Việt Nam thu hẹp khoảng cách với các nền bóng đá lớn
Màn trình diễn trước Australia là dấu hiệu cho thấy tuyển Việt Nam không còn dễ dàng chịu những trận thua đậm trước các nền bóng đá hàng đầu châu lục.
Thật buồn khi chứng kiến một sân Mỹ Đình trống vắng. Một sân Mỹ Đình vắng khán giả khác xa với bầu không khí thường lệ khi đội tuyển quốc gia Việt Nam thi đấu. Với một sân bóng đầy ắp khán giả, luôn gào thét trong mỗi đường lên bóng của tuyển Việt Nam, mọi chuyện có lẽ sẽ khác.
Những chi tiết nhỏ tạo ra khác biệt
Tôi cảm thấy hơi tiếc vì mặt sân Mỹ Đình không được đẹp. Ngoài việc thiếu lợi thế từ sự cổ vũ của khán giả nhà, tuyển Việt Nam cũng thi đấu trên một mặt sân không tốt.
Tôi cho rằng quãng thời gian 2 năm không tổ chức bóng đá cấp đội tuyển quốc gia khiến BTC sân không có sự chuẩn bị tốt. Khá đáng tiếc vì một mặt sân đẹp sẽ có lợi cho tuyển Việt Nam, những người mà theo tôi, đã chơi khéo léo và chơi kỹ thuật hơn Australia.
Lối chơi của tuyển Việt Nam sẽ mượt mà hơn nếu chất lượng mặt sân Mỹ Đình được cải thiện. Những chi tiết nhỏ như mặt sân tạo ra sự khác biệt.
Tình huống Quang Hải có cơ hội ở phút thứ 6 là điển hình cho điều đó. Cậu ấy đã có thể dứt điểm vào khung thành, thay vì sút lên trời nếu mặt sân tốt hơn. Cục diện trận đấu có thể đi theo chiều hướng khác hoàn toàn, nếu tỷ số là 1-0 sau pha dứt điểm của Quang Hải.
Việt Nam đã khởi đầu trận đấu như thường lệ. Họ chơi phòng ngự lùi sâu với sơ đồ 5-4-1, pressing khu vực và cố gắng bịt kín các lỗ hổng ở sân nhà. Một HLV đang làm việc ở Australia trao đổi với tôi rằng, ông ấy có cảm giác như tuyển Việt Nam đang sử dụng chiến thuật "ong vỡ tổ" để đeo bám cầu thủ đối phương.
Chìa khóa của trận đấu này nằm ở việc tuyển Việt Nam cố gắng tránh bị thổi phạt, điều sẽ dẫn đến các tình huống cố định cho tuyển Australia. Tuyển Australia rất mạnh ở các tình huống cố định và không chiến. Trung vệ Harry Souttar của Australia có chiều cao lên tới 1,98 m và giống như "gã khổng lồ" trên sân. Kèm Souttar không phải chuyện dễ.
Các cầu thủ Việt Nam đã chơi tốt và tuân thủ đấu pháp HLV Park Hang-seo đề ra. Tuy nhiên, như tôi đã nói, các tiểu tiết đã quyết định trận đấu. Tôi cảm thấy rằng tình huống Hồng Duy tung cú sút trúng vào người cầu thủ phòng ngự Australia ở hiệp 1, phải là một tình huống thổi phạt đền cho Việt Nam.
Tổ VAR đã đề nghị trọng tài ra xem lại, và theo lẽ thường, khi các trọng tài phải xem lại quay chậm họ sẽ thổi penalty. Tôi cũng cảm nhận đó là một tình huống có thể thổi penalty cho Việt Nam. Thật đáng buồn khi trọng tài điều khiển trận đấu xua tay nói không. Tuyển Việt Nam nhận mất mát lớn vì tình huống này.
Tuyển Việt Nam không thua kém nhiều Australia
Tuyển Việt Nam đã chơi nỗ lực và tạo ra một thế trận không tồi. Tuy nhiên, chỉ một khoảnh khắc thiếu tập trung đã khiến đội chủ nhà thủng lưới. Các lỗi nhỏ liên tiếp ở khâu phòng ngự cuối hiệp 1 khiến tuyển Việt Nam phải trả giá. Bàn thua đó đã khiến mọi kế hoạch ban đầu của HLV Park Hang-seo phá sản.
