Việt Nam sẽ có chính sách ưu đãi nhất để thu hút nhà đầu tư, chuyên gia bán dẫn, AI

Việt Nam đang tập trung cơ chế chính sách để thu hút các nhà đầu tư, chuyên gia trong ngành bán dẫn và AI với những ưu đãi nhất hiện nay để hấp dẫn và cạnh tranh hơn nữa.

Trưa 1/7, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các bộ trưởng làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học Hàn Quốc trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Đào tạo các chuyên gia, nhà khoa học rất quan trọng

TS. Chang Joon-Yeon, Phó Chủ tịch Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc (KIST) cho biết, từ năm 1978, Chủ tịch Tập đoàn Samsung đã tới Viện KIST để tìm hiểu việc đầu tư vào công nghệ bán dẫn. Chính phủ Hàn Quốc rất quan tâm đến lĩnh vực này và đã đầu tư vào Trung tâm nghiên cứu về bán dẫn.

Nhấn mạnh việc đào tạo các chuyên gia, nhà khoa học rất quan trọng, TS. Chang Joon-Yeon lưu ý, nếu không có ý chí của Chính phủ và các nhà đầu tư đặt quyết tâm đầu tư vào lĩnh vực này thì không thể tạo được thành công về bán dẫn.

Thủ tướng trao đổi với các nhà khoa học bán dẫn. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng trao đổi với các nhà khoa học bán dẫn. Ảnh: Nhật Bắc

GS. Lim Jung-Wook, Viện Nghiên cứu điện tử viễn thông (ETRI) đánh giá, Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực ưu tú. Nhưng để thúc đẩy phát triển ngành bán dẫn, cần rất nhiều thời gian đầu tư, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực ưu tú.

Giáo sư Jeong Moon-seok (Đại học Hanyang) cũng cảnh báo nguy cơ nhiều quốc gia đang cố gắng “cướp” nguồn nhân lực bán dẫn của nhau, có nhiều chính sách để hút nguồn nhân lực này.

"Việt Nam có kế hoạch đào tạo và sử dụng nguồn chất xám từ sinh viên được đào tạo về bán dẫn như thế nào?". Đây là câu hỏi mà các nhà khoa học hàng đầu của Hàn Quốc đang giảng dạy, nghiên cứu bán dẫn đặt ra đối với Thủ tướng và các bộ ngành Việt Nam.

Việt Nam đang có lợi thế, cần tận dụng cơ hội về nhân lực bán dẫn

Phản hồi ý kiến của các nhà khoa học, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Thủ tướng đã giao Bộ TT&TT xây dựng chiến lược về bán dẫn. Trước đó, Bộ KH&CN cũng đã hoàn thiện chiến lược về AI cách đây 4 năm.

“Những con đường đi vạch ra tương đối rõ, có tầm nhìn, mục tiêu, quan điểm rõ ràng. Chúng tôi đang tập trung cơ chế chính sách để thu hút các nhà đầu tư trong ngành bán dẫn và AI với những chính sách ưu đãi nhất hiện nay để hấp dẫn và cạnh tranh hơn nữa”, ông Dũng cho hay.

Ông Dũng cho biết, trong vài ngày tới Chính phủ sẽ xem xét phê chuẩn đề án đào tạo nhân lực bán dẫn. Trong số 50.000 nhân lực từ nay tới năm 2030 có 15.000 người trong lĩnh vực thiết kế và 35.000 cho các ngành khác, trong đó có 5.000 kỹ sư AI.

“Việt Nam đang có lợi thế nhất và cần tận dụng cơ hội về nhân lực bán dẫn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cụ thể, Việt Nam có 30 trường đại học đang có kế hoạch đào tạo nâng cấp 1.300 giảng viên để đào tạo 50.000 nhân lực bán dẫn.

Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp, trường đại học Hàn Quốc hỗ trợ các suất học bổng để Việt Nam gửi sinh viên sang đào tạo, hiện thực hóa nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bộ trưởng KH&ĐT cho biết Việt Nam đã xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại Hòa Lạc và mong muốn Viện KIST tham gia vào đề án bán dẫn và AI, hợp tác trong lĩnh vực y tế. Việt Nam cũng đang tìm kiếm hợp tác với quốc tế để nghiên cứu ứng dụng AI trong y tế.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm. Ảnh: Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm. Ảnh: Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, Bộ TT&TT đang xây dựng dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó có công nghiệp bán dẫn và trí tuệ AI.

Định hướng của Việt Nam là ưu tiên hợp tác với các nước, lãnh thổ phát triển về AI và Hàn Quốc là một trong những đối tác đáng tin cậy.

Dự thảo hoàn thành sẽ trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới đây, trong đó có 1 chương về phát triển nguồn nhân lực cho công nghệ số.

“Đảng, Chính phủ quyết tâm rất cao phát triển công nghiệp bán dẫn, xác định đây là một ngành công nghiệp nền tảng của lĩnh vực công nghiệp công nghệ số”, Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số là một trong những phương thức giúp cho Việt Nam thực hiện nhanh chóng và thành công chiến lược hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. Trong đó tạo thị trường đầu ra cho bán dẫn rất quan trọng.

Việt Nam xác định phát triển công nghiệp bán dẫn đồng bộ với công nghiệp điện tử, thực hiện chuyển đổi số quốc gia cũng như phát triển xanh; đặc biệt là tận dụng nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm bán dẫn, ứng dụng cho việc phát triển AI.

Về lộ trình phát triển công nghiệp bán dẫn, theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, đòi hỏi quá trình dài, thành nhiều giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên, Việt Nam tập trung phát triển nguồn nhân lực bán dẫn từ nay đến năm 2030 với mục tiêu Việt Nam trở thành trung tâm cung cấp nhân lực bán dẫn không chỉ phục vụ trong nước mà cho cả thế giới.

Giai đoạn từ 2040 - 2050, Việt Nam mới đặt ra mục tiêu về sản xuất phát triển bán dẫn như Hàn Quốc hiện nay.

Thứ trưởng TT&TT cho rằng, giải pháp đột phá cho vấn đề này ngoài hệ sinh thái và hạ tầng, Bộ TT&TT bổ sung thêm khía cạnh sở hữu trí tuệ. Việt Nam hiện đang hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về sở hữu trí tuệ.

Chủ tịch - Tổng giám đốc Viettel Tào Đức Thắng

Chủ tịch - Tổng giám đốc Viettel Tào Đức Thắng

Chủ tịch - Tổng giám đốc Viettel Tào Đức Thắng bày tỏ mong muốn được hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn và AI với các doanh nghiệp Hàn Quốc.

“Viettel có đủ tiềm lực, có cơ chế chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, có khả năng nghiên cứu sản xuất chip; có nguồn lực hệ sinh thái về công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số; có khách hàng lớn chính là người dân Việt Nam và 10 quốc gia đã đầu tư; có hệ thống dữ liệu hạ tầng số; năng lực tài chính mạnh", ông Thắng thông tin.

Về công nghệ sản xuất, ông Thắng cho hay, Viettel hiện đã hợp tác với các tập đoàn Samsung, Hanwha,... nhưng vẫn “chưa tương xứng với quy mô hiện nay”.

Vì vậy, sắp tới, Viettel mong muốn được đón các nhà khoa học, chuyên gia Hàn Quốc làm việc và trao đổi cụ thể, nhất là có thêm hợp tác về y tế, giáo dục với các tập đoàn Hàn Quốc.

Nhấn mạnh đến chủ trương và quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và đề án trong lĩnh vực này.

“Đại dịch cho thấy lỗ hổng y tế của các nước, do đó đòi hỏi phát triển trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn trong lĩnh vực y tế để lấp các lỗ hổng này. Trong cuộc làm việc với lãnh đạo Hàn Quốc vào ngày mai, chúng tôi sẽ đề xuất hợp tác liên Chính phủ trong 2 ngành quan trọng này, dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc”, Thủ tướng chia sẻ.

Thu Hằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/viet-nam-se-co-chinh-sach-uu-dai-nhat-thu-hut-nha-dau-tu-chuyen-gia-ban-dan-ai-2297124.html