Việt Nam thúc đẩy thảo luận thực chất tại Hội nghị Giải trừ quân bị
Các nước thành viên đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy thảo luận thực chất, hướng tới một thỏa thuận quốc tế về giải trừ quân bị và chống phổ biến vũ khí hạt nhân có tính pháp lý.
Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, trong khuôn khổ nhiệm kỳ Chủ tịch Hội nghị Giải trừ quân bị (CD) năm 2019, ngày 28/6, tại Trụ sở Văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam đã chủ trì phiên họp toàn thể thứ hai, tập trung thảo luận về chủ đề “Các biện pháp dàn xếp quốc tế hiệu quả nhằm bảo đảm các nước không sở hữu vũ khí hạt nhân trước khi sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân (NSA)”.
Đây là một trong 4 đề mục thuộc chương trình nghị sự của Hội nghị, sẽ được các nước tập trung thảo luận trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam.
Hội nghị có sự tham dự của Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg với tư cách khách mời danh dự. Phát biểu tại Hội nghị, Ngoại trưởng Schallenberg cho rằng các tiến bộ về khoa học-công nghệ sẽ đặt ra nhiều thách thức mới cho môi trường an ninh quốc tế. Ông Schallenberg kêu gọi các nước thúc đẩy các cơ chế về giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí, thượng tôn luật pháp quốc tế, bảo đảm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế và khu vực.
Đại sứ Đức Peter Andreas Beerwerth, Đại sứ Trung Quốc Lý Tùng (Li Song) và Cố vấn cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách an ninh Geneva (GCSP) Marc Finaud đã có các phát biểu đề dẫn tại phiên thảo luận, nhấn mạnh tầm quan trọng của NSA trong cơ chế giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế, có khả năng tăng cường hiệu quả thực thi các thỏa thuận về khu vực không có vũ khí hạt nhân.
Các phát biểu cũng khẳng định nguyên tắc “không là nước đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân” đóng vai trò quan trọng trong NSA, kêu gọi các nước sở hữu vũ khí hạt nhân đưa ra cam kết vô điều kiện về việc không sử dụng hoặc đe dọa tấn công hạt nhân các nước không có vũ khí hạt nhân.
Thay mặt đoàn Việt Nam, Đại sứ Dương Chí Dũng nhấn mạnh NSA là một biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quá trình giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn diện, đóng vai trò quan trọng đảm bảo thực thi hiệu quả các thỏa thuận về khu vực không có vũ khí hạt nhân, trong đó có Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ).
Nhìn chung, các nước thành viên đều cho rằng NSA có thể đóng góp thiết thực vào tiến trình giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí hạt nhân toàn diện, nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ của NSA với các thỏa thuận khu vực không có vũ khí hạt nhân.
Các nước thành viên CD đánh giá cao việc Việt Nam tổ chức phiên thảo luận về NSA, góp phần thúc đẩy thảo luận thực chất, hướng tới một thỏa thuận quốc tế có tính ràng buộc pháp lý về giải trừ quân bị và chống phổ biến vũ khí hạt nhân toàn diện./.