Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu
Chiều tối 26/9, vào 18 giờ 30 theo giờ Việt Nam, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO đã tổ chức lễ công bố Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) năm 2024 tại Geneva.
Tăng 2 bậc về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu
Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu, Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023. Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo, tăng 4 bậc so năm 2023, từ vị trí 57 lên 53 (đầu vào đổi mới sáng tạo gồm 5 trụ cột: Thể chế, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Trình độ phát triển của thị trường, Trình độ phát triển của doanh nghiệp). Đầu ra đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so năm 2023, từ vị trí 40 lên 36 (đầu ra đổi mới sáng tạo gồm 2 trụ cột: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo).
Việt Nam duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Quốc gia thu nhập trung bình thấp xếp trên Việt Nam là Ấn Độ với thứ hạng 39. Ngoài ra, có 5 quốc gia có thu nhập trung bình cao xếp trên Việt Nam là (Trung quốc xếp hạng 11, Malaysia xếp hạng 33, Thổ Nhĩ Kỳ xếp hạng 37 Bulgaria xếp hạng 38 và Thái Lan xếp hạng 41), còn lại tất cả các quốc gia xếp trên Việt Nam đều là các quốc gia có nền công nghiệp phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 4 (sau: Singapore, Malaysia và Thái Lan).
Trong Báo cáo GII 2024 của WIPO, Việt Nam được WIPO ghi nhận là một trong 8 quốc gia thu nhập trung bình cải thiện thứ hạng nhiều nhất tính từ năm 2013 (gồm: Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Iran và Marocco). Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp (gồm: Ấn Độ, Moldova và Việt Nam).
Trong 14 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo. Điểm số các trụ cột của Việt Nam cao hơn các quốc gia ở nhóm thu nhập trung bình thấp và thậm chí còn cao hơn nhóm thu nhập trung bình cao, ngoại trừ trụ cột 2 về Nguồn nhân lực và nghiên cứu.
Một số cải thiện đáng chú ý
Năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là chỉ số: Nhập khẩu công nghệ cao, Xuất khẩu công nghệ cao và Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo. Có 3 chỉ số thuộc nhóm 10 quốc gia dẫn đầu thế giới là: Tốc độ tăng năng suất lao động (xếp hạng 3); Số lượng ứng dụng điện thoại thông minh được tạo ra (xếp hạng 7) và Phần chi nghiên cứu và phát triển do doanh nghiệp trang trải/tổng chi nghiên cứu và phát triển (xếp hạng 9).
Về cơ sở hạ tầng (Trụ cột 3), năm 2024, Việt Nam xếp hạng 56, tăng 14 bậc từ vị trí 70 năm 2023. Kết quả này đạt được do WIPO thay đổi phương pháp, theo đó, WIPO đã bỏ chỉ số: Chất lượng môi trường (theo đánh giá của Đại học Yale) mà Việt Nam luôn có thứ hạng thấp trong nhiều năm qua (năm 2023 xếp hạng 130), thay vào đó sử dụng chỉ số mới là Tỷ lệ sử dụng nguồn năng lượng phát thải các-bon thấp (%). Chỉ số này trong GII 2024 Việt Nam đạt 26.8%, xếp hạng 46. Hai chỉ số về năng lượng khác ở trụ cột này cũng có cải thiện tích cực là chỉ số Sản lượng điện, GWh/triệu dân, tăng 5 bậc từ thứ hạng 75 năm 2023 lên 70 và chỉ số GDP/đơn vị năng lượng sử dụng tăng 4 bậc từ thứ hạng 72 lên 68.
Về Trình độ phát triển của thị trường (Trụ cột 4), năm 2024 Việt Nam xếp hạng 43, tăng 6 bậc từ hạng 49 năm 2023. Trong trụ cột này, chỉ số cải thiện tích cực nhất là Số thương vụ các nhà đầu tư mạo hiểm đã thực hiện/PPP$GDP với mức tăng 10 bậc so năm 2023, hiện xếp hạng 50. Chỉ số Tín dụng nội địa cho khu vực tư nhân, % GDP tăng 6 bậc, lên vị trí 15, chỉ số này được WIPO coi là một trong những điểm mạnh của Việt Nam. Ngoài ra, có hai chỉ số cải thiện 3 bậc là Giá trị vốn hóa các công ty niêm yết (% GDP) từ vị trí 36 lên 33; chỉ số Số thương vụ nhận được vốn đầu tư mạo hiểm/tỷ PPP$GDP tiếp tục có xu hướng tăng, từ thứ hạng 54 năm 2021 lên thứ hạng 48 năm 2022 và thứ hạng 47 năm 2023, năm 2024 tiếp tục tăng 3 bậc lên vị trí 44.
