Việt Nam sẽ trở thành quốc gia hàng đầu về công nghiệp nuôi biển trong khối ASEAN

Việt Nam phấn đấu sẽ trở thành quốc gia hàng đầu về công nghiệp nuôi biển trong khối ASEAN và châu Á, đứng tốp 5 trên thế giới về sản lượng và giá trị xuất khẩu hải sản nuôi...

Diễn đàn trực tuyến Pphát triển ngành nuôi biển quy mô công nghiệp của Việt Nam.

Chiều 21/5/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Đại sứ quán Hoàng gia Na Uy tổ chức Diễn đàn trực tuyến" Phát triển ngành nuôi biển quy mô công nghiệp của Việt Nam".

NGHỀ NUÔI BIỂN PHÁT TRIỂN NHANH

Diễn đàn được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Na Uy và Việt Nam và gần 40 năm hợp tác song phương giữa hai nước trong lĩnh vực thủy sản.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết trong 4 thập kỷ qua, Na Uy đã hỗ trợ kỹ thuật rất đáng kể cho ngành thủy sản của Việt Nam. Hợp tác giữa hai nước đã mang lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế hai nước.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Chiến lược phát triển thủy sản của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 3/2021 đã đề ra một số mục tiêu trong đó có giảm bớt cường lực khai thác nguồn lực tự nhiên trên biển và tăng cường nuôi biển ở những khu vực phù hợp.

Bên cạnh đó, Chiến lược cũng đặt mục tiêu phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam theo hướng hiện đại, cạnh tranh hơn, có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời gắn kết các bên liên quan với nhau để khai thác tiềm năng và sử dụng các nguồn lợi đại dương một cách có trách nhiệm và bền vững.

"Chúng ta đều rất tự hào về quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực thủy sản suốt thời gian qua. Giờ, chúng ta đang cùng nhau tìm hiểu cách thức để thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư vào ngành nuôi biển ở Việt Nam. Na Uy có nhiều điều để chia sẻ dựa trên những bài học của chúng tôi với ngành công nghiệp cá hồi nổi tiếng".

Bà Grete Lochen - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam

TS. Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam cho biết, nghề nuôi biển đã phát triển nhanh trong vòng 10 năm qua, nếu như năm 2010 tổng diện tích nuôi biển của cả nước mới chỉ đạt 38.800 ha, thì đến năm 2019 đã đạt 256.479 ha, với tốc độ tăng trưởng bình quân 23,3%/năm.

Về sản lượng nuôi biển, nếu năm 2010 mới đạt 156.681 tấn thì đến năm 2019 đã đạt 597.751 tấn, với tốc độ tăng trưởng bình quân 16%/năm. Năm 2020, sản lượng nuôi biển đạt 610 nghìn tấn, bao gồm: cá biển 58 nghìn tấn, nhuyễn thể 375 nghìn tấn, tôm hùm 2,1 nghìn tấn, cua ghẹ 55 tấn, rong biển 120 nghìn tấn.

Về tiêu thụ sản phẩm nuôi biển, nhuyễn thể, hiện đã có 12 vùng nuôi nhuyễn thể an toàn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, hàng năm xuất khẩu đạt kim ngạch khoảng 100 triệu USD, trong đó vào thị trường chính là EU (chiếm 64,2%), còn lại là các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN…

Sản phẩm rong tảo chủ yếu cung cấp cho các nhà máy chế biến thạch, làm bánh kẹo, một số doanh nghiệp đã liên kết chế biến rong xuất đi Nhật Bản, Hàn Quốc. Tôm hùm nuôi tại Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (chiếm 90% tổng sản lượng thu hoạch), phần nhỏ tiêu thụ nội địa. Cá biển nuôi phần lớn xuất khẩu dạng tươi sống sang Trung Quốc, một khối lượng không lớn xuất khẩu sang Mỹ, EU sau chế biến với kim ngạch khoảng 30 triệu USD/năm.

HƯỚNG TỚI 10 TỶ USD KIM NGẠCH XUẤT KHẨU VÀO NĂM 2045

Theo ông Luân, Công nghiệp nuôi biển ở Việt Nam đặt ra mục tiêu trở thành bộ phận chính của kinh tế biển; phấn đấu, đưa Việt Nam sẽ trở thành quốc gia hàng đầu về công nghiệp nuôi biển trong khối ASEAN và châu Á, đứng tốp 5 trên thế giới về sản lượng và giá trị xuất khẩu hải sản nuôi; sản lượng nuôi biển đạt 3,0 triệu tấn/năm; giá trị thương mại và xuất khẩu trên 10 tỷ USD vào năm 2045.

Để thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển nhanh, hàng loạt chính sách đã được thiết kế. Cụ thể, Nhà nước sẽ miễn, giảm thuế đất, mặt nước, miễn giảm các loại thuế phí cho các thành phần kinh tế đầu tư vào nuôi biển công nghiệp tại Việt Nam. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để nhập công nghệ, vật tư, thiết bị phục vụ nuôi biển.

Nhà nước sẽ giao quyền sử dụng đất đai, mặt nước lâu dài để doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi biển ổn định và cho phép chuyển đổi diện tích hoạt động các ngành kinh tế khác sang phát triển nuôi biển.

"Những bài học thực tế như áp dụng công nghệ cao, đầu tư nuôi biển của doanh nghiệp Na Uy sẽ rất hữu ích cho việc phát triển bền vững nuôi biển quy mô công nghiệp của Việt Nam".

TS. Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam

Ông Arne-Kjetil Lian, Tham tán thương mại Na Uy, Giám đốc Innovation Norway, cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển bền vững ngành nuôi biển quy mô công nghiệp, nhưng điều này đòi hỏi tư duy công nghệ và các giải pháp xanh. Để phát triển thành công ngành nuổi biển quy mô công nghiệp, nguồn nhân lực cũng là yếu tố vô cùng quan trọng.

"Đảm bảo có được một đội ngũ công nhân có chất lượng, biết làm chủ công nghệ 4.0 và máy móc kỹ thuật đặc thù của ngành và đáp ứng được các yêu cầu đặt ra của doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp cũng hoạt động mà VCCI đang theo đuổi trong một chương trình Đào tạo nguồn nhân lực đầu tiên cho ngành nuôi biển công nghiệp phối hợp với Liên đoàn Giới chủ Na Uy (NHO) trong 2 năm qua", ông Arne-Kjetil Lian cho biết thêm.

Tại Diễn đàn, đại diện của nhiều doanh nghiệp thủy sản của Na Uy như: Scale AQ Vietnam; PHARMAQ Vietnam; SELSTAD AS; SKRETTING; Công ty TNHH Thủy Sản Australis Việt Nam; MMC FIRST PROCESS đã bày tỏ sự hào hứng sẵn sàng đầu tư vào nuôi biển tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Bộ Công thương và Thủy sản Na Uy và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã ký kết Ý định thư về Tăng cường và Phát triển Hợp tác trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên biển.

Trên cơ sở bản Ý định thư được ký kết, hai bên tạo điều kiện và hỗ trợ cho các cơ quan quản lý, các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực phục vụ cho phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển như: Tăng cường năng lực và hợp tác nghiên cứu; Thúc đẩy thương mại, hợp tác đầu tư của khu vực tư nhân; Khuyến khích trao đổi các đoàn doanh nghiệp và tham gia các hội chợ/triển lãm về phát triển nuôi trồng thủy sản.

Chu Khôi -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/viet-nam-se-tro-thanh-quoc-gia-hang-dau-ve-cong-nghiep-nuoi-bien-trong-khoi-asean.htm