Cách hàng thủ Việt Nam phá bóng ra sau tình huống tạt vào của đối thủ là không tốt. Tuyển Australia không tạo ra nhiều áp lực trong pha bóng đó. Sai lầm lớn nhất của hàng thủ Việt Nam đến sau đó, khi các tiền vệ của họ không nhìn thấy hậu vệ cánh của Australia dâng lên phá bẫy việt vị.
Đó là một sai lầm nghiêm trọng. Các cầu thủ Việt Nam chỉ nhìn bóng mà không quan sát tổng thể những gì đang diễn ra trên sân. Đó là một sai lầm xuất phát từ việc không thường được đối đầu với những đối thủ ở trình độ cao.
Anh có thể mắc sai lầm như vậy ở V.League và sẽ không phải nhận bàn thua. Nhưng nếu anh chơi ở J1 League, sai lầm đó sẽ khiến anh thủng lưới. Thủ môn Đặng Văn Lâm tất nhiên cũng không vô can trong tình huống đó. Anh ấy nên lao ra sớm hơn ngăn chặn tình huống. Việc lao ra chậm khiến Văn Lâm gần như bất lực trong cú đánh đầu của cầu thủ Australia.
Ở hiệp 2, Việt Nam phải thay đổi chiến thuật khi đã bị dẫn bàn. Họ dồn ép đối thủ nhiều hơn, khi HLV Park Hang-seo bắt đầu đưa ra những sự thay đổi. Tuy nhiên, vấn đề với tuyển Việt Nam là mỗi khi họ có bóng, các cầu thủ Australia luôn dễ dàng chiến thắng trong các pha tranh chấp, đặc biệt trong tình huống bóng bổng.
Khi tuyển Việt Nam chơi bóng ngắn và sử dụng kỹ thuật cá nhân đột phá, mọi chuyện trông có vẻ ổn hơn. Nhưng như tôi đã phân tích, mặt sân không tốt khiến các đường chuyền ngắn và những pha xử lý của tuyển Việt Nam khó khăn. Cơ hội tốt nhất của tuyển Việt Nam có lẽ đến từ một cú sút xa ở phút 60.
Việt Nam đi đúng hướng cho giấc mơ World Cup 2026
Một điểm nhấn khác mà tôi cũng muốn đề cập đến đó là Quang Hải. Cậu ấy là một ngôi sao xuất sắc của bóng đá Đông Nam Á, nhưng rõ ràng vẫn cần cải thiện nhiều hơn nữa.
Ở trận gặp Australia, Quang Hải gặp nhiều khó khăn khi phải đối đầu với các đối thủ trội hơn về thể lực và thể hình. Tôi cũng đánh giá cao các cầu thủ phòng ngự của tuyển Việt Nam.
Có lẽ bước tiếp theo để tuyển Việt Nam trở nên mạnh hơn nằm ở việc cải thiện giải quốc nội. V.League cần trong sạch và chất lượng hơn. Những mặt sân ở các hệ thống giải vô địch quốc gia cần được cải tạo để đạt tiêu chuẩn tốt hơn.
Chất lượng ngoại binh của V.League cũng phải được cải thiện. Các ngôi sao hàng đầu nền bóng đá như Quang Hải phải ra nước ngoài thi đấu. Ngay cả khi họ không thật sự thành công ở môi trường mới, họ cũng sẽ tiến bộ và cứng cỏi hơn.
Tôi lạc quan với kết quả thua 0-1 chung cuộc của tuyển Việt Nam. Trận đấu này cho thấy tuyển Việt Nam đang thu hẹp khoảng cách với các nền bóng đá lớn của châu lục, và có thể là thế giới.
Việt Nam bây giờ không còn là một đội bóng dễ dàng thua đậm trước các đội bóng mạnh hơn như Australia hay Nhật Bản. Việt Nam đang đi đúng hướng cho mục tiêu dự World Cup 2026.
Ông Steve Darby từng là cựu HLV tuyển nữ Việt Nam giành HCV tại SEA Games 2001. Sau đó, nhà cầm quân người Anh dẫn dắt tuyển bóng đá nam Thái Lan, U23 Thái Lan, Lào...
Sau trận đấu giữa Việt Nam và Australia tại vòng loại thứ ba World Cup 2022, ông Darby gửi cho Zing nhận định của mình.