Về Trình độ phát triển của doanh nghiệp (Trụ cột 5), năm 2024, Việt Nam xếp hạng 46, tăng 3 bậc so năm 2023. Trong đó điểm mạnh nhất vẫn là chỉ số Nhập khẩu công nghệ cao (% tổng giao dịch thương mại), tăng 3 bậc, trở về vị trí dẫn đầu thế giới (hạng 1). Chỉ số Trả tiền bản quyền, % tổng giao dịch thương mại tăng 5 bậc từ thứ hạng 85 năm 2023 lên 80. Ngoài ra, các chỉ số trong nhóm chỉ số về Liên kết sáng tạo đều có sự cải thiện tích cực, đóng góp vào sự tăng hạng của nhóm chỉ số này từ hạng 43 năm 2023 tăng 2 bậc lên 41.
Về đầu ra Sản phẩm tri thức và công nghệ (Trụ cột 6), năm 2024 Việt Nam xếp hạng 44, tăng 4 bậc so năm 2023. Trong đó, hai chỉ số tiếp tục là điểm mạnh của Việt Nam gồm: Chỉ số Xuất khẩu công nghệ cao (% tổng giao dịch thương mại) đã đứng đầu thế giới sau khi xếp hạng 3 năm 2023; Chỉ số Tốc độ tăng năng suất lao động (GDP/người lao động) xếp hạng 3, tăng 1 bậc so năm 2023.
Ngoài ra, trụ cột này có một số chỉ số có cải thiện đáng ghi nhận như sau:
Chỉ số Đơn đăng ký giải pháp hữu ích theo nước xuất xứ/tỷ $PPP GDP tăng 5 bậc, xếp hạng 34.
Chỉ số Định giá các công ty kỳ lân (% GDP) tăng 2 bậc, xếp hạng 31. Việt Nam hiện có 2 công ty kỳ lân được WIPO ghi nhận, giá trị được định giá chiếm 1.1% GDP.
Chỉ số Sản lượng ngành công nghệ cao (% tổng sản lượng sản xuất) tăng 10 bậc, xếp hạng 28. Sản lượng sản phẩm ngành công nghệ cao của Việt Nam chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng sản lượng sản xuất. Chỉ số này năm 2022 đạt 29.9%, xếp hạng 44, năm 2024 đạt 38.3%, xếp hạng 28.
Chỉ số Xuất khẩu dịch vụ ICT dù thứ hạng còn thấp nhưng đã tăng 20 bậc, từ hạng 115 năm 2023 lên hạng 95.
Về đầu ra Sản phẩm sáng tạo (Trụ cột 7), năm 2024, Việt Nam tăng 2 bậc từ thứ hạng 36 năm 2023 lên 34. Trong đó, nhóm chỉ số Sản phẩm và dịch vụ sáng tạo là điểm sáng khi thứ hạng tăng mạnh 11 bậc, từ hạng 29 năm 2023 lên 18. Sự cải thiện này chủ yếu nhờ chỉ số Xuất khẩu sản phẩm sáng tạo (% tổng giao dịch thương mại) lần đầu tiên đứng đầu thế giới, tăng 6 bậc, từ vị trí 7 năm 2023 lên vị trí dẫn đầu. Ngoài ra, chỉ số Xuất khẩu dịch vụ văn hóa và sáng tạo dù thứ hạng còn thấp nhưng đã tăng 6 bậc từ hạng 87 năm 2023 lên 81.
Một số chỉ số chưa cải thiện hoặc còn ở thứ hạng thấp cần tiếp tục quan tâm
Các vấn đề về Thể chế vẫn cần nhiều nỗ lực cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chỉ số Hiệu quả thực thi pháp luật vẫn chưa có sự cải thiện, xếp hạng 72 như năm 2023 (dù điểm số có cải thiện nhưng mức độ cải thiện không bằng các quốc gia khác). Chỉ số Chất lượng các quy định pháp luật sau khi cải thiện 10 bậc từ hạng 93 lên 83 vào năm 2022, năm 2023 lại giảm xuống vị trí 94 và năm 2024 tiếp tục giảm 1 bậc xuống vị trí 95.
Về Giáo dục và Giáo dục đại học (hai nhóm chỉ số thuộc Trụ cột 2. Vốn con người và Nghiên cứu), ngoài Chỉ số Tỷ lệ sinh viên nhập học đại học tăng 5 bậc, xếp hạng 78, các chỉ số còn lại trong hai nhóm chỉ số này vẫn chưa có sự cải thiện. Chỉ số Điểm PISA về đọc, toán và khoa học giảm 20 bậc từ thứ hạng 83 xuống; Chỉ số Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học và kỹ thuật giảm 4 bậc, từ hạng 59 xuống 63. Hai chỉ số chi công cho mỗi học sinh trung học và Số năm đi học kỳ vọng vẫn chưa có dữ liệu thống kê. Chỉ số Tỷ lệ sinh viên nước ngoài học tập trong nước tiếp tục ở thứ hạng thấp và giảm từ thứ hạng 103 xuống 105.
