Việt Nam số hóa: Chủ động thích ứng để phát triển bền vững

Ngày 12/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chủ trì tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2020 (VBS 2020). Đây là một hoạt động trong khuôn khổ các hoạt động doanh nghiệp bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN 2020 tại Khách sạn Daewoo, Hà Nội.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Hơn 1.500 đại biểu trong nước và quốc tế đã tham gia trực tiếp và trực tuyến trên phạm vi toàn cầu.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, đại dịch Covid-19 cho thấy số hóa là xu thế của thời đại, thực sự xuất hiện mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, đại dịch Covid-19 cho thấy số hóa là xu thế của thời đại, thực sự xuất hiện mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực.

VBS 2020 là Hội nghị xúc tiến thương mại và đầu tư thường niên lớn nhất của Việt Nam, quy tụ hàng nghìn nhà đầu tư trong và ngoài nước tới tìm hiểu cơ hội hợp tác với Việt Nam. Hội nghị là diễn đàn hàng đầu để các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo địa phương giới thiệu những định hướng, ưu đãi mới nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và thu hút luồng đầu tư chất lượng cao. Hội nghị cũng là cơ hội để các doanh nghiệp cùng thảo luận, trao đổi những thực tiễn tốt, mô hình hợp tác thành công, đưa ra các khuyến nghị nhằm thuận lợi hóa thương mại và đầu tư.

Sự kiện thu hút hàng nghìn doanh nghiệp tham gia.

Sự kiện thu hút hàng nghìn doanh nghiệp tham gia.

Với chủ đề “Việt Nam số hóa: Chủ động thích ứng để phát triển bền vững”, Hội nghị tập trung thảo luận những cơ hội mới cho các nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Việt Nam cũng như các nền kinh tế khác chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch và khuynh hướng đầu tư mới của khu vực. Vì vậy, Việt Nam cần vượt qua những thách thức và nắm bắt những cơ hội để trở thành điểm dừng chân của làn sóng đầu tư mới của khu vực, đặc biệt trong hai lĩnh vực then chốt: Dịch vụ hậu cần thông minh (logistics) và nông nghiệp công nghệ cao.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI nhận xét, ngành logistics là chìa khóa để Việt Nam tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu. Dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch toàn cầu, ngành dịch vụ logistics đang có những thay đổi lớn. Ngành logistic Việt Nam đang là một điểm nghẽn của sự phát triển. Chi phí logistic ở Việt Nam đang ở mức cao nhất ở khu vực và thế giới. Việt Nam cần khắc phục điểm nghẽn này, tạo ra bước đột phá trong phát triển logistic. Có những cơ hội trong phát triển lĩnh vực này, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI chia sẻ tại Hội nghị.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI chia sẻ tại Hội nghị.

Là một trong những nước có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu trên thế giới, việc hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam sẽ giúp tăng sản lượng và chất lượng nông sản, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Vậy nên, Việt Nam cần nâng cao chất lượng và sản lượng cho xuất khẩu nông sản, tìm hướng phát triển cho sản xuất nông nghiệp, và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp vì đây chính là cơ hội tốt để Việt Nam xuất khẩu nông sản.

Chủ tịch VCCI cũng cho biết, Hội nghị VBS là sáng kiến của Việt Nam trong năm APEC 2017. Kể từ đó đến nay, hội nghị luôn là sự kiện được cộng đồng các nhà đầu tư mong đợi nhất trong năm. Với khẩu hiệu “Viet Nam, We mean Bussiness” - “Việt Nam: Đối tác kinh doanh tin cậy”. Hội nghị đã khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường Việt Nam” Thuận lợi trong dịch vụ logistic sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.

Các diễn giả chia sẻ tại Hội nghị.

Các diễn giả chia sẻ tại Hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Để thúc đẩy phát triển kinh tế, Chính phủ Việt Nam chủ trương nỗ lực xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ người dân; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Thúc đẩy nền kinh tế số, xã hội số; hướng tới phát triển bền vững. Chính phủ sẽ hỗ trợ hạ tầng kĩ thuật số, công nghệ thông tin và truyền thông đào tạo nhân lực chất lượng cao, giàu kĩ năng nhằm đưa đóng góp của kinh tế số lên 20% GDP của cả nước vào năm 2025.

Chính phủ cũng sẽ ưu tiên đầu tư và triển khai nhanh các dự án kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng chiến lược, hạ tầng xương sống số về cả 3 phương diện số lượng, chất lượng và tính đồng bộ hướng đến mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao, nền kinh tế xanh và bền vững.

Ngày 13/11/2020, tại Khách sạn Daewoo - 360 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại và Đầu tư ASEAN (ASEAN - BIS) là Diễn đàn thường niên hàng đầu của khu vực Đông Nam Á, được tổ chức bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN, nơi hội tụ các lãnh đạo cấp cao, các nhà hoạch định, tư vấn chính sách với các doanh nghiệp hàng đầu của khu vực.

Đây là một Diễn đàn đặc biệt, nơi các nguyên thủ ASEAN và các nước đối tác cùng thảo luận với cộng đồng khu vực tư nhân về tương lai của khu vực. Với chủ đề năm nay: “ASEAN số: Bền vững và bao trùm”,Hội nghị sẽ thảo luận về tầm quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kích thích tăng trưởng thương mại - đầu tư, khắc phục những hậu quả của đại dịch Covid 19, cùng nhiều thách thức khác đối với khu vực.

Theo thông lệ, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN BIS năm nay sẽ có sự tham gia và phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo các nước ASEAN cũng như Lãnh đạo cấp cao của các đối tác của ASEAN (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Anh), các tổ chức quốc tế, cùng lãnh đạo các tập đoàn lớn của Việt Nam, ASEAN và quốc tế.

Khắc Kiên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/viet-nam-so-hoa-chu-dong-thich-ung-de-phat-trien-ben-vung-401587.html