Việt Nam sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài minh bạch, hiệu quả

Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, huy động và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài minh bạch, hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione. Ảnh: VGP

Chiều nay (22/6), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione; tiếp ông Eric Sidgwic, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tiếp Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn WB tại Việt Nam đã luôn quan tâm, hỗ trợ Việt Nam kịp thời trong quá trình phòng, chống COVID-19, Thủ tướng cho biết, Việt Nam kiểm soát dịch thành công, giúp xã hội chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione bày tỏ, 4 năm nhiệm kỳ ở Việt Nam là rất đáng nhớ với ông. Ông vui mừng vì một số bản kiến nghị chính sách của WB đã được Chính phủ Việt Nam tiếp thu, đồng thời cho rằng, hiện nay, việc nắm bắt cơ hội phục hồi hậu COVID-19 là rất phù hợp đối với Việt Nam.

Ông Ousmane Dione cho biết, đã đi 140 chuyến khắp 34 tỉnh, thành phố, khoảng cách Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình không còn quá xa và ông đã từng nói nhiều về sự thần kỳ của Việt Nam trong các bài báo. Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, ông cho rằng, Việt Nam cần có biện pháp để trở thành nước có thu nhập trung bình.

Trong giai đoạn phát triển tới, ông Ousmane Dione cho rằng, Việt Nam cần phát triển nhanh số hóa, là tương lai của đất nước hiện đại; cung cấp dịch vụ cho người dân nhanh hơn, tốt hơn; nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Đánh giá Thủ tướng Chính phủ Việt Nam luôn có mặt xử lý các vấn đề quan trọng, chỉ đạo hiệu quả việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ông Ousmane Dione cho rằng, việc Chính phủ ban hành Nghị định 56 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài là rất cần thiết.

Đối với vấn đề nguồn nước sông Mekong và Đồng bằng sông Cửu Long, ông Ousmane Dione nhận định, đây là vấn đề quan trọng cần thúc đẩy hợp tác quốc tế để giải quyết. Điều này cũng góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL.

Với những thành công của Việt Nam, ông Ousmane Dione tin rằng, Việt Nam thực sự là hình mẫu để chia sẻ cho các nước mới nổi. Ông bày tỏ sẽ kết thúc nhiệm kỳ công việc tại Việt Nam bằng tinh thần Việt Nam, đó là sự quyết tâm, bác ái, cởi mở, luôn sẵn sàng bảo vệ lẽ phải. Ông Ousmane Dione cũng bày tỏ tự hào làm việc trong giai đoạn mà Việt Nam đang phát triển rất đúng hướng và gặt hái nhiều thành công. Ông khẳng định, WB và người kế nhiệm ông sẽ luôn sát cánh với Việt Nam trong quá trình phát triển.

Cảm ơn Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam đã dành những tình cảm tốt đẹp cho Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về đầu tư công, quản lý nợ công thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng để các bộ ngành, địa phương và nhà tài trợ triển khai, huy động và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài minh bạch, hiệu quả.

Thủ tướng cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và ban hành trong năm 2020 về Định hướng cho giai đoạn 2021 - 2025 gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 làm cơ sở để các bộ ngành phối hợp với WB lựa chọn các chương trình, dự án cụ thể, qua đó thúc đẩy hiệu quả trong hợp tác hai bên.

Về tình hình chuẩn bị các dự án tài khóa 2020 của WB, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam còn nhiều khó khăn, do đó những hỗ trợ về vốn của WB là hết sức thiết thực để Việt Nam phát triển. Thủ tướng cho biết đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, trao đổi với WB về khoản vay chống COVID-19 mà WB đề xuất.

Về huy động các khoản viện trợ không hoàn lại, Chính phủ Việt Nam ghi nhận WB đã tích cực, nỗ lực huy động các nguồn viện trợ từ các đối tác để có các khoản vay phù hợp. Thủ tướng đề nghị WB tiếp tục tăng cường huy động thêm các nguồn vốn viện trợ không hoàn lại hỗ trợ cho các khoản vay, sao cho điều kiện vay tương đương với vốn vay ODA trước đây.

