Việt Nam tham dự Hội nghị Ủy ban Quân y thế giới lần thứ 44 tại Brussels
Hội nghị Ủy ban Quân y thế giới (ICMM) lần thứ 44 diễn ra tại thủ đô Brussels từ ngày 5-9/9 với sự tham dự của 61 phái đoàn quân y thuộc các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đoàn Việt Nam do Đại tá Nguyễn Vân Giang, Phó Cục trưởng Cục Quân y, dẫn đầu.
Đây là dịp để quân y thế giới có cái nhìn sâu rộng hơn về lĩnh vực này. Khoảng 400 đại biểu tham dự hội nghị trao đổi thông tin và kiến thức trong những cuộc thảo luận bàn tròn, hội thảo, thực hiện tình huống…
Ngoài chủ đề không thể thiếu của hội nghị lần này là đại dịch COVID-19, các đại biểu cũng thảo luận về 4 chủ đề khác đại diện cho những thách thức chính mà y học quân sự phải đối mặt hiện nay và trong những năm tới. Đó là cuộc chiến chống nhiễm trùng và kháng kháng sinh mà liệu pháp thể thực khuẩn (virus ăn vi khuẩn) có thể giúp giải quyết; những thách thức của chăm sóc mở rộng tại hiện trường như phẫu thuật trên máy bay, chăm sóc trong tàu ngầm, truyền dịch tại hiện trường; sức khỏe tâm thần và căng thẳng sau chấn thương; sự phục hồi về thể chất và tinh thần của binh sĩ, một vấn đề được chú ý suốt vài năm qua, trong bối cảnh cả thế giới phải trải qua đại dịch COVID-19.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Brussels, Đại tá Nguyễn Vân Giang cho biết hội nghị là dịp để phía Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm về các hoạt động quân y trong thời gian qua. Các chủ đề của hội nghị lần này đều tập trung trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề mà quân y các nước cùng quan tâm như hợp tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là những dịch bệnh nguy hiểm như COVID-19 trong thời gian qua, các xu hướng phẫu thuật trong tương lai, phương pháp hồi sức ở chiến trường, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, công tác chăm sóc, điều dưỡng, công tác hồi sức chống sốc. Đoàn quân y Việt Nam với vai trò là thành viên của ICMM, chắc chắn sẽ có những kiến thức cần được chia sẻ, trao đổi cùng với các đồng nghiệp quân y trên thế giới.
Tại hội nghị, Bệnh viện Quân đội Nữ hoàng Astrid của Bỉ đã giới thiệu về “liệu pháp phage” - vốn là một trong những thế mạnh chuyên môn của bệnh viện này. Liệu pháp phage sử dụng thể thực khuẩn, hay còn gọi là virus có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, là một trong những phương pháp mới để kiểm soát vi khuẩn gây bệnh.
Theo Tướng Pierre Neirinckx - Phó Tổng thư ký ICMM - đây là một câu chuyện rất cũ, nhưng có diễn biến và kết quả rất thời sự: cách đây gần 20 năm, các nhà khoa học lúc bấy giờ “đã được khai sáng” khi biết vẫn tồn tại trong sinh quyển loại virus ăn vi khuẩn. Thông tin này có thể giúp gì trong cuộc chiến chống lại tình trạng kháng thuốc kháng sinh mà chúng ta đang chứng kiến ngày càng gia tăng? Đây là một vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu quan trọng. Và như vậy, chúng tôi cần phải tìm ra các giải pháp không phải để thay thế thuốc kháng sinh, mà để bổ sung cho các hoạt động của thuốc kháng sinh. Liên quan đến vi khuẩn, tại bệnh viện quân đội Brussels, chúng tôi đã nghiên cứu từ 20 năm nay. Chúng tôi đã đạt đến một giai đoạn có thể sớm áp dụng những thực khuẩn thể ở bệnh nhân”.
Kinh nghiệm này cũng được kết luận vào năm 2020, khi bệnh viện quân đội phối hợp với Viện Eliava ở Tbilisi (Gruzia) tiêm thực khuẩn thể cho một bệnh nhân là nạn nhân của những vụ tấn công ở Brussels hồi năm 2016. Sau khi phẫu thuật, vết thương của cô bị nhiễm trùng mặc dù đã dùng thuốc kháng sinh, và các bác sĩ đã thành công nhờ liệu pháp thể thực khuẩn trong quá trình đánh bại vi khuẩn đa kháng Klebsiellaneumoniea trong vài tuần.
ICMM được thành lập vào năm 1921 ở Brussels (Bỉ) và hiện có 119 thành viên là những đơn vị quân y thuộc các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Sự kiện lần này có ý nghĩa đặc biệt khi đánh dấu 100 năm ngày ra đời của ICMM, đã bị hoãn lại hồi năm 2021 do đại dịch COVID-19.
Trong khuôn khổ hội nghị ICMM 44 cũng diễn ra triển lãm thiết bị y tế và công nghệ y khoa phục vụ cho các hoạt động quân y trong bệnh viện và trên thực địa.