Việt Nam sắp có trường đại học đầu tiên đào tạo chuyên ngành về Game

Theo công bố, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ trở thành trường đại học đầu tiên mở chuyên ngành đào tạo về Game (Trò chơi điện tử).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Game là một trong những mảng công nghệ có sức hút lớn và tạo ra dư địa khai thác cao trên thị trường. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, tính đến hết năm 2023, doanh thu ngành Game toàn thế giới ước tính đạt 187,7 tỷ USD. Riêng khu vực Đông Nam Á, doanh thu ngành Game tăng từ 2,4 tỷ USD năm 2019 lên hơn 5,3 tỷ USD năm 2023.

Nhằm phát triển ngành Game trong thời gian tới thì giáo dục là một trong những mục tiêu cốt lõi. Để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, Học viện Bưu chính Viễn thông đã đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo mở bộ môn mới chuyên đào tạo nhân lực cho ngành Game.

Tại sự kiện công bố các hoạt động trong khuôn khổ Triển lãm Game Quốc tế 2024, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) tiết lộ, từ tháng 9/2024, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ chính thức tuyển sinh với số lượng 200 sinh viên chuyên ngành về Game (Trò chơi điện tử).

Trước đó, trong cuộc họp báo tháng 4/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Quang Tự Do đã một lần nữa khẳng định quan điểm của cơ quan này là quản lý, thúc đẩy ngành Game phát triển lành mạnh.

"Ngành Game ở đây không phải là ngành chơi Game. Rất nhiều người đã có lầm tưởng, định kiến như vậy về ngành này. Ngành Game là hệ sinh thái sản xuất Game, phát hành Game và các hoạt động liên quan đến Game. Ở nhiều nước, Game là ngành công nghiệp không khói chủ lực trong thời đại 4.0," ông Lê Quang Tự Do cho biết.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã kết nối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học FPT, Đại học Bách khoa Hà Nội và nhiều trường đại học khác để trong 5 năm tới bổ sung đào tạo chuyên ngành Game.

(VTV)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/viet-nam-sap-co-truong-dai-hoc-dau-tien-dao-tao-chuyen-nganh/d20240122143739960.htm