Việt Nam thu hơn 33,8 tỷ USD từ xuất khẩu nông - lâm - thủy sản trong nửa đầu năm 2025
Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản tháng 6/2025 ước đạt 5,93 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng 6 năm 2024; đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 6 tháng đầu năm 2025 đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành kế hoạch thực hiện mục tiêu xuất khẩu đạt 65 tỷ USD
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 18,46 tỷ USD, tăng 17,8%; giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 264,4 triệu USD, tăng 10,1%; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 5,16 tỷ USD, tăng 16,9%; giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 8,82 tỷ USD, tăng 9,3%; giá trị xuất khẩu đầu vào sản xuất đạt 1,13 tỷ USD, tăng 23,6%; giá trị xuất khẩu muối đạt 5,7 triệu USD, tăng 2,4 lần.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản trong 6 tháng đầu năm đạt 18,46 tỷ USD. Ảnh: TL
Xét theo thị trường, Hoa Kỳ với thị phần 21,1%, Trung Quốc với thị phần 17,6%, và Nhật Bản với thị phần 7,2%, là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản lớn nhất của Việt Nam. So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 sang thị trường Hoa Kỳ tăng 16%, Trung Quốc giảm 0,7%, và Nhật Bản tăng 25,5%.
Trước bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới và trong nước năm 2025, cùng với dự báo những thách thức và cơ hội đan xen trong giai đoạn tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác định tiếp tục thúc đẩy gia tăng giá trị, chất lượng và thị phần xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản.
Theo đó, Bộ này sẽ hoàn thiện và cụ thể hóa các thể chế mang tính định hướng phát triển thị trường nông sản và hội nhập phù hợp với các luật chuyên ngành được sửa đổi, ban hành; tập trung triển khai các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ điểm nghẽn và xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh và uy tín của nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế;
Đồng thời, quản lý chặt chẽ chất lượng trong sản xuất, chế biến và chứng nhận sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn, quy định của thị trường, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, làm cơ sở để phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam;
Bên cạnh đó, thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản, đóng góp vào sự phát triển của ngành và đất nước trong giai đoạn mới; nghiên cứu triển khai các nhiệm vụ nhằm khai thác tốt hơn thị trường Trung Quốc, bảo đảm ổn định đầu ra cho nông sản; tăng cường các hoạt động phát triển thị trường, kết nối, quảng bá nông sản tại các thị trường lớn nhưng thị phần còn chưa tương xứng.../.
Xét theo vùng lãnh thổ, châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông - lâm - thủy sản của Việt Nam với thị phần chiếm 42%. Hai thị trường lớn tiếp theo là châu Mỹ và châu Âu với thị phần lần lượt là 23,5% và 15,6%. Thị phần của 2 khu vực châu Phi và châu Đại Dương nhỏ, chiếm lần lượt 3,2% và 1,2%. So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 sang khu vực châu Á tăng 2,3%; châu Mỹ tăng 18,7%; châu Âu tăng 46,3%; châu Phi tăng 99,5%; và châu Đại Dương tăng 2,7%.