Nhóm chỉ số Hạ tầng ICT chưa có chuyển biến đáng kể. Năm 2021, nhóm chỉ số này xếp hạng 79, năm 2022 cải thiện 9 bậc, xếp hạng 70 nhưng năm 2023 và 2024 lại giảm xuống hạng 71 và 72. Trong đó, chỉ số Truy cập ICT năm 2022 và 2023 đạt thứ hạng 41 và 40 nhưng năm 2024 giảm tới 35 bậc, xếp hạng 75. Chỉ số Dịch vụ trực tuyến của chính phủ vẫn xếp hạng 75, chỉ số Mức tham gia trực tuyến vẫn xếp hạng 71 như năm 2023 (dữ liệu của hai chỉ số này là kết quả điều tra 2 năm/lần). Ngoài ra, về ICT còn Chỉ số Nhập khẩu dịch vụ ICT (% tổng giao dịch thương mại) cũng ở vị trí rất thấp, chưa cải thiện, năm 2023 xếp hạng 127, năm 2024 xếp hạng 129.
Các chỉ số về năng lượng, môi trường sinh thái dù có cải thiện so năm 2023 nhưng hiện vẫn có thứ hạng thấp (Chỉ số Sản lượng điện, GWh/triệu dân xếp hạng 70; Chỉ số GDP/đơn vị năng lượng sử dụng xếp hạng 68). Chỉ số Số chứng chỉ ISO 14001/tỷ PPP GDP giảm 6 bậc so năm 2023, hiện xếp hạng 49
Về Thương mại, đa dạng hóa và quy mô thị trường, có hai chỉ số có sự sụt giảm rất lớn trong năm 2024 cần đặc biệt chú ý gồm: Chỉ số Mức thuế quan bình quân gia quyền/tất cả các sản phẩm giảm 31 bậc từ hạng 17 xuống 48; Chỉ số Mức độ đa dạng của sản xuất trong nước giảm 16 bậc từ hạng 7 xuống 23.
Nhóm Chỉ số Lao động có kiến thức không được cải thiện và có xu hướng giảm thứ hạng liên tục từ năm 2020 đến nay. Năm 2020, nhóm chỉ số này xếp hạng 63, năm 2021 xếp hạng 68, năm 2022 xếp hạng 75 và năm 2024 tiếp tục giảm 9 bậc, xếp hạng 84. Trong đó, Chỉ số Việc làm trong các ngành thâm dụng tri thức (% tổng việc làm) luôn ở thứ hạng thấp, năm 2024 xếp hạng 109 (với tỷ lệ 10.4%, có cải thiện so năm 2023 nhưng vẫn còn rất thấp). Chỉ số Tỷ lệ doanh nghiệp có đào tạo chính thức (%) năm 2024 là 8.7% giảm 26 bậc, xếp hạng 97. Chỉ số Lao động nữ có trình độ chuyên môn kĩ thuật cao (% tổng lao động) năm 2024 chiếm 7.5%, xếp hạng 88.
Về Sản phẩm Tri thức và công nghệ, nhóm Chỉ số về Sáng tạo tri thức xếp hạng 84, giảm 4 bậc so năm 2023, trong đó các chỉ số đáng chú ý gồm: Chỉ số Đơn đăng ký sáng chế theo nước xuất xứ, trên 1 tỷ $PPP GDP xếp hạng 68, giảm 8 bậc; Chỉ số Đơn đăng ký sáng chế PCT, trên 1 tỷ $PPP GDP xếp hạng 91, giảm 3 bậc; Chỉ số Số công bố bài báo khoa học và kỹ thuật (PPP$GDP) xếp hạng 97, không thay đổi so năm 2023.
Về Sản phẩm sáng tạo, ngành công nghiệp sáng tạo đã xuất hiện những chỉ dấu tích cực, nhưng vẫn còn ở thứ hạng thấp hoặc chưa cải thiện tích cực. Một số chỉ số có thứ hạng thấp cần được cải thiện gồm: Chỉ số Mật độ tài sản vô hình xếp hạng 57, giảm 19 bậc so 2023; Chỉ số Xuất khẩu dịch vụ văn hóa và sáng tạo (% tổng giao dịch thương mại) xếp hạng 81 (tăng 6 bậc so 2023); Chỉ số Phim truyện quốc gia được sản xuất/1 triệu dân độ tuổi 15-69 xếp hạng 76 (tăng 1 bậc so năm 2023); Chỉ số Tỷ lệ tên miền gTLD/1 nghìn dân độ tuổi 15-69 xếp hạng 76 (giảm 3 bậc so năm 2023).
Trong GII 2024, Việt Nam còn 3 chỉ số chưa có dữ liệu và 12 chỉ số sử dụng dữ liệu không cập nhật.