điểm 6 cửa hàng ở châu Á, 9 tại châu Âu, 13 tại Bắc Mỹ.
Apple muốn mang lại sinh khí mới cho hoạt động bán lẻ đã tồn tại 22 năm của mình. Những năm gần đây, Apple Store đối mặt với nhiều khó khăn như dịch Covid-19, vấn đề chăm sóc khách hàng và biểu tình của nhân viên. Mục đích của hãng là xây dựng thương hiệu tại các thị trường như Ấn Độ, đồng thời cung cấp trải nghiệm tốt hơn tại châu Âu và Mỹ.
Các Apple Store đáng chú ý nhất đang được thảo luận hoặc trong quá trình phát triển là 3 cửa hàng tại Ấn Độ, 1 tại Malaysia và nâng cấp cửa hàng tại khu vực mua sắm Opera (Paris, Pháp). Công ty cũng sẽ sớm khai trương cửa hàng tại Battersea Power Station (London, Anh), một cửa hàng khác tại Miami (Mỹ). Ngoài ra, còn có một Apple Store “đinh” tại Jing’an Temple Plaza (Thượng Hải, Trung Quốc).
Một số địa điểm và thời gian vẫn còn là đề xuất hoặc dự án nội bộ, đồng nghĩa chúng có thể bị hoãn hoặc hủy. Dù vậy, nhiều Apple Store đã trong giai đoạn phát triển và Apple đã đồng ý thuê đất.
Apple hiện có hơn 520 cửa hàng tại 26 quốc gia, khoảng một nửa đặt tại Mỹ. Dù khả năng sinh lợi cao, chuỗi Apple Store chủ yếu xây dựng thương hiệu hơn là bán hàng. Phần lớn doanh thu của “Táo khuyết” đến từ các kênh khác như thương mại điện tử. Dù vậy, cửa hàng vật lý vẫn là một địa điểm quan trọng để khách hàng đến mua vào ngày phát hành chính thức, nhận hỗ trợ kỹ thuật và tham dự các lớp đào tạo.
Phụ trách hoạt động bán lẻ là Deirdre O’Brien, một trong các lãnh đạo lâu năm nhất của Apple. Trong khi đó, việc xây dựng và bảo trì cửa hàng do Kristina Raspe – giám sát các cơ sở và bất động sản toàn cầu – quản lý.
Dựa theo tài liệu nội bộ, Apple vận hành 4 loại cửa hàng bán lẻ: cửa hàng tiêu chuẩn trong các trung tâm thương mại, Apple Store+ đặt ở trung tâm mua sắm ngoài trời hoặc đường phố, flagship tại các khu vực trọng điểm với thiết kế độc đáo và flagship+, lớn nhất và tốn kém nhất. Apple Store tiêu chuẩn thường mang về hơn 40 triệu USD mỗi năm, còn Apple Store+ đóng góp hơn 45 triệu USD. Cửa hàng flagship ghi nhận doanh thu hơn 75 triệu USD, trong khi flagship+ là hơn 100 triệu USD.
Trọng điểm của kế hoạch mở rộng là khu vực châu Á – Thái Bình Dương với 21 địa điểm mới hoặc tu sửa cho đến năm 2027. Thị trường này phát sinh khoảng 130 tỷ USD doanh thu cho Apple năm ngoái, chiếm gần 1/3 tổng doanh thu. Những nước như Ấn Độ nổi lên như động lực tăng trưởng quan trọng. Apple đã mở 2 cửa hàng đầu tiên tại đây vào tháng 4.
Cuối năm nay, Apple sẽ khai trương cửa hàng mới tại Wen Zhou Shi (Trung Quốc), nâng cấp cửa hàng flagship tại Thượng Hải, bổ sung hai cửa hàng tại Hàn Quốc. Như vậy, tổng số Apple Store tại quê hương của Samsung sẽ là 7.
Năm 2024, Apple dự định mở cửa hàng đầu tiên tại Malaysia, tọa lạc ở Kuala Lumpur. Tại Trung Quốc, hãng sẽ mở cửa hàng mới tại Jing An Temple Plaza; tu sửa cửa hàng Pudong, Thượng Hải và có thể mở cửa hàng đầu tiên tại Foshan.
Dù quan hệ Mỹ - Trung ngày một căng thẳng, Apple vẫn phụ thuộc vào đất nước tỷ dân – nơi vừa là địa bàn sản xuất chính vừa là thị trường tiêu thụ lớn. CEO Tim Cook ca ngợi quan hệ giữa Apple và Trung Quốc trong chuyến công tác đầu năm nay.
Năm 2025, Apple đang thảo luận để mở cửa hàng thứ ba tại Ấn Độ và có thể di dời cửa hàng tại Perth (Australia). Hãng có thể mở 4 Apple Store mới tại Trung Quốc, sửa lại cửa hàng tại Ginza (Nhật Bản).
Apple đề xuất khai trương cửa hàng thứ tư tại Ấn Độ trong năm 2026. Ngoài ra, hãng công nghệ Mỹ còn đặt nền móng cho một Apple Store mới tại Yokohama (Nhật Bản) và di dời một cửa hàng tại Shibuya Marui. Năm 2027, cửa hàng thứ năm tại Ấn Độ sẽ xuất hiện.
Tại châu Âu, Apple muốn mở cửa hàng tại Battersea (London, Anh) trong tháng 6. Công ty dự định khai trương Apple Store mới tại Madrid (Tây Ban Nha) cũng như chuyển địa điểm một cửa hàng tại Milton Keynes (Anh). Châu Âu đóng góp hơn 95 tỷ USD cho Apple năm ngoái, chiếm khoảng 1/4 doanh thu toàn cầu. Anh là thị trường bán lẻ lớn thứ ba của hãng với khoảng 40 cửa hàng.
Nhìn chung, O’Brien muốn cải thiện trải nghiệm tại các cửa hàng Apple. Khiếu nại từ cả khách hàng lẫn nhân viên đã tăng mạnh trong thời gian qua, còn chuỗi cũng mất đi một số sức hút so với trước.
Ngày 18/5, Apple mở Apple Store trực tuyến tại Việt Nam. Thông thường, Apple Store trực tuyến được xem là “mở đường” cho Apple Store vật lý tại thị trường. Chẳng hạn, tại Ấn Độ, Apple Store trực tuyến khai trương ngày 23/9/2020, còn cửa hàng vật lý mở sau gần 3 năm. Tuy nhiên, dựa theo kế hoạch mở rộng chuỗi bán lẻ mà Bloomberg cung cấp, dường như Việt Nam vẫn chưa có mặt trên “bản đồ” Apple Store toàn cầu, ít nhất là đến năm 2027.
(Theo Bloomberg)