Việt Nam tham dự Khóa họp lần thứ 64 Đại hội đồng thành viên Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới
Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với WIPO trong chiến lược phát triển một hệ sinh thái sở hữu trí tuệ toàn cầu bao trùm, cân bằng và hiệu quả.
Thực hiện kế hoạch hoạt động đối ngoại, từ ngày 10-13/7, đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang làm Trưởng đoàn đã tham dự Khóa họp lần thứ 64 Đại hội đồng thành viên Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tại Geneva, Thụy Sỹ.
Đại hội đồng WIPO là hoạt động quan trọng nhất của Tổ chức trong năm. Đây là diễn đàn để các nước thành viên trao đổi, thảo luận và đưa ra các quyết định đối với hoạt động của WIPO cũng như định hướng phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ (SHTT) toàn cầu.
Khóa họp năm nay ghi nhận sự tham dự của một số Bộ trưởng, Thứ trưởng, Đại sứ Trưởng Phái đoàn đại diện các nước tại Geneva, và Ban lãnh đạo WIPO, đại diện của các quốc gia thành viên WIPO. Ngoài ra, tham dự sự kiện còn có đại diện một số tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ và các tổ chức quan sát viên.
Đoàn Việt Nam tham dự Đại hội đồng WIPO do ông Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm Trưởng đoàn, với các thành viên gồm Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva, lãnh đạo và cán bộ Cục SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ và lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Phát biểu tại Phiên họp về SHTT và phát triển, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang khẳng định, những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực đã và đang tác động đến nền kinh tế các quốc gia và cuộc sống của hàng triệu người ở tất cả các khu vực trên thế giới.
Để giải quyết những vấn đề này cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác đa phương, thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và tiếp tục khuyến khích phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó SHTT là một công cụ mấu chốt.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang đánh giá cao các sáng kiến của WIPO nhằm hỗ trợ các nước thành viên, nhất là các sáng kiến hướng tới đối tượng ưu tiên như doanh nghiệp vừa và nhỏ, phụ nữ và giới trẻ trong việc sử dụng, khai thác quyền SHTT như một công cụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống của cộng đồng.
Ông khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với WIPO trong chiến lược phát triển một hệ sinh thái SHTT toàn cầu bao trùm, cân bằng, và hiệu quả, cho phép đổi mới và sáng tạo vì lợi ích của tất cả mọi người.
Ngày 11/7, bên lề Khóa họp Đại hội đồng, đoàn Việt Nam cũng đã có buổi làm việc song phương với Tổng giám đốc WIPO Daren Tang.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang bày tỏ vui mừng trước sự tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và WIPO thời gian qua, trong đó có nhiều đoàn tiếp xúc cấp cao, thể hiện sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên, qua đó khẳng định sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam dành cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó SHTT là một nhân tố quan trọng.
Thứ trưởng hoan nghênh và đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa Việt Nam và WIPO trong việc triển khai các hoạt động hợp tác kỹ thuật như triển khai chiến lược SHTT quốc gia, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) và việc xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương của Việt Nam (PII).
Nhân dịp này, Thứ trưởng nhắc lại lời mời Tổng giám đốc WIPO Daren Tang sang thăm chính thức Việt Nam vào năm 2024.
Kết thúc cuộc gặp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa WIPO và Cục Sở hữu trí tuệ về Hỗ trợ Trung tâm nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ, tư vấn của Cục SHTT nhằm nâng cao kỹ năng và kiến thức cho các chuyên gia, doanh nghiệp và cán bộ công chức của Việt Nam.
Trong khuôn khổ hoạt động của đoàn công tác, ngoài việc tham dự một số phiên họp toàn thể của Đại hội đồng WIPO, đoàn có các hoạt động tiếp xúc song phương, làm việc với Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva và tham quan một số mô hình bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý tại Thụy Sỹ