Việt Nam thực thi chủ quyền biển đảo

Nhà nước phong kiến Việt Nam từ hàng trăm năm trước đã sớm có ý thức về bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền, cương thổ của Tổ quốc, trong đó có cương vực lãnh thổ trên biển, đặc biệt là khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bài liên quan

UNCLOS 1982 - “Hiến pháp của biển”

Việt Nam thực thi UNCLOS 1982 - Hành trình 25 năm

Luật Biển và chủ quyền của Việt Nam

“Đường lưỡi bò” và sự nhìn nhận của thế giới về một yêu sách phi lý

Thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế và quyền của Việt Nam

Từ “Đường lưỡi bò” đến âm mưu độc chiếm biển Đông

“Đường lưỡi bò” và sự nhìn nhận của thế giới về một yêu sách phi lý

Kỳ 1: Thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa: Nỗ lực của nhà nước phong kiến Việt Nam

Bằng nhiều phương thức khác nhau, các triều đại phong kiến Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền trên biển Đông một cách hòa bình và liên tục trong suốt nhiều thế kỷ.

“Hồng Đức bản đồ” và tầm nhìn của vị vua anh minh

Lê Thánh Tông- người tạo lập nên một triều đại thịnh vượng vào bậc nhất, không chỉ là vị vua “cao siêu, anh minh quyết đoán, có hùng tài đại lược, võ giỏi văn hay” mà có lẽ còn là vị vua ý thức sâu sắc nhất, quyết liệt nhất về vấn đề chủ quyền lãnh thổ, trong đó có chủ quyền biển đảo.

Dưới thời Lê Thánh Tông, việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đã trở thành mệnh lệnh thiêng liêng. Theo Đại Việt sử ký toàn thư , tháng 4 năm Quý Tỵ (1473), vua Lê Thánh Tông nói với các quan phụ trách việc biên cương, đứng đầu là Thái bảo Kiến Dương Bá Lê Cảnh Huy rằng: “Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào lại nên vứt bỏ?... Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc, thì phải tội tru di”. Vua Lê Thánh Tông cho khắc tuyên ngôn bất hủ của mình trên núi Bài Thơ (Hòn Gai, Quảng Ninh): “Thiên Nam vạn cổ sơn hà tại” (Muôn thuở Trời Nam núi sông còn mãi). Ý thức chủ quyền quốc gia lãnh thổ đã trở thành một nguyên tắc tối thượng: Nếu một người nào đó, bất kể họ là ai, để mất vào tay kẻ thù dù chỉ một tấc đất của cha ông thì đều bị khép tội phản quốc và phải chịu hình phạt cao nhất của triều đình.

Đại Nam nhất thống toàn đồ.

Tinh thần quyết liệt bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ấy đã được vua Lê Thánh Tông thể chế hóa thông qua Bộ luật Hồng Đức, trong đó những hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, phá hoại an ninh quốc gia, trật tự xã hội vùng biên giới cho đến cả sự vô trách nhiệm, mất cảnh giác gây hậu quả xấu đến chủ quyền an ninh biên giới đều bị trừng trị rất nặng. Bộ luật Hồng Đức cũng “quy trách nhiệm” ghi rõ và cụ thể của quan trấn giữ và cai quản ở biên giới, nếu vô trách nhiệm mất cảnh giác gây hậu quả nghiêm trọng cho chủ quyền và an ninh quốc gia đều bị tội chém.

Không chỉ rất quyết liệt trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, Lê Thánh Tông còn là vị vua đã sớm có ý thức về việc mở rộng lãnh thổ dân tộc. Trước những cuộc xâm lấn và gây rối của Chămpa, năm 1471, Lê Thánh Tông quyết định huy động 25 vạn quân do ông đích thân chỉ huy chinh phạt Chămpa. Cuộc chinh phạt giành thắng lợi, hạ được thành Vijaya. Chiến thắng Vijaya của Lê Thánh Tông không chỉ đánh sụp vương triều này, tiêu diệt tận gốc các thế lực gây rối mà còn tạo ra một bước ngoặt lịch sử trên con đường Nam tiến của dân tộc Việt.

