Việt Nam tham dự cuộc họp cấp cao kỷ niệm 60 năm thành lập Phong trào Không liên kết tại Belgrade, Serbia
Từ ngày 11-12/10 tại thủ đô Belgrade của Serbia, cuộc họp cấp cao kỷ niệm 60 năm thành lập Phong trào Không liên kết (NAM) (1961-2021) đã được tổ chức với sự chủ trì của Azerbaijan (đương kim Chủ tịch Phong trào) và Serbia (nước chủ nhà của Hội nghị đầu tiên của NAM năm 1961).
Tham dự cuộc họp có 2 đồng chủ trì gồm Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, một số Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao cùng hơn 500 đại biểu đến từ hơn 100 nước thành viên NAM, đại diện của các nước quan sát viên và các tổ chức quốc tế.
Tại khai mạc Cuộc họp còn có phát biểu của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Chủ tịch Khóa 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc Abdulla Shahid.
Về phía Việt Nam, được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp cùng với cán bộ của Phái đoàn.
Tổng thống Azerbaijan Aliyev nhấn mạnh, Azerbaijan với tư cách là Chủ tịch đương nhiệm của NAM sẽ cố gắng để tăng cường vai trò của Phong trào trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu trong quan hệ quốc tế, bảo vệ công lý và luật pháp quốc tế, đặc biệt là vấn đề toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của các quốc gia thành viên.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic khẳng định, NAM đóng vai trò thiết yếu trong gìn giữ hòa bình và an ninh trên thế giới, quá trình phi thực dân hóa, kiềm chế chạy đua vũ trang và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội công bằng của tất cả các nước; ngày nay hơn bao giờ hết cần thiết phải củng cố chủ nghĩa đa phương và trật tự thế giới đa phương bởi không có quốc gia nào có thể một mình chống lại các thách thức chung; hợp tác và đoàn kết quốc tế là con đường duy nhất dẫn đến sự thịnh vượng.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, trong phát biểu ghi hình trước, nêu rõ Phong trào Không liên kết có vai trò quan trọng trên thế giới; kêu gọi tăng cường mức độ bao phủ tiêm chủng vaccine trên thế giới, đồng thời nhấn mạnh rằng các quốc gia cần được hỗ trợ để thích ứng với biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, xử lý vấn đề nợ và giải trừ quân bị.
Chủ tịch Khóa 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc Abdulla Shahid cũng đánh giá cao vai trò then chốt của NAM trong hệ thống đa phương toàn cầu 60 năm trước cũng như hiện tại.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã chuyển tải thông điệp từ Tổng thống Vladimir Putin, trong đó đánh giá cao vai trò của NAM trong việc luôn kiên định các nguyên tắc bình đẳng của các quốc gia, tôn trọng chủ quyền và lợi ích hợp pháp, đồng thời ủng hộ đối thoại đa phương mang tính xây dựng theo Hiến chương Liên hợp quốc.
Ông Lavrov cũng cho rằng việc Nga được trao tư cách quan sát viên tại NAM từ tháng 7/2021 sẽ giúp cho các nỗ lực phối hợp nhằm mang lại lợi ích cho quá trình dân chủ hóa quan hệ quốc tế và thành công chung của Phong trào.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng đoàn Việt Nam, chúc mừng những thành tựu của Phong trào trong việc thể hiện vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế, là tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ cho lợi ích và nguyện vọng của nhân loại hướng tới một thế giới hòa bình, thịnh vượng, dân chủ, bình đẳng và bền vững.
Với những thách thức khác nhau mà Phong trào đang phải đối mặt, bao gồm tranh chấp giữa các quốc gia về tài nguyên, chủ quyền, lãnh thổ, khu vực biển, cũng như suy thoái kinh tế và bất bình đẳng xã hội sâu sắc hơn do đại dịch Covid-19, Đại sứ kêu gọi các Thành viên NAM cần tiếp tục tăng cường hợp tác đa phương, cả ở cấp độ toàn cầu và khu vực, nâng cao tiếng nói của Phong trào trên trường quốc tế, góp phần giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, đảm bảo tiếp cận công bằng đối với vaccine và thuốc điều trị Covid-19, hướng tới phục hồi bao trùm và bền vững từ Covid-19.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai đặc biệt nhấn mạnh vai trò của ASEAN trong việc duy trì và thúc đẩy an ninh khu vực theo phương châm ASEAN vững mạnh sẽ đóng góp tích cực vào việc củng cố Phong trào Không liên kết.
Với tư cách là thành viên có trách nhiệm của Phong trào Không liên kết, ASEAN và Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam luôn đề cao các mục tiêu và nguyên tắc của Phong trào trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, đặc biệt trong việc giữ gìn an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc.
Tại cuộc họp, đại diện các Thành viên Phong trào cảm ơn hai đồng chủ tịch Serbia và Azerbaijan đã tổ chức Cuộc họp ý nghĩa này trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, chúc mừng những thành tựu mà Phong trào đã đạt được trong lịch sử, đề cao các nguyên tắc của Phong trào trên tinh thần Bandung 1955 và Tuyên bố Belgrade 1961, khẳng định vai trò của Phong trào là một trong những diễn đàn đa phương lớn nhất đại diện cho tiếng nói của các nước đang phát triển trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi hiện tại.
Các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt như đại dịch Covid-19 và bất bình đẳng trong việc tiếp cận vắc-xin, biến đổi khí hậu, kêu gọi đẩy mạnh chủ nghĩa đa phương nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19 và trong quan hệ quốc tế nói chung.
Bế mạc cuộc họp chiều ngày 12/10, Tóm tắt của Chủ tịch cuộc họp nhấn mạnh sự tri ân của các nước thành viên đối với các nhà lãnh đạo sáng lập Phong trào Không liên kết 60 năm trước đã xây dựng Phong trào nhằm thúc đẩy sự chung sống hòa bình và phát triển bền vững của các nước.
Chủ tịch cuộc họp cũng nhấn mạnh Phong trào cần tiếp tục duy trì tầm quan trọng, tính hiệu quả của phong trào trong việc đối phó với những thách thức đối với an ninh, hòa bình và phát triển của thế giới như vi phạm luật pháp quốc tế và nhân quyền, phân biệt chủng tộc và bài ngoại, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu khác đáng quan ngại.
Tóm tắt của Chủ tịch cuộc họp cũng nhấn mạnh việc đề cao chủ nghĩa đa phuơng và đoàn kết quốc tế, đánh giá cao các sáng kiến của Azerbaijan – Chủ tịch NAM - trong việc lãnh đạo Phong trào ứng phó với đại dịch Covid-19 và kêu gọi tăng cường tiếp cận công bằng vaccine Covid-19, kêu gọi các bên liên quan bãi bỏ những trở ngại làm hạn chế xuất khẩu và vận chuyển vaccine.
Các thành viên cũng bày tỏ sự ủng hộ việc thành lập Nhà nước Palestine với thủ đô là Jerusalem, lên án việc áp đặt trừng phạt đơn phương đối với một số thành viên phong trào, trái với Hiến chương LHQ và các nguyên tắc luật pháp quốc tế, đồng thời cho rằng Phong trào cần tiếp tục tiến hành đổi mới để thích ứng với bối cảnh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng và sâu sắc.