Việt Nam - Thái Lan hướng tới kim ngạch thương mại 25 tỷ USD trong thời gian ngắn nhất
Chiều 16/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đã đồng chủ trì Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan với chủ đề 'Một cộng một trên ba kết nối'.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra chụp ảnh lưu niệm với các doanh nghiệp 2 nước. Ảnh: CP
Tại Diễn đàn, các đại biểu được giới thiệu về tiềm năng, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam và Thái Lan; nghe giới thiệu về khả năng và kế hoạch đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp hai nước…
Thái Lan và Việt Nam là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ASEAN
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cho rằng, hai bên cần hợp tác hơn nữa để ứng phó với tình hình bất ổn của kinh tế và chính trị toàn cầu; việc hai nước vừa thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đã đánh dấu một kỷ nguyên mới trong quan hệ, trong đó trọng tâm là thúc đẩy chuỗi giá trị kinh tế, tận dụng tối đa sức mạnh, tiềm năng, lợi thế của mỗi bên.
Bà Thủ tướng đánh giá Thái Lan và Việt Nam là những nền kinh tế lớn nhất trong Tiểu vùng sông Mekong mở rộng và cũng là động lực chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của ASEAN.
Về thương mại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Thái Lan trên thế giới và lớn thứ 2 trong ASEAN. Còn Thái Lan là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam trên thế giới và lớn nhất trong ASEAN.
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan 2025 là sự kiện quan trọng góp phần cụ thể hóa cam kết của Lãnh đạo cấp cao hai nước trong việc tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, đẩy mạnh trụ cột Đối tác vì phát triển bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.
Trong năm qua, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 21 tỷ USD. "Và chúng tôi muốn đạt được mục tiêu thương mại song phương 25 tỷ USD trong thời gian ngắn nhất" - Thủ tướng Thái Lan chia sẻ.
Về đầu tư, Thái Lan là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 tại Việt Nam với tổng giá trị đầu tư hơn 14 tỷ USD. Cùng lúc đó, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cũng ngày càng mở rộng đầu tư vào Thái Lan.
Thủ tướng đánh giá nền kinh tế Thái Lan và Việt Nam có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và nhiều doanh nghiệp tham gia vào cùng một chuỗi giá trị, với hơn 50% thương mại Thái Lan-Việt Nam là nhập khẩu, xuất khẩu nguyên liệu thô và linh kiện hỗ trợ các ngành sản xuất phục vụ cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Do đó, tăng trưởng kinh tế của nước này là cơ hội của nước kia.

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: CP
"Hai Chính phủ đã nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế theo chiến lược Ba kết nối và đây là chủ đề chính của Diễn đàn Doanh nghiệp ngày hôm nay, nhằm thúc đẩy nền kinh tế của cả hai nước cùng nhau phát triển" - Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra nói.
Thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh yêu cầu kết nối chuỗi cung ứng trong các ngành công nghiệp cùng có lợi như hóa dầu, thực phẩm và linh kiện điện tử và hậu cần, bao gồm việc phát triển nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp tương lai như AI và chất bán dẫn.
Về kết nối kinh tế địa phương, bà nhấn mạnh vùng Đông Bắc Thái Lan với miền Trung, miền Nam của Việt Nam. Sự hợp tác của hơn 20 thành phố đối tác sẽ mở rộng cơ hội cho các doanh nhân địa phương về thương mại, đầu tư và du lịch.
Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra cũng bày tỏ vui mừng khi thấy các đường bay giữa Việt Nam và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan sẽ được mở trong tương lai. Đây sẽ là chuyến bay quốc tế đầu tiên từ một sân bay ở phía Đông Bắc Thái Lan và việc này sẽ đẩy mạnh giao lưu cấp nhân dân và du lịch giữa hai nước.
Về kết nối phát triển bền vững, bà Thủ tướng cho biết Thái Lan và Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác về năng lượng tái tạo và chuyển đổi kinh tế số.
Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra nhấn mạnh, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Thái Lan và Việt Nam không chỉ giới hạn giữa các Chính phủ mà còn bao gồm quan hệ đối tác giữa khu vực tư nhân của hai nước.
Khu vực tư nhân của hai nước là đối tác quan trọng nhất trong việc thúc đẩy hợp tác cụ thể và đáp ứng nhu cầu của hai bên, đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước tiến triển theo hướng thiết thực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi gắm niềm tin vào cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Ảnh: CP
Chính phủ Việt Nam bảo đảm các quyền lợi và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư
Tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết bày tỏ gửi gắm niềm tin vào cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh những nội hàm quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vừa được thiết lập giữa hai nước: Ổn định bền vững, phát triển bền vững, tương lai bền vững; hợp tác không có giới hạn vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển, vì độc lập, tự do của hai nước, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.
Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, với những diễn biến phức tạp, khó lường, khó định đoán và nhiều vấn đề mà không nước nào giải quyết được một mình, hai nước Việt Nam - Thái Lan và các nước ASEAN phải tăng cường đoàn kết, thống nhất trong đa dạng, tăng cường hợp tác.
"Hai nước đã hợp tác tốt rồi, phải hợp tác tốt hơn, hiệu quả hơn, mang lại hiệu quả thiết thực hơn" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho biết, năm 2025 là năm Việt Nam thực hiện "tăng tốc, bứt phá, về đích" để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc. Trên tinh thần đó, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu đạt mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Việt Nam quyết tâm thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, tạo lập môi trường thuận lợi cho sản xuất, đầu tư, kinh doanh, tạo đột phá về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới; đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong xây dựng và thực thi pháp luật.
Đặc biệt, để tiếp tục nỗ lực cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh trong thời gian tới, Việt Nam đang tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều nhóm giải pháp trên tinh thần 3 thông: "thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh". Hiện Quốc hội Việt Nam đang chuẩn bị ban hành 2 Nghị quyết rất quan trọng về xây dựng, thực thi pháp luật và phát triển kinh tế tư nhân để triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị…
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng đánh giá cao và trân trọng cảm ơn sự đóng góp thiết thực, hiệu quả của các doanh nghiệp Thái Lan đối với sự phát triển của Việt Nam và quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Phía Việt Nam đang tiếp tục tích cực giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp Thái Lan liên quan đến thuế, điện, thanh toán số, thủ tục hành chính, nguồn vốn.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Thái Lan tiếp tục tin tưởng và gắn bó với Việt Nam trong quá trình phát triển; với tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện; coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng lúc", không ngừng đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng của hai quốc gia cũng như mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Thái Lan.
Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ Việt Nam bảo đảm các quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư; bảo đảm ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội, thể chế, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; phát huy "3 cùng" gồm: Cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người dân; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển nhanh và bền vững; cùng làm, cùng thắng, cùng phát triển; cùng chung niềm vui, hạnh phúc và sự tự hào.s
Cũng tại Diễn đàn, các doanh nghiệp hai nước đã trao các văn kiện hợp tác./.