Lê Thánh Tông còn là vị vua đầu tiên trong lịch sử Việt Nam tổ chức vẽ và ban bố bản đồ toàn quốc với tên gọi Hồng Đức bản đồ. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, từ năm 1467, vua Lê Thánh Tông đã ra lệnh điều tra hình thế sông núi thuộc địa phương để vẽ thành bản đồ, hai lần nhà vua giao cho bộ Hộ quy định những chi tiết do các quan địa phương tiến dâng để lập thành địa đồ toàn vẹn lãnh thổ Đại Việt. Triều đại vua Lê Thánh Tông cũng đã sớm thực thi chủ quyền biển đảo Việt Nam khi Bộ Hồng Đức Bản đồ, được hoàn thành vào cuối năm 1469, được bổ sung nhiều lần về sau, bao gồm bản đồ cả nước và các địa phương, trong đó có các vùng biển, đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hàng trăm năm đã trôi qua, nhưng Hồng Đức Bản đồ - tấm bản đồ ghi dấu sự hiện diện của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử vô giá khi xác lập biên giới quốc gia, khẳng định chủ quyền lãnh thổ trong đó có vùng biển, đảo, trong đó việc xác lập chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Đại Việt cho đến hôm nay vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự.

“Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” hay những nỗ lực liên tục của Triều Nguyễn trong việc thực thi chủ quyền biển đảo

Có thể nói, không chỉ thời vua Lê Thánh Tông, ngay từ khi bắt đầu xây dựng nền phong kiến độc lập tự chủ, ông cha ta đã có ý thức về bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền, cương thổ của Tổ quốc. Theo chiều dài lịch sử, nhà nước phong kiến Đại Việt nào, từ thời Đinh, Tiền Lê, đến đời Lý, Trần, ý thức về toàn vẹn lãnh thổ theo đó ngày càng mạnh mẽ, rõ ràng hơn. Tuy nhiên, điểm nhấn đáng kể trong việc xác lập chủ quyền biển đảo phải kể đến triều đại phong kiến thời nhà Nguyễn với “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư”.

Theo nhiều tài liệu, cuốn sách Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư gồm 4 quyển được cho là do nho sinh họ Đỗ Bá, tên tự là Đạo Phủ (còn được gọi là Đỗ Bá Công Đạo) sưu tầm, biên soạn vào khoảng năm 1630 đến 1653. Chuyện kể rằng Đỗ Bá Công Đạo giả dạng lái buôn dong thuyền vượt biển vào Nam thăm dò hình thế sông núi, đường đi lối lại các nơi. Sau khi khảo sát kỹ càng, ông vẽ lại bản đồ xứ Đàng Trong rồi ra Bắc dâng lên Chúa. Chúa Trịnh rất mừng và tiếp tục cho ông soạn bộ Toản tập Thiên Nam Tứ chí lộ đồ với 4 tập, gồm những bản đồ được chú giải rất tỷ mỉ.