* Tiếp ông Eric Sidgwic, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Chính phủ Việt Nam coi ADB là một trong những nhà tài trợ hàng đầu về tài trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn.

Thủ tướng cảm ơn ADB đã tích cực hỗ trợ kỹ thuật cho Văn phòng Chính phủ xây dựng hệ thống thông tin họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet). Chính phủ Việt Nam ủng hộ chiến lược 2030 của ADB đã phê duyệt nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của LHQ và tiếp tục hỗ trợ các nước thành viên giải quyết các vấn đề như nghèo đói, phát triển không đồng đều, chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy lĩnh vực tư nhân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Eric Sidgwic, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam. Ảnh: VGP

Về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý ODA, vay ưu đãi, Thủ tướng nêu rõ, những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về đầu tư công, quản lý nợ công thông qua việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng để các bộ ngành, địa phương và nhà tài trợ triển khai, huy động và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài minh bạch, hiệu quả.

Khẳng định Việt Nam luôn thực hiện nghiêm chỉnh, minh bạch các cam kết với ADB, Thủ tướng cho biết đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và ban hành trong năm 2020 Định hướng cho giai đoạn 2021 - 2025 gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021 - 2025 làm cơ sở để các bộ ngành phối hợp với ADB lựa chọn các chương trình, dự án cụ thể thúc đẩy hiệu quả trong hợp tác hai bên.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang phấn đấu trở thành nước có thu nhập trung bình, rất cần nhiều nguồn lực, trong khi vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do đó nguồn vốn hỗ trợ của ADB là hết sức quan trọng. Việt Nam mong ADB hỗ trợ nhiều hơn nữa để phát triển các lĩnh vực quan trọng như kết cấu hạ tầng; nông nghiệp thông minh, năng lượng sạch, phát triển đô thị, môi trường, y tế, giáo dục...

Ông Eric Sidgwic cho biết, trong nhiệm kỳ qua, ông đã được chứng kiến sự hợp tác chặt chẽ giữa ADB với Việt Nam, chứng kiến sự phát triển thành công của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Giám đốc Quốc gia ADB đánh giá, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Việt Nam luôn trân trọng sự hợp tác, phát triển mối quan hệ với ADB. Ông rất ấn tượng và xúc động trước tình cảm và sự nhiệt thành của Việt Nam; khẳng định Việt Nam đã sử dụng hiệu quả nguồn lực phân bổ của ADB.

Chúc mừng Việt Nam thành công trong kiềm chế đại dịch COVID-19, ông cho rằng đó chính là thành tựu vượt bậc của Việt Nam. Theo dự báo của ADB, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP từ 4 - 4,1% trong năm nay. Tuy nhiên, có nhiều dự báo khả năng Việt Nam sẽ đạt cao hơn mức này. Nhưng dù sao đạt mức mà ADB đưa ra là rất tuyệt vời trong bối cảnh hiện nay. ADB luôn sẵn sàng hỗ trợ ngân sách khi Chính phủ Việt Nam cần.

Đầu năm tới, ADB xây dựng chiến lược đối tác quốc gia mới để phù hợp tình hình mới của Việt Nam. ADB sẽ xem xét các chiến lược, nguồn vốn hỗ trợ Việt Nam một cách cụ thể.

ADB hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thông qua các hình thức tài chính đối với các dự án hạ tầng quan trọng; huy động nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và nguồn vốn vay thông thường; sử dụng nguồn vốn ADB để thu hút cả các nguồn vốn tư nhân, nguồn vốn hỗ trợ kỹ thuật khác. Ngoài nguồn hỗ trợ cho Nhà nước, ADB còn có thể huy động vốn cho đổi mới sáng tạo, tri thức.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viet-nam-su-dung-nguon-von-vay-nuoc-ngoai-minh-bach-hieu-qua-post83617.html