Việt Nam thúc đẩy hợp tác với Ethiopia và Ai Cập trên nhiều lĩnh vực
Từ ngày 23-29/8/2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia và Cộng hòa Arab Ai Cập. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tháp tùng Chủ tịch nước trong chuyến thăm này.
Việt Nam - Ethiopia: Nhiều tiềm năng để phát triển
Việt Nam và Ethiopia thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1976. Hai nước có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp và luôn ủng hộ nhau trên diễn đàn quốc tế. Tuy nhiên, hợp tác kinh tế giữa hai nước còn hạn chế dù tiềm năng rất lớn.
Chuyến thăm Ethiopia lần này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Việt Nam tới quốc gia lớn và đông dân nhất khu vực Đông Phi và vùng Sừng châu Phi, dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai nước, mở ra triển vọng hợp tác đầu tư và thương mại...
Ethiopia có diện tích gấp 3 lần Việt Nam, dân số trên 100 triệu người, tài nguyên thiên nhiên phong phú, tiềm năng lớn để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, theo Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của Việt Nam tại Tanzania, kiêm nhiệm Ethiopia Nguyễn Kim Doanh, cái thiếu của Ethiopia là kinh nghiệm quản lý và vốn. Việt Nam hoàn toàn có thể chia sẻ kinh nghiệm với Ethiopia, giúp nước bạn khai thác hiệu quả hơn điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn tài nguyên phong phú, nhân lực dồi dào để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Việt Nam có thêm một thị trường tiêu thụ lớn đối với hàng tiêu dùng, hàng nông sản.
"Có thể chắc chắn rằng, chuyến thăm Ethiopia của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ mở ra một khuôn khổ hợp tác mới trên nhiều lĩnh vực" - Đại sứ Nguyễn Kim Doanh khẳng định.
55 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ai Cập
Ngày 1/9/1963, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Cùng năm đó, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Cairo. Năm 1964, Ai Cập mở Đại sứ quán tại Hà Nội. Ai Cập là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Phi. Kim ngạch thương mại song phương tăng đáng kể từ 230 triệu USD năm 2013 lên 342 triệu USD năm 2017, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 321 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam gồm: Hải sản, linh kiện phụ tùng ôtô, vải sợi, hạt tiêu đen, cà phê... Việt Nam nhập khẩu từ Ai Cập hóa chất, sản phẩm từ dầu mỏ, sữa, sợi các loại...
Ai Cập là nước Bắc Phi đầu tiên công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ vào tháng 11/2013. Hiện nước này có hai dự án đầu tư tại Tây Ninh và Khánh Hòa.
Tại kỳ họp thứ nhất Tiểu ban Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-Ai Cập diễn ra ngày 22/4/2018, hai bên thống nhất các biện pháp tăng cường hợp tác song phương trên các lĩnh vực thương mại và công nghiệp. Đặc biệt, hai bên nhất trí thúc đẩy các nỗ lực để đưa kim ngạch thương mại hai chiều sớm đạt mục tiêu 1 tỷ USD mà lãnh đạo hai nước đề ra nhân chuyến thăm Việt Nam tháng 9/2017 của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi.
Cũng tại kỳ họp, lãnh đạo Bộ Công Thương hai nước nhất trí xác định một số lĩnh vực để đẩy mạnh hợp tác như dầu khí, da giày và chế biến thực phẩm, đặc biệt là năng lượng tái tạo.