Điều đặc biệt nhất cũng là một trong trong những điểm được xem là giá trị nhất của Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư là trong quyển 1 của thư tịch cổ này đã nhắc đến 3 chữ “Bãi cát vàng”. Cụ thể, Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư có đoạn: “Ở làng Kim Hồ, trên hai bên bờ sông, có hai ngọn núi, mỗi ngọn đều có mỏ vàng được khai thác dưới sự kiểm soát của triều đình. Ở giữa biển, có một quần đảo dài 400 lý và rộng 200 lý có tên là “Bãi cát vàng” nhô lên từ đáy biển hướng về phía duyên hải giữa hai cảng Đại Chiêm và Sa Vinh. Vào mùa mưa tây - nam, các thương thuyền từ các quốc gia khác nhau qua lại gần bờ thường bị đắm ở các khu vực quần đảo này. Điều tương tự cũng xảy ra trong mùa mưa đông - bắc cho các thương thuyền qua lại trên vùng biển. Tất cả mọi người trên tàu bị đắm ở khu vực này thường bị chết đói. Nhiều loại thương thuyền khác nhau bị đắm trôi dạt vào đảo này. Mỗi năm trong suốt tháng cuối cùng của mùa đông, các Chúa nhà Nguyễn thường phái đến các đảo này một hạm đội gồm 18 tàu buồm để vớt các chiếc tàu đắm. Họ thu được rất nhiều vàng, bạc, tiền đúc, súng ống và đạn dược. Từ cảng Đại Chiêm phải mất một ngày rưỡi để đến quần đảo này, trong khi chỉ mất có một ngày nếu khởi đi từ Sa Kỳ”.

Những thông tin thể hiện trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư cho thấy rõ ràng cương giới xứ Đàng Trong do chúa Nguyễn quản lý từ cuối thế kỷ XVI đã mở rộng ra khu vực các quần đảo ở giữa Biển Đông. “Bãi cát vàng” mà Đỗ Bá Công Đạo nhắc tới chính là 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ngày nay. Xưa kia, nhân dân xứ Đàng Trong đặt cho hai quần đảo này tên gọi nôm na là “Bãi cát vàng”. Tên gọi này chuyển sang âm Hán Việt là “Hoàng Sa”, “Hoàng Sa chử” sau đó được sử dụng chính thức trong các văn kiện, tài liệu của triều đình thời Lê và Nguyễn, như trong Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam nhất thống toàn đồ, tên gọi này được dùng để chỉ chung cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ngày nay. Chừng ấy đã cho thấy 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã thuộc quyền kiểm soát và quản lý của người Việt.

`Điều đáng nói là việc thực thi chủ quyền biển đảo, đặc biệt với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa dưới triều các vua nhà Nguyễn không chỉ có vậy. Trước khi lên ngôi hoàng đế (1802), Nguyễn Ánh từng nhờ người Pháp đo đạc giúp hải trình ở Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long tiếp tục chỉ dụ đo đạc, vẽ bản đồ ở Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1816 vua Gia Long đã sai người ra cắm cờ trên đảo Hoàng Sa.

Đặc biệt, hoạt động thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa được tiến hành liên tục và triệt để dưới triều Minh Mạng (1820 - 1841). Đơn cử như việc vua Minh Mạng phái người ra Hoàng Sa vẽ bản đồ, dựng miếu, lập bia đá và xây bình phong trước miếu… Chuyện kể rằng, việc đo vẽ bản đồ Hoàng Sa và Trường Sa được coi trọng hết mức. Nhiều quan lại, quân lính bị phạt nặng do không hoàn tất công việc theo chỉ dụ của nhà vua, Bộ Công buộc họ phải làm lại. Nhờ các hoạt động đo đạc chi tiết, cẩn thận như vậy, những dữ liệu thu về đã giúp triều đình Minh Mạng hoàn thành bản đồ chính thức của nước Đại Nam vào năm 1838 mang tên Đại Nam nhất thống toàn đồ, trong đó ghi rõ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Chưa hết, các đội Hoàng Sa, Bắc Hải hoạt động mạnh và hiệu quả dưới thời Gia Long cho đến đầu thập kỷ 20 của thế kỷ 19 thì được tích hợp vào đội thủy quân của triều Nguyễn. Suốt thời kỳ nhà Nguyễn, thủy quân triều Nguyễn đều đặn đi vãng thám, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm mốc, dựng bia chủ quyền và rất nhiều hoạt động khác để thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này.

Trong nỗ lực thực thi chủ quyền của triều Nguyễn còn có các tấm mộc bản- chúng tôi xin được tiếp tục đề cập tới trong Tư liệu số sau.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viet-nam-thuc-thi-chu-quyen-bien-dao-post69920.html