Việt Nam sẽ là nước đầu tiên trên thế giới buộc xe công nghệ 'đeo mào'?
Xe công nghệ hiện đã trở thành một trong những phương tiện lưu thông quen thuộc tại nhiều quốc gia, không chỉ riêng Việt Nam. Tuy vậy, dường như chưa quốc gia nào quản lý kiểu bắt xe công nghệ 'đeo mào'.
Không đem lại hiệu quả
Tại văn bản báo cáo Chính phủ mới đây, Bộ GTVT cho biết, sau nhiều cuộc họp với các vụ liên quan, hai Bộ GTVT và Bộ TT&TT đã thống nhất: “Trường hợp xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có hộp đèn với chữ “XE HỢP ĐỒNG” gắn cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn tối thiểu 12 x 30 cm”.
Đề xuất “gắn mào” cho xe công nghệ như Grab, FastGo hay Be của Bộ GTVT đang đưa ra nhiều ý kiến trái chiều. Song, nhiều chuyên gia bày tỏ, việc làm này không hề mang lại hiệu quả trong quản lý Nhà nước cũng như kiểm tra, xử phạt trên đường.
Trong khi đó, một số cuộc khảo sát được thực hiện thời gian gần đây cho thấy, tỷ lệ người dùng không muốn “gắn mào” cho xe công nghệ vẫn chiếm đa số.
LS Trương Thanh Đức, Công ty Luật BASICO phân tích mục đích của việc nhận diện phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu của 3 đối tượng: khách hàng, đơn vị quản lý thuế và lực lượng thanh tra, kiểm tra, cảnh sát giao thông. Về phía khách hàng, họ không có nhu cầu nhận diện xe vì mọi thông tin đã được minh bạch qua ứng dụng. Việc gắn phù hiệu, mào xe hay không cũng không có ý nghĩa gì đối với các đơn vị quản lý thuế vì công tác truy thu thuế phải xử lý tại nguồn là doanh nghiệp.
“Không có quốc gia nào lại đi cấm đoán, siết chặt quản lý với các phương tiện vận tải công cộng”- LS Trương Thanh Đức bày tỏ.
Chẳng đâu "đeo mào" cho xe công nghệ
Khảo sát của phóng viên cho thấy, loại hình xe công nghệ hiện đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Do là loại hình kinh doanh mới nên mỗi người có những cách quản lý khác nhau, song không quốc gia nào bắt loại xe này “đeo mào”.
Như tại Singapore là thị trường khá sôi động của các hãng xe công nghệ như Grab, Go Jek, Tada, Kardi... và cũng có những điều chỉnh chính sách nhất định đối với loại hình dịch vụ này. Luật Giao thông đường bộ sửa đổi (có hiệu lực tháng 7/2017) của Singapore quy định, các xe tham gia nền tảng kết nối phải dán đề can chống giả mạo trên kính trước và sau xe. Đề can được cấp bởi Cục Giao thông Đường bộ Singapore, có kích thước 10 cm x 14 cm.
Tại Thái Lan, các cơ quan quản lý đang đẩy nhanh quá trình xây dựng quy định để chính thức hợp pháp hóa dịch vụ gọi xe như một nỗ lực nhằm thúc đẩy ngành du lịch của đất nước này. Hiện nay, mặc dù chưa được hợp thức hóa, các dịch vụ xe cá nhân kết nối qua ứng dụng vẫn đang hoạt động song song với xe taxi truyền thống, với điều kiện phương tiện được đăng ký đầy đủ, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu di chuyển của người dân và khách du lịch. Các xe sử dụng kết nối này không phải đeo mào như taxi.
Tại một nước Đông Nam Á khác là Philippines, các doanh nghiệp kết nối vận tải, cung cấp dịch vụ kết nối vận tải phải đảm bảo hành khách được bảo hiểm bởi các nhà cung cấp bảo hiểm tai nạn hành khách cá nhân được chấp nhận bởi Ban Quản lý và Nhượng quyền thương mại Vận tải Đường bộ.
Các nhà vận hành và tài xế phải tuân thủ các quy định và luật lệ ban hành bởi các cơ quan chính phủ, phải dán tem dịch vụ phương tiện mạng vận tải trên kính trước xe, được cấp bởi Ban Quản lý và cấp phép Giao thông đường bộ. Ngoài ra, điều kiện không bắt buộc là trưng bày các dấu hiệu đồng phục của Công ty Mạng vận tải.
Indonesia là thị trường lớn nhất Đông Nam Á của tất cả các dịch vụ kết nối di chuyển đang hoạt động tại khu vực. Xe công nghệ được điều chỉnh bởi luật về Dịch vụ vận tải cho thuê đặc biệt, trong đó quy định phương tiện cơ giới công cộng có màu phân biệt với xe khác (chữ đen trên nền vàng). Các chữ cái trên biển số cũng thể hiện khu vực đăng ký và hoạt động của phương tiện.
Tại TP New York của Mỹ, yêu cầu dán 3 đề can của Ủy ban Cấp phép trên kính trước và 2 kính hông phía sau phương tiện. Ủy ban Cấp phép sẽ trực tiếp dán các đề can này. Bên cạnh đó, phương tiện cần dán tem đăng ký, tem kiểm tra, tem thuế trên kính trước phương tiện.
Có thể thấy, các nước có những quy định khác nhau và khá đa dạng về hoạt động cũng như nhận diện của xe công nghệ. Tuy nhiên, xu thế chủ yếu là sử dụng đề can. Vì vậy, việc xe công nghệ phải đeo mào sẽ xảy ra đầu tiên ở Việt Nam nếu Nghị định sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô được thông qua.