Việt Nam thể hiện vai trò dẫn dắt trong ASEAN

Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong hành trình 25 năm qua, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập, tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN và có những đóng góp tích cực trong việc duy trì đoàn kết nội khối, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài.

Chỉ 6 tháng sau khi đứng trong hàng ngũ ASEAN, Việt Nam đã cùng các nước thành viên ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đại diện cho châu Á thành lập Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM) với 17 nước châu Âu.

Như vậy, Việt Nam đã trở thành thành viên sáng lập ASEM, có quan hệ hợp tác song phương lẫn đa phương với các nước châu Âu. Mối quan hệ với những nước có trình độ phát triển cao của châu Âu đã góp phần đẩy nhanh sự phát triển của Việt Nam nói riêng.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN chủ trì Phiên toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN chủ trì Phiên toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36

Phát huy trên nền tảng đó, đến năm 1998, Việt Nam tiếp tục gia nhập Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) với những “siêu cường” thế giới. Từ đó mở ra kỷ nguyên mới trong tiến trình phát triển vượt bậc của đất nước, xây dựng hiệu quả uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Một điểm nhấn quan trọng ngay sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã có đóng góp đầu tiên đáng ghi nhận là việc kiện toàn “nội lực” của khối. Cụ thể là Việt Nam tích cực thúc đẩy ASEAN kết nạp các nước Lào, Myanmar và Campuchia. Nhờ đó, ASEAN đã trở thành “mái nhà chung” của toàn bộ 10 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, đưa ASEAN trở thành tổ chức đại diện cho toàn khu vực, chấm dứt thời kỳ chia rẽ, mở ra giai đoạn hợp tác hữu nghị cùng phát triển ở khu vực.

Bên cạnh việc tăng cường thúc đẩy hợp tác và liên kết nội khối, Việt Nam đã tích cực tham gia thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác trên nhiều lĩnh vực, đồng thời góp phần đề cao và giữ vững vai trò chủ đạo của ASEAN tại các tiến trình hợp tác khu vực. Trong suốt 25 năm qua, Việt Nam đã phát huy vai trò là cầu nối tích cực tăng cường quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, kể cả việc góp phần tháo gỡ một số vướng mắc, giúp nâng tầm quan hệ giữa 2 bên, được cả ASEAN và các nước đối tác đánh giá cao. Mặt khác, Việt Nam cũng là “lá cờ tiên phong” trong việc giữ vững vai trò chủ đạo của ASEAN tại các tiến trình hợp tác khu vực do ASEAN khởi xướng như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, Cấp cao Đông Á...

Đối với ASEAN, năm 2020 là lần thứ 3 Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên, đúng dịp kỷ niệm 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Trong năm 1998 và 2010, khi đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đóng góp rất lớn vào thành tựu chung của ASEAN, nổi bật như thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước nội khối; thúc đẩy các cơ chế mới; tăng cường hợp tác với các cường quốc...

Nối tiếp những thành tích trước đây, trong năm nay, Việt Nam tiếp tục được các thành viên ASEAN cũng như các nước đối tác đặt kỳ vọng rất lớn trong việc dẫn dắt và thúc đẩy ASEAN có những bước tiến mới. Trên thực tế trong nửa đầu năm 2020, Việt Nam đã được lãnh đạo các nước ASEAN và các nước đối tác ASEAN liên tục đánh giá rất cao khi hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ dẫn dắt ASEAN, nhất là trong giai đoạn nhiều “sóng gió” bởi những thách thức mới chưa từng có trong lịch sử như đại dịch Covid-19, nhiều căng thẳng và thách thức đa phương,...

Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN, sẽ có khoảng từ 16-17 sáng kiến được thực hiện trong năm 2020, trải rộng ra và bao trùm lên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghệ, kể cả việc hoàn thiện về thể chế, hệ thống hạ tầng, hạ tầng phần cứng, hạ tầng mềm cũng như sự liên kết nội khối trong ASEAN.

Năm 2020 được đánh giá là một dấu mốc lịch sử của Việt Nam trên trường quốc tế khi cùng lúc đảm nhận 2 trọng trách lớn tại khu vực và toàn thế giới. Cùng với cương vị là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam cũng được Liên Hợp Quốc bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đây chính là minh chứng rõ nét cho uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời khẳng định năng lực của Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu thực tế trong việc giải quyết các thách thức của thế giới.

Nguyễn Hải (t.h)

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/viet-nam-the-hien-vai-tro-dan-dat-trong-asean-81049.html