Việt Nam tăng tốc quảng bá văn hóa tại 'Tuần lễ vàng' EXPO 2025 ở Nhật Bản

Triển lãm thế giới EXPO 2025 Osaka (Nhật Bản) có sự tham gia của hơn 150 quốc gia và tổ chức quốc tế sẽ kéo dài đến 13/10. Với cách tiếp cận mới mẻ, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và công nghệ, ngay từ những ngày đầu, Việt Nam ghi dấu ấn và khẳng định hội nhập quốc tế bằng con đường văn hóa số.

Việt Nam đẩy sự hiện diện và lan tỏa giá trị văn hóa tại EXPO 2025 Osaka.

Việt Nam đẩy sự hiện diện và lan tỏa giá trị văn hóa tại EXPO 2025 Osaka.

Sức hút trong “Tuần lễ vàng” Nhật Bản

Tuần lễ vàng (từ ngày 29/4 đến 6/5) là một trong những kỳ nghỉ dài nhất trong năm tại Nhật Bản, có ý nghĩa đặc biệt đối với Việt Nam khi tham gia EXPO 2025 Osaka. Dịp này, người dân sẽ dành thời gian để tham quan, giải trí, khám phá văn hóa các quốc gia.

EXPO 2025 Osaka là điểm đến hấp dẫn, thu hút lượng lớn khách tham quan nội địa và quốc tế. Vì vậy, Việt Nam đang đẩy mạnh sự hiện diện, lan tỏa giá trị văn hóa, thúc đẩy du lịch và mở rộng kết nối đối tác toàn cầu.

Biểu diễn âm nhạc truyền thống tại EXPO 2025 Osaka.

Biểu diễn âm nhạc truyền thống tại EXPO 2025 Osaka.

Tại Tuần lễ vàng này, các hoạt động xúc tiến, quảng bá văn hóa-du lịch giữa Việt Nam và quốc tế thông qua các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, tương tác trải nghiệm số, giao lưu với công chúng… sẽ diễn ra liên tục. Nhà Triển lãm Việt Nam có cơ hội tiếp cận lượng khách quốc tế đến EXPO, từ đó góp phần nâng cao nhận diện thương hiệu quốc gia và định vị Việt Nam là điểm đến hấp dẫn.

Trình diễn trang phục truyền thống tại EXPO 2025 Osaka.

Trình diễn trang phục truyền thống tại EXPO 2025 Osaka.

Tham gia Triển lãm thế giới EXPO 2025 tại đảo nhân tạo Yumeshima, Osaka, Nhật Bản, Nhà Triển lãm Việt Nam chính thức mở cửa đón khách từ ngày 24/4. Hướng đến chủ đề chung của EXPO 2025 Osaka là "Thiết kế xã hội tương lai cho cuộc sống của chúng ta", Nhà Triển lãm Việt Nam chọn chủ đề “Xã hội toàn diện lấy con người làm trung tâm”.

Không gian triển lãm rộng 300m² được thiết kế lấy cảm hứng từ hình ảnh chiếc nón lá truyền thống, kết hợp hài hòa công nghệ hiện đại trở thành điểm dừng chân nổi bật mang đậm dấu ấn văn hóa Á Đông. Tại đây, các chương trình nghệ thuật như múa sen, múa rối nước, hòa tấu đàn tranh, đàn bầu, đàn t’rưng… đã tạo nên một không gian văn hóa truyền thống Việt đầy sống động và ấn tượng.

Điểm nhấn nghệ thuật đặc sắc là chương trình biểu diễn “Vẻ đẹp Việt Nam” tại sân khấu chính Inner với sự kết hợp giữa âm nhạc dân tộc và hiệu ứng ánh sáng hiện đại, những hình ảnh quen thuộc như nón lá, áo dài, nhạc cụ dân tộc… được tái hiện sống động, truyền tải trọn vẹn tinh thần Việt Nam.

