Việt Nam tại Hội đồng Bảo an LHQ: Bản sắc định vị giá trị và uy tín
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam đã có nhiệm kỳ thành công tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, được khái quát thông qua 10 dấu ấn.
Chủ trì họp báo quốc tế về việc Việt Nam hoàn thành nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chia sẻ một trong những điều đọng lại sau hành trình hai năm qua và khiến ông tâm đắc nhất là tại HĐBA - sân chơi quốc tế rất quan trọng, Việt Nam đã thể hiện rõ nét bản sắc riêng. Bản sắc đó là yếu tố định vị Việt Nam, tạo nên giá trị và uy tín lâu dài cho Việt Nam trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Có lẽ, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về vị thế ngày nay của Việt Nam tại LHQ hay bản sắc của Việt Nam tại HĐBA bởi hơn bốn thập kỷ trước, ngoại giao Việt Nam đã phải vô cùng khó khăn để chiến đấu, “giải vây” và bảo vệ đất nước giữa trùng trùng bao vây, cô lập.
Đối tác vì hòa bình bền vững
Dù là quá khứ hay hiện tại, tinh thần Việt Nam mang tới LHQ hay HĐBA luôn là “yêu chuộng hòa bình”. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, bản sắc riêng của Việt Nam tại HĐBA trong nhiệm kỳ qua có thể gói gọn trong thông điệp mà Việt Nam đưa ra ngay từ đầu: “Đối tác vì hòa bình bền vững”, trong đó Việt Nam truyền tải thông điệp về đất nước đổi mới năng động, nhân ái, nhân văn, yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng đóng góp cho hòa bình an ninh và thịnh vượng của thế giới.
Trước các vấn đề phức tạp, Việt Nam luôn cố gắng thúc đẩy đối thoại giữa các bên nhằm thu hẹp khoảng cách khác biệt, hướng tới các điểm đồng.
Về tầm nhìn, Việt Nam đề cao cách tiếp cận tổng thể, toàn diện trong giải quyết các thách thức về hòa bình và an ninh để có nền hòa bình bền vững lâu dài. Các giải pháp Việt Nam ủng hộ, thúc đẩy đều căn cứ trên luật pháp quốc tế, đặt người dân và sinh kế của họ ở vị trí trung tâm, chú trọng mọi giai đoạn của tiến trình hòa bình, từ khâu ngăn ngừa xung đột đến giải quyết xung đột, đến tái thiết hậu xung đột và giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột.
Về cách thức thực hiện, sắc thái riêng của Việt Nam thể hiện luôn hướng tới thúc đẩy đồng thuận chung, thúc đẩy hợp tác đối thoại giảm căng thẳng đối đầu. Việt Nam đã tham gia bàn thảo tất cả các vấn đề trong chương trình nghị sự của HĐBA với tinh thần rất tích cực, xây dựng, chú trọng quan điểm của các nước liên quan trực tiếp.
Trong vai trò điều hành là Chủ tịch HĐBA hoặc chủ tịch của các cơ chế trực thuộc, Việt Nam luôn lắng nghe, tìm điểm đồng, giải quyết thỏa đáng quan tâm của các nước liên quan, chính vì vậy tạo nên sắc thái riêng trong bản sắc, trong quá trình tham gia.
Trước các vấn đề phức tạp, Việt Nam luôn cố gắng thúc đẩy đối thoại giữa các bên nhằm thu hẹp khoảng cách khác biệt, hướng tới các điểm đồng. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ: “Trong khó khăn dù là nhỏ nhất cũng phải thúc đẩy để đề xuất các giải pháp đáp ứng quan tâm chính đáng của các bên liên quan và quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, nỗ lực thúc đẩy đồng thuận chung”.
Vẹn tròn những dấu ấn
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam đã có nhiệm kỳ thành công tại HĐBA LHQ, được khái quát thông qua 10 dấu ấn.
Một là, Việt Nam luôn thúc đẩy cách tiếp cận đa phương, kiên trì đề cao luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.
Hai là, Việt Nam thúc đẩy việc tìm kiếm giải pháp bền vững, toàn diện cho xung đột.
Ba là, xuất phát từ chính kinh nghiệm của đất nước đã trải qua nhiều năm chiến tranh để có nền hòa bình như ngày nay, Việt Nam đã thúc đẩy tinh thần nhân văn, nhân ái, hướng tới người dân, tăng cường hành động nhân đạo, bảo vệ thường dân trong xung đột một cách thực chất.
Bốn là, từ kinh nghiệm tái thiết đất nước sau chiến tranh, Việt Nam hướng sự quan tâm của HĐBA và cộng đồng quốc tế đến những hậu quả lâu dài của xung đột, chiến tranh đối với cuộc sống của người dân và an ninh, phát triển của các quốc gia, trong đó có vấn đề bom mìn còn sót lại sau xung đột.
Năm là, Việt Nam đã làm cầu nối và nỗ lực thúc đẩy thực chất việc tăng cường hợp tác giữa LHQ, HĐBA với các tổ chức khu vực trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Sáu là, Việt Nam luôn thúc đẩy sự quan tâm và giải pháp chính sách hướng tới các nhóm dễ bị tổn thương trong xung đột, nhất là phụ nữ và trẻ em.
