Việt Nam sẽ hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019 diễn ra sáng 10/1/2020 tại Hà Nội với chủ đề 'Vai trò và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững'.
Tương trợ lẫn nhau cùng phát triển
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn lại sự “vượt khó” một năm qua của nền kinh tế Việt Nam. Với nhiều biến động và thách thức của năm 2019, nhưng bằng sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng trên nhiều lĩnh vực quan trọng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì trên 7% năm thứ hai liên tiếp, thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; cơ cấu kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực; các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định; quy mô thương mại quốc tế vượt mốc 500 tỷ USD; xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 10 bậc.
Bộ trưởng nhấn mạnh, khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục là một điểm sáng, lần đầu tiên, vốn giải ngân của các dự án FDI đạt 20,4 tỷ USD, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Tổng vốn đăng ký đạt hơn 38 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Việt Nam hiện là điểm đến đầu tư chiến lược của nhiều tập đoàn đa quốc gia và đang dần vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bộ trưởng nói: “Đạt được kết quả đáng khích lệ này có phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước”. Trên cơ sở những gì đã đạt được đồng thời kinh nghiệm rút ra từ những bài học của năm 2019, Bộ trưởng khẳng định, thời gian tới, Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ tương lai, dự án xanh, quản trị hiện đại, hàm lượng giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Với chủ đề “Vai trò và trách nhiệm đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững”, Bộ trưởng đề cao vai trò trách nhiệm đóng góp của doanh nghiệp FDI trong tiến trình phát triển của Việt Nam, nhất là trách nhiệm tạo mối liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong nước, tương trợ lẫn nhau cùng phát triển.
Tiếp tục nỗ lực thực chất và đồng bộ cải thiện môi trường kinh doanh
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đánh giá, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực quan trọng trong việc tạo lập một môi trường kinh doanh ổn định, vững chắc và khuyến khích tinh thần doanh nghiệp. Đó không chỉ là những tuyên ngôn như “Chính phủ hành động, kiến tạo” hay “lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ” mà đã trở thành các hành động cụ thể trong các chính sách kinh tế được ban hành và thực thi thời gian qua.
Trọng tâm của các nỗ lực đó là các Nghị quyết của Chính phủ về môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, gồm các Nghị quyết 19 ban hành từ năm 2014 đến năm 2018, Nghị quyết 02 năm 2019 (thay thế cho nghị quyết 19) và Nghị quyết 35 năm 2016.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo sát sao các bộ, ngành và địa phương có những hành động cụ thể để cải thiện điểm số và nâng xếp hạng trong các chỉ số về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo của quốc gia. Qua nhiều kết quả điều tra doanh nghiệp mà VCCI tiến hành trong năm 2019, môi trường kinh doanh của Việt Nam được các doanh nghiệp đánh giá là đang chuyển biến tích cực hơn, dù vậy chưa có sự đồng đều giữa các lĩnh vực.
Đưa ra một số kiến nghị nhằm thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI cho rằng, các cơ quan nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh việc đơn giản hóa các thủ tục hậu đăng ký doanh nghiệp… Biện pháp đơn giản hóa phù hợp nhất vẫn là liên thông hoặc kết hợp các thủ tục hành chính để các doanh nghiệp có thể làm nhiều thủ tục cùng một lúc. Ngoài ra, có thể bãi bỏ một số thủ tục không cần thiết như lệ phí môn bài, con dấu doanh nghiệp.
Về kiểm soát tham nhũng và giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, ông Lộc cho rằng cần tiếp tục chú trọng giải quyết vấn đề tham nhũng vặt khi làm thủ tục hành chính và thanh tra kiểm tra.
Ông Lộc cũng đề xuất, nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng cần được cải thiện trong tiếp cận đất đai bằng cách hiện thực hóa chủ trương đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sử dụng đất trong Luật Đầu tư. Công tác đấu thầu, đấu giá để phân bổ các nguồn lực như tài nguyên, hợp đồng, cơ hội kinh doanh cần được mở rộng hoặc tiếp tục được thực hiện một cách minh bạch hơn.
Lưu ý về tính ổn định của chính sách, ông Lộc cho rằng, nguyên tắc không hồi tố bất lợi cho doanh nghiệp và người dân phải được bảo đảm khi xây dựng các quy định pháp luật.
“Việc lấy ý kiến các dự thảo văn bản pháp luật cần được thực hiện một cách thực chất và thường xuyên, không ban hành, thay đổi chính sách một cách đột ngột. Thêm vào đó, các loại giấy phép quyền kinh doanh cũng cần được kéo dài thời hạn hoặc không xác định thời hạn nhằm giúp ổn định môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI kiến nghị.
Ông Lộc cũng đưa ra một số đề xuất liên quan đến nộp thuế, giấy phép xây dựng, quản lý đất đai, bất động sản, hạ tầng, tiếp cận điện năng…
13 giải pháp trọng tâm
Là Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt, đồng thời là Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF), bày tỏ quan điểm tại diễn đàn lần này, bà Virginia B.Foote cũng cho biết chủ đề của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên kỳ cuối năm 2019 muốn nhấn mạnh tính kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài và trong nước. Và một trong những nội dung chính của diễn đàn là cộng đồng doanh nghiệp sẽ nói về kết quả thực thi 2 nghị quyết của Bộ Chính trị: Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Nghị quyết 52-NQ/TW năm 2019 về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).
Bên cạnh đó là cùng trao đổi để việc cải cách hành chính, cải cách thể chế được diễn ra suôn sẻ như cải cách thuế đã làm được và việc thực hiện Chính phủ điện tử thời gian qua để thúc đẩy môi trường kinh doanh tạo điều kiện cho cả doanh nghiệp FDI và trong nước.
Bà Virginia B.Foote chia sẻ: “Năm 2020 là năm về đích trong cải thiện môi trường kinh doanh và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa, qua tập hợp, nghiên cứu rất nhiều vấn đề của môi trường kinh doanh, chúng tôi sẽ đề xuất thực hiện nhóm 13 giải pháp lớn, trọng tâm, đó là tiếp tục cải thiện về khởi sự kinh doanh, về thuế, về giấy phép xây dựng và giấy phép liên quan, về đất đai và đăng ký bất động sản vì vấn đề lớn nhất trong lĩnh vực quản lý đất đai và đăng ký bất động sản hiện nay ở Việt Nam là khả năng kết nối dữ liệu và tiếp cận thông tin về đất đai. Đề xuất tiếp theo là Nhà nước cần có chiến lược tổng thể về cải cách tư pháp nhằm hỗ trợ môi trường kinh doanh, tiếp tục cải thiện hạ tầng và tiếp cận điện năng vì hạ tầng giao thông và khu công nghiệp vẫn cần được đầu tư mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu kinh doanh của các doanh nghiệp và nguy cơ thiếu điện đang quay trở lại...”.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên kỳ cuối đã diễn ra 3 phiên thảo luận chính, nhằm xác định những cơ hội và thách thức, kiến nghị giải pháp để phát triển nền kinh tế bền vững và thu hút đầu tư. Phiên 1 đã thảo luận về cơ chế điều tiết cho sự bền vững của các nhóm công tác như đầu tư - thương mại, du lịch, thuế và hải quan. Phiên 2, thảo luận về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh của các nhóm công tác về nông nghiệp, điện và năng lượng. Và phiên 3 thảo luận về hạ tầng cơ sở cho sự đổi mới với sự tham gia của các nhóm công tác về thị trường vốn và ngân hàng, cơ sở hạ tầng, nguồn lực và giáo dục - đào tạo.
Với diễn đàn này, Chính phủ Việt Nam xác định rõ, đây là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.