Việt Nam sắp có gần 1.300 người sở hữu tài sản từ 30 triệu USD trở lên
Việt Nam hiện có 1.059 siêu triệu phú tài sản trên 30 triệu USD, nhiều hơn Thái Lan, Malaysia. Số lượng người sở hữu tài sản có giá trị từ 30 triệu USD trở lên tại Việt Nam vào năm 2027 ước tính cao thứ hai Đông Nam Á, chỉ đứng sau Singapore.
Vừa qua, công ty tư vấn bất động sản toàn cầu có trụ sở tại Anh - Knight Frank đã công bố Báo cáo Thịnh vượng (Wealth Report), trong đó có dữ liệu về số lượng người giàu (HNWI – những người sở hữu tài sản có giá trị từ 1 triệu USD trở lên) và số lượng người siêu giàu (UHNWI – những cá nhân sở hữu tài sản có giá trị từ 30 triệu USD trở lên) tại Việt Nam.
Theo đó, Knight Frank cho biết số lượng người giàu tại Việt Nam vào năm 2022 là 69.994 người, giảm so với con số 70.027 người vào năm 2021, song tăng so với mức 40.971 người vào năm 2017. Knight Frank cũng dự báo số lượng người giàu tại Việt Nam tính đến năm 2027 sẽ đạt 112.252 người.
Trong khi số, số lượng người siêu giàu tại Việt Nam trong năm 2022 là 1.059 người, giảm so với mức 1.196 người trong năm 2021, song cũng tăng so với mức 583 người trong năm 2017. Knight Frank ước tính đến năm 2027, số lượng người siêu giàu tại Việt Nam sẽ đạt mức 1.295 người.
Số lượng người giàu và siêu giàu tại Việt Nam tính đến năm 2027, theo ước tính của Knight Frank, nhiều hơn hai quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á là Philippines và Indonesia. Cụ thể, số lượng người giàu và siêu giàu tại Indonesia tính đến năm 2027 ước đạt 56.436 người và 651 người, trong khi con số tương tự tại Philippines là 42.715 người và 493 người.
Mặt khác, con số người giàu ước tính tại Việt Nam tới năm 2027 lại kém so với hai quốc gia khác tại Đông Nam Á, song số người siêu giàu ước tính lại nhiều hơn, gồm Malaysia và Thái Lan. Theo đó, số lượng người giàu và siêu giàu tại Malaysia tính đến năm 2027 ước đạt lần lượt là 164.839 người và 1.044 người, tại Thái Lan là 158.977 người và 1.007 người.
Chỉ duy nhất Singapore là quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có số lượng người giàu và siêu giàu ước tính vượt trội so với phần còn lại của khu vực, với số lượng người giàu ước tính vào năm 2027 là 815.699 người, còn số lượng người siêu giàu ước đạt 5.293 người.
Trên phạm vi toàn cầu, toàn thế giới có hơn 69,5 triệu người thuộc nhóm người giàu tính đến năm 2022, tăng lên so với mức 67,5 triệu người một năm trước đó. Knight Frank ước tính đến năm 2027, số lượng người giàu trên toàn cầu đạt mức hơn 109 triệu người.
Đối với nhóm siêu giàu, toàn thế giới có khoảng 579.625 người thuộc nhóm siêu giàu trong năm 2022, giảm xuống so với mức 602.553 người trong năm 2022. Knight Frank ước tính vào năm 2027, số lượng người siêu giàu trên toàn cầu có thể đạt mức 744.812 người.
Mỹ vẫn là quốc gia có số lượng người giàu nhiều nhất thế giới vào năm 2022, với tổng cộng hơn 36,8 triệu người. Xếp ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Trung Quốc đạt lục (hơn 20,8 triệu người), Đức (hơn 4,9 triệu người), Canada (hơn 4,7 triệu người) và Pháp (hơn 4,5 triệu người).
Tương tự, Mỹ cũng là quốc gia có số lượng người siêu giàu nhiều nhất thế giới vào năm ngoái với 253.354 người. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Trung Quốc đại lục (131.855 người), Canada (hơn 32.000 người), Đức (hơn 30.000 người) và Pháp (hơn 27.000 người).
Trong giai đoạn 2022 – 2027, Hungary là quốc gia có tốc độ tăng trưởng người giàu được dự báo lớn nhất thế giới, rơi vào khoảng 109,2%, tức từ 31.884 người năm 2022 lên 66.690 người vào năm 2027. Trong khi đó, quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhóm siêu giàu cao nhất thế giới giai đoạn 2022 – 2027 tiếp tục là Hungary với 74,4%, tức từ 238 người vào năm 2022 lên 413 người vào năm 2027.