Bảy là, Việt Nam tích cực thúc đẩy hành động chung về các vấn đề an ninh phi truyền thống bức thiết đối với cộng đồng quốc tế, như ứng phó với đại dịch Covid-19, an ninh biển và nhất là về biến đổi khí hậu.
Tám là, Việt Nam thể hiện sự cân bằng, minh bạch, trách nhiệm trong điều hành, xử lý các công việc chung, góp phần giảm thiểu khác biệt, thúc đẩy đối thoại, hợp tác.
Chín là, góp phần đề cao tiếng nói của các nước Ủy viên không thường trực HĐBA.
Mười là, bên cạnh việc đóng góp về chính sách tại HĐBA, Việt Nam cũng có những đóng góp khác vào LHQ thông qua việc tăng cường cử lực lượng làm nhiệm vụ tại các Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ, chủ trì Nghị quyết định kỳ về hợp tác LHQ - ASEAN; đề xuất sáng kiến về Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ về Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh, khởi xướng thành lập Nhóm Bạn bè của Công ước Luật biển UNCLOS 1982.
Ngoại giao Hồ Chí Minh, ngoại giao tâm công tỏa sáng
Nhiều người kể rằng, tại HĐBA, thời gian một ngày có lẽ không tính bằng 24 giờ, cường độ làm việc xuyên thời gian và khối lượng công việc luôn “cao như núi”… ấy vậy, có những người đã quen với nhịp độ ấy, bịn rịn và nhớ. Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ chia sẻ trong một dịp trả lời phỏng vấn báo chí: “Tôi rất mừng vì công việc đã hoàn tất nhưng cũng có cảm giác bâng khuâng vì mạch làm việc hai năm qua đã quen”.
Hành trang nào để họ dấn thân không mỏi mệt, không lùi bước trước gian nan? Theo “thuyền trưởng” của Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, có rất nhiều yếu tố nhưng quan trọng là: Việt Nam có vốn chính trị, đó là lịch sử hào hùng của dân tộc, những thành công trong công cuộc Đổi mới. Bên cạnh đó, Việt Nam có đường lối đối ngoại đúng đắn; có cơ chế chỉ đạo và cơ chế triển khai hiệu quả.
Riêng đối với Đại sứ Đặng Đình Quý, ông tâm đắc hai điều: Thứ nhất là ngoại giao Hồ Chí Minh, ngoại giao tâm công. “Đối với tất cả các đối tác, khi đấu tranh phải có bản lĩnh, nhưng cũng phải có tình, có lý; khi hợp tác với họ, phải có nguyên tắc, nhưng cũng phải thấm đậm tình người. Tôi nghĩ đó chính là ngoại giao tâm công khi triển khai tại các diễn đàn đa phương như thế này, phải tranh thủ được trái tim của người ta”.
Điều thứ hai là lòng tin. “Đảng và Nhà nước rất tin tưởng, giao cho đối ngoại, giao cho chúng tôi, tập thể Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, New York, trách nhiệm này, chính sự tin tưởng đó đã tạo cho chúng tôi động lực và bản lĩnh để hoàn thành tốt hơn với nỗ lực cao hơn những nhiệm vụ được giao phó”.
Về những nỗ lực tiếp theo để phát huy các thành quả của hai năm qua, Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng, tại LHQ, Việt Nam tiếp tục các ưu tiên như thúc đẩy việc thượng tôn luật pháp quốc tế; bảo vệ dân thường, nhất là phụ nữ và trẻ em; xử lý các thách thức an ninh, trong đó có an ninh phi truyền thống.
Điều khác là Việt Nam sẽ tập trung vào hoạt động tại các ủy ban như: Ủy ban 1 về các vấn đề an ninh, Ủy ban 6 về Luật pháp quốc tế; Ủy ban 3 về bảo vệ và thực thi quyền con người; Ủy ban 2 về các vấn đề phát triển…
Trong đó, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, cách tiếp cận đa phương, đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, các tổ chức đa phương, quốc tế, trong đó LHQ có vai trò trung tâm trong ứng phó với các thách thức chung toàn cầu.
Việt Nam cũng ứng cử một số cơ quan, tổ chức quan trọng trong khuôn khổ LHQ như Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, tích cực tham gia Hội đồng Chấp hành UNESCO, Ủy ban Luật pháp quốc tế, nghiên cứu tham gia một số cơ chế, chủ đề quan trọng khác và tích cực thúc đẩy một số sáng kiến, biện pháp đã đề ra thời gian qua như bảo vệ thường dân, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột, luật pháp quốc tế, Nhóm bạn bè về UNCLOS, Nhóm bạn bè về biến đổi khí hậu.
Ngày 31/12/2021, tại trụ sở LHQ tại New York diễn ra lễ hạ quốc kỳ đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ của năm nước Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ giai đoạn 2020-2021, trước lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, Đại sứ Đặng Đình Quý nở nụ cười tự hào!
Có lẽ, bao khó khăn từng đến trong hai năm qua bỗng “nhẹ như bấc”, thay vào đó là niềm hạnh phúc khôn tả xiết, khép lại những tháng ngày “vẹn tròn”, đáng nhớ, với không chỉ riêng ông, đồng nghiệp mà với cả ngành Ngoại giao và đất nước!