Triển lãm ảo mở rộng không gian văn hóa số

Lần đầu tiên tại một kỳ EXPO, Việt Nam triển khai mô hình nhà triển lãm ảo song song không gian thực. Trên nền tảng “Virtual EXPO-Yumeshima in the sky”, người dùng toàn cầu có thể truy cập, lựa chọn avatar mặc áo dài, đội nón lá, “dạo bước” qua các khu vực trưng bày và tương tác với video, sản phẩm văn hóa bằng tiếng Việt, tiếng Anh.

Bên trong nhà triển lãm thực, khách tham quan được trải nghiệm các nội dung văn hóa thông qua công nghệ tương tác đa phương tiện, từ màn hình cảm ứng, thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR), trình chiếu hologram và bản đồ số. Các trải nghiệm này không chỉ giúp lan tỏa giá trị văn hóa mà còn đưa người xem được “sống cùng” di sản qua những cú chạm màn hình hay hiệu ứng mô phỏng cảnh sắc, lễ hội, làng nghề truyền thống của Việt Nam.

Bà Nguyễn Phương Hòa - Tổng đại diện Việt Nam tại EXPO 2025 Osaka phát biểu.

Bà Nguyễn Phương Hòa - Tổng đại diện Việt Nam tại EXPO 2025 Osaka phát biểu.

Theo bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Tổng đại diện Việt Nam tại EXPO 2025, Nhà Triển lãm Việt Nam sẽ là điểm chạm ấn tượng trong lòng du khách, là cầu nối hợp tác giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế, nơi kể những câu chuyện mới về Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đầy tiềm năng.

Gắn kết văn hóa-du lịch-công nghệ

Không chỉ quảng bá di sản và nghệ thuật, tại diễn đàn toàn cầu EXPO 2025, Việt Nam đã chính thức công bố “Năm Du lịch quốc gia 2025” với chủ đề “Huế - Kinh đô xưa, Vận hội mới”. Đây là lần đầu tiên sự kiện du lịch lớn nhất quốc gia được giới thiệu chính thức tại một diễn đàn quốc tế, thể hiện mối liên kết văn hóa-du lịch-công nghệ trong hoạt động quảng bá đối ngoại.

Bên cạnh các chương trình biểu diễn, không gian trưng bày, nhiều doanh nghiệp sáng tạo, đơn vị văn hóa Việt Nam đã tìm được cơ hội hợp tác mới trong các lĩnh vực như công nghiệp văn hóa, thiết kế, đào tạo và du lịch thông minh với đối tác Nhật Bản. Thông qua EXPO 2025, Việt Nam không chỉ giới thiệu các sản phẩm văn hóa mà còn tạo lực hút cho các sản phẩm du lịch mới: Du lịch di sản, du lịch số và du lịch trải nghiệm.

Logo của Nhà Triển lãm Việt Nam tại EXPO 2025 Osaka.

Logo của Nhà Triển lãm Việt Nam tại EXPO 2025 Osaka.

Trong khuôn khổ triển lãm, Việt Nam sẽ tham gia Tuần lễ Giá trị (26/5 đến 1/6) và Ngày Quốc gia Việt Nam (9/9).

Đây là những cột mốc quan trọng để Việt Nam tiếp tục quảng bá văn hóa, thúc đẩy ngoại giao và thu hút đầu tư, du lịch. Qua chuỗi hoạt động đa dạng, Việt Nam đang cho thấy một hình ảnh năng động, hội nhập, sáng tạo và lấy công nghệ làm nền tảng để lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc.

Từ mô hình nhà triển lãm thực-ảo đến nền tảng thông tin đa ngôn ngữ và các giải pháp công nghệ đa phương tiện, Việt Nam đang dần định hình hệ sinh thái nội dung số về văn hóa-nơi người xem không chỉ tiếp nhận mà còn có thể tương tác và kết nối và đồng hành bản sắc Việt Nam.

NGỌC LIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/viet-nam-tang-toc-quang-ba-van-hoa-tai-tuan-le-vang-expo-2025-o-nhat-ban-post876844.html