Việt Nam sẽ đề cập tình hình Biển Đông trong đối thoại an ninh với Ấn Độ
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết, Việt Nam sẽ nêu tình hình Biển Đông trong cuộc đối thoại an ninh hàng năm với Ấn Độ diễn ra trong tháng 10 này.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu sẽ đề cập tình hình Biển Đông trong cuộc đối thoại an ninh với Ấn Độ. (Nguồn: TTXVN)
Trả lời phỏng vấn tờ Hindustan Times, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết, lần xâm phạm gần đây nhất của 28 tàu Trung Quốc diễn ra từ ngày 30/9 và vẫn tiếp diễn cho tới nay. “Chúng tôi đã thông báo với Trung Quốc không nên xâm phạm vùng biển của Việt Nam, và Bắc Kinh nên rút tất cả các tàu ngay khi có thể”, Đại sứ Sanh Châu nhấn mạnh.
Ấn Độ là một trong ba nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Trước thềm cuộc đối thoại an ninh hàng năm dự kiến được tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh trong tháng Mười này, Đại sứ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ có thể bao quát được không chỉ các vấn đề liên quan tới an ninh của hai nước, mà cả các vấn đề liên quan đến toàn khu vực, và đặc biệt, chúng tôi sẽ đề cập tình hình Biển Đông tại buổi Hội thảo này.”
Theo ông Phạm Sanh Châu, ba lần xâm phạm của Trung Quốc diễn ra gần vùng biển nơi Công ty Dầu khí nhà nước Ấn Độ ONGC Videsh đang hoạt động. Tờ Hindustan Times đưa tin, ngày 3/7, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã đến gần lô dầu khí nơi Tập đoàn ONGC Videsh đang khai thác. Trước hành động xâm phạm của Trung Quốc, tháng 8/2019, Ấn Độ tuyên bố, New Delhi có “lợi ích gắn bó với hòa bình và ổn định” trong khu vực, đồng thời kêu gọi các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Cho rằng hợp tác quốc phòng và an ninh, thương mại và đầu tư, cùng khoa học và công nghệ là những lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam trong quan hệ hợp tác với Ấn Độ, Đại sứ Phạm Sanh Châu nhận định, hai nước đang nỗ lực sử dụng hiệu quả khoản tín dụng trị giá 500 triệu USD do Chính phủ Ấn Độ tài trợ cho các hoạt động quốc phòng. “Tiến trình sẽ tốn nhiều thời gian, vì hai bên, đặc biệt là các công ty, phải trao đổi nhiều thông tin liên quan đến giá cả, quy trình và thủ tục, thậm chí là sự ổn định tài chính của dự án. Tôi nghĩ rằng mọi việc đang diễn ra suôn sẻ và không gặp bất kì vấn đề gì,” Đại sứ cho biết thêm.
Ông Phạm Sanh Châu cũng chia sẻ, hãng hàng không giá rẻ của Ấn Độ Indigo và hãng hàng không Việt Nam VietJet đã mở đường bay thẳng giữa hai nước. Theo đó, Indigo sẽ xuất phát từ Hà Nội đến thành phố Kolkata, thủ phủ bang Tây Bengal, và kết nối đến Delhi và các thành phố khác trong cùng ngày kể từ ngày 3/10. Về phần mình, VietJet cũng sẽ có các chuyến bay thẳng hàng ngày từ Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đến New Delhi từ ngày 7/12 tới.
Về hợp tác kinh tế, cả hai nước đang tích cực phấn đấu đạt được mục tiêu đưa thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho rằng, việc Bộ thương mại Ấn Độ ban hành lệnh hạn chế nhập khẩu nguyên liệu thô hồi tháng Chín vừa qua đã khiến cho người sản xuất que hương của Việt Nam cho ngành công nghiệp hương agarbatti của Ấn Độ bị ảnh hưởng. Theo đó, ngành công nghiệp hương agarbatti trị giá 1 tỷ USD và ngành xuất khẩu nguyên liệu thô của Việt Nam đạt 84 triệu USD, và việc nhập khẩu bị hạn chế mà không có thời gian xem xét. “Tôi yêu cầu Ấn Độ xem xét lại quyết định này,” ông Phạm Sanh Châu khẳng định.