Việt Nam tăng 25 bậc về chỉ số xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu

Việt Nam vươn lên nhóm 25 quốc gia dẫn đầu về Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu – GCI 2020 do Liên minh Viễn thông quốc tế ( ITU) đánh giá. Song để trở thành cường quốc an ninh mạng, Việt Nam cần duy trì thứ hạng cao trong thời gian dài.

Việt Nam ngày càng có nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin

Việt Nam ngày càng có nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin

Báo cáo xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu - GCI 2020 vừa được ITU công bố. Trong kỳ đánh giá thứ tư này, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 25 trong 194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng, thứ 7 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 4 khu vực ASEAN.

Như vậy, so với kỳ đánh giá gần nhất công bố vào năm 2019, xét trên toàn cầu Việt Nam tăng 25 bậcvượt qua Thái Lan để xếp thứ 4/11 quốc gia khu vực ASEAN, chỉ xếp sau Singapore, Malaysia và Indonesia.

Cụ thể, Việt Nam đạt tổng điểm 94,59/100, với sự cải thiện điểm ở cả 5 trụ cột được ITU đánh giá. Trong đó, bên cạnh 2 trụ cột pháp lý và hợp tác đạt số điểm tuyệt đối 20/20, điểm của Việt Nam ở 3 trụ cột kỹ thuật, tổ chức, nâng cao năng lực lần lượt đạt 16,31/20; 18,98/20 và 19,26/20.

Theo đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh mạng; nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp còn có vai trò Bộ Công an và Bộ TT-TT để Việt Nam có một hành lang pháp lý về an toàn, an ninh mạng cơ bản đầy đủ, không thua kém bất cứ nước nào trên thế giới.

Bên cạnh dó, Việt Nam còn có sáng kiến nỗ lực thực thi hành lang pháp lý. Trong năm 2020, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ TT-TT, các bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh đã nỗ lực vượt bậc để đưa tỷ lệ đảm bảo an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp từ 0% trong các năm 2019 lên đạt 100% vào cuối năm 2020.

Cùng với đó, việc Việt Nam sớm có chương trình, đề án để phát triển bài bản, dài hạn cho nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng và xây dựng Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng “Make in Viet Nam” cũng góp phần nâng cao năng lực an toàn, an ninh mạng của Việt Nam, được ITU ghi nhận và đánh giá cao.

Theo đại diện Cục An toàn thông tin, việc cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng GCI đã khó nhưng nỗ lực đảm bảo an toàn thông tin mạng dài hạn, trong 5, 10 năm nữa càng khó khăn hơn. Do đó, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để duy trì thứ hạng cao trong các năm tiếp theo.

Báo cáo GCI được thực hiện định kỳ 2 năm 1 lần bắt đầu từ năm 2014 nhằm nâng cao nhận thức về an toàn, an ninh mạng của lãnh đạo các quốc gia; đồng thời đánh giá kết quả triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng của các nước để từ đó thúc đẩy các quốc gia và vùng lãnh thổ tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Đánh giá chỉ số GCI 2020 được ITU dựa trên 5 trụ cột chính, bao gồm: Pháp lý; Kỹ thuật; Tổ chức; Nâng cao năng lực; Hợp tác, với điểm tối đa cho mỗi trụ cột là 20.

Hà Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-nam-tang-25-bac-ve-chi-so-xep-hang-an-toan-an-ninh-mang-toan-cau